Bánh gai Chiêm Hóa - Từ món quà quê trở thành đặc sản
04/11/2023 lúc 13:00 (GMT)

Bánh gai Chiêm Hóa - Từ món quà quê trở thành đặc sản

 

Bánh gai Chiêm Hóa từ lâu đã là một đặc sản nổi tiếng của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Từ bao đời nay, món ăn này đã góp phần tạo nên thương hiệu có tiếng cho Tuyên Quang.

 

Món bánh gai Chiêm Hóa là sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang đậm nét văn hóa của người Tày. Bánh được tạo ra từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương được lựa chọn kĩ càng như: Gạo nếp cái hoa vàng, lá gai, thịt lợn và nhân đỗ xanh, gói bằng lá chuối khô theo phương pháp cổ truyền tạo nên chất lượng thơm ngon và đặc trưng của vùng quê Chiêm Hóa.

banh gai

Để làm ra được chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ và tinh tế, có những thao tác thành thạo, điêu luyện trong từng công đoạn. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tươi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Thời gian làm một mẻ bánh hoàn chỉnh mất khoảng 7 giờ đồng hồ.

Muốn có chiếc bánh thơm ngon, gạo nếp nhất định phải là loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn mẩy, được đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm sau đó để ráo nước và xay thành bột.

banh gai

Lá gai được coi là linh hồn của chiếc bánh. Lá gai ngon phải là loại lá to, bánh tẻ đem phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh.

Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém, mỡ lợn được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không bị nát, còn nguyên hương vị. Điểm đặc biệt nhất của bánh gai Chiêm Hóa còn ở cách ướp mỡ lợn với đường. Người Tày dùng loại mỡ khổ (mỡ đầu mông), thái hạt lựu, ướp đường 3 ngày giúp nhân bánh trong và ngon hơn, ăn nhiều không bị ngấy.

banh gai 1
banh gai 2
banh gai 3
banh gai 4

Bánh được nặn tròn, rắc vừng ở ngoài, sau đó gói trong lá chuối. Chính lớp vừng thơm bùi đã tạo nên hương vị riêng biệt cho món bánh gai Chiêm Hóa nổi danh. Điểm đặc biệt nữa, bánh gai ở Chiêm Hóa được gói thành cặp chứ không gói 1 cái như ở các nơi khác. Bánh gai chín được vớt ra, để ráo nước. Mặt ngoài của lá chuối se lại, vẫn giữ được màu bàng bạc chứ không chuyển màu sậm đỏ như bánh ở nhiều nơi khác.

Khi ăn bánh, ai cũng sẽ thích thú với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh. Sự hòa quyện của lá gai và mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh gai. Bánh có thể để được 3 - 4 ngày trong nhiệt độ thường, ở nhiệt độ lạnh như tủ lạnh thì thì có thể để được 7 – 9 ngày.

banh gai
banh gai

Nghề làm bánh gai của huyện Chiêm Hóa hình thành từ những năm 1940 ở thị trấn Vĩnh Lộc. Ban đầu chỉ có 1-2 hộ gia đình làm bánh vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết để dâng cúng tổ tiên, biếu, tặng người thân. Sau này, các hộ gia đình truyền lại nghề cho con cháu, lâu dần nhiều hộ trong thị trấn học theo, lưu giữ thành nghề truyền thống.

Ngày nay món bánh này đã trở thành thương hiệu bánh gai nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang nên người dân nơi đây thường làm món bánh này để phục vụ nhu cầu yêu mến bánh gai của du khách trong và ngoài nước. Nhiều người thường lựa chọn món bánh này để mua về làm quà sau chuyến đi du lịch Tuyên Quang.

le cong nhan
banh gai chiem hoa

Được biết, năm 2017 sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2020 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt 4 sao.

Bánh gai Chiêm Hóa Tuyên Quang cũng là một đặc sản ẩm thực, du lịch độc đáo, nằm trong Top 50 món ăn đặc sắc nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Hiện nay trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc có gần 100 hộ gia đình chuyên làm bánh gai. Mỗi ngày các cơ sở này cung cấp gần 3.000 cặp ra thị trường, vào các dịp lễ, Tết sản lượng có thể tăng gấp 4 đến 5 lần. 

banh gai

Nghề sản xuất bánh gai đã tạo cho các hộ một khoản thu nhập ổn định, khoảng 4 - 5 triệu đồng/hộ/tháng. Bánh gai Chiêm Hóa đã tỏa đi mọi tỉnh thành, ra tận nước ngoài như một thứ quà quê bình dị, thơm ngon mà bất cứ du khách nào qua đây đều muốn thưởng thức.

Theo thống kê của huyện Chiêm Hóa, trung bình mỗi năm các cơ sở sản xuất bánh gai huyện Chiêm Hóa cung cấp ra thị trường trên 110 tấn bánh gai, doanh thu trên 3 tỷ đồng...

banh gai

 

banh gai
banh gai

Để sản phẩm bánh gai duy trì được thương hiệu và ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hoá” được giao cho HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đứng ra quản lý với 7 thành viên đăng ký tham gia sản xuất sản phẩm bánh gai mang nhãn hiệu “Bánh gai Chiêm Hoá”.

HTX có 7 hộ thành viên, trước đây nghề làm bánh gai của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô gia đình, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa gắn kết sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

bánh gai chiem hoa 6

Do đó, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bánh gai Chiêm Hóa". Năm 2020, sản phẩm bánh gai tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được xếp hạng 4 sao.

Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, từ năm 2020, hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 6 tỉnh, thành phía Bắc. Hợp tác xã phấn đấu nâng sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đạt tiêu chuẩn từ 4 sao lên 5 sao. Hiện, hợp tác xã đang tiến hành rà soát, đánh giá cơ sở sản xuất của một số hộ dân tham gia sản xuất bánh gai ở các tổ dân phố để phát triển thêm thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu sớm đạt 5 sao.

anh gai a
banh gai b

Nắm bắt được lợi thế để quảng bá thương hiệu cho những sản vật của địa phương, huyện Chiêm Hoá cũng đang có hướng mở cho ngành nghề này. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm bánh gai truyền thống, xây dựng sản phẩm theo chương trình Ocop - mỗi xã một sản phẩm để nâng tầm, tăng giá trị của bánh gai. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của các hộ làm nghề.

Trong quá trình các hộ sản xuất, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra các hộ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà làm mất đi giá trị bánh gai đã được khẳng định trong suốt thời gian qua.

banh gai tuyen quan
banh gai 1

Tiếp nối nghề làm bánh gai truyền thống của gia đình, những năm qua cơ sở bánh gai Quân Hoa của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hoa ở tổ Vĩnh Giang thị trấn Vĩnh Lộc đã tạo được uy tín góp phần đưa thương hiệu bánh gai Chiêm Hóa ngày càng vươn xa.

Chị Hoa hiện là chủ cơ sở bánh gai Quân Hoa và cũng là thành viên của HTX Bánh gai Chiêm Hóa. Chị Hoa cho biết, nếu trước đây làm bánh gai chủ yếu làm thủ công, thì hiện nay một số công đoạn đã được thay thế bằng máy móc, nhờ vậy mà giảm được công sức.

banh gai quan hoa

Đặc biệt, việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm bánh gai Chiêm Hoá đã giúp cho không chỉ riêng cơ sở bánh gai của gia đình chị Hoa có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Đồng thời cũng nâng cao được nhận thức của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và khách hàng về giá trị của nhãn hiệu tập thể, có ý thức tự bảo vệ quyền của nhà sản xuất, người tiêu dùng đối với sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị đối với loại bánh cổ truyền đặc trưng của huyện Chiêm Hóa.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở của chị cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 cặp bánh gai, đặc biệt vào những ngày rằm, mùng 1 và dịp tết số lượng tăng lên từ 200 đến 1.000 cặp/ngày. Sản phẩm bánh gai của cơ sở được cung cấp không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn gửi đi các tỉnh khác. Từ nghề làm bánh gai, mỗi tháng sau khi trừ chi phí chị thu lãi 10 triệu đồng; tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2018, với ý tưởng khởi nghiệp là “Giữ gìn và phát triển thương hiệu bánh gai Chiêm Hóa” của chị Nguyễn Thị Thanh Hoa đã được Tỉnh đoàn Tuyên Quang tặng Bằng khen vì có thành tích trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”.

banh gai

 

Bài: Bảo An
Trình bày: Hoàng Nguyên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí