Bánh tét Trà Cuôn nồng đượm khó quên
24/11/2022 lúc 11:00 (GMT)

Bánh tét Trà Cuôn nồng đượm khó quên

 

Đặc sản nơi vùng đất Trà Vinh

Nói đến bánh tét thì miền Tây có rất nhiều loại, có bánh tét truyền thống, có bánh tét lá cẩm và trong số đó còn có bánh tét Trà Cuôn. Từ Trà Cuôn vốn xuất phát từ tiếng Khmer (Trà Vinh có nhiều đồng bào Khmer sinh sống).

Theo lưu truyền của người dân Trà Vinh, món bánh tét này do một người Khmer là bà Thạch Thị Lết ở huyện Cầu Ngang, gói bán để mưu sinh. Đến nay, món bánh này đã có lịch sử đến 80 năm, trở thành đặc sản miền Tây được cư dân địa phương và du khách khắp nơi yêu thích.  

Sự khác biệt của bánh tét nằm ở công đoạn chọn lựa nguyên liệu, gói bánh và luộc bánh. Để có đòn bánh ngon, người thợ sử dụng nếp sáp, thịt ba rọi ướp thơm và đậu xanh.

banh tet

Tùy cơ sở chế biến mà phần nếp sáp được giữ màu trắng tinh túy cho hoặc cho thêm nước cốt gấc để có màu đỏ cam, thêm lá cẩm để có màu tím hay thêm lá bồ ngót để có màu xanh bắt mắt. Chính nguyên liệu tự nhiên này góp phần giúp cho món bánh tét có màu sắc đẹp và mùi thơm khó cưỡng.  

Khi đã chọn được nguồn nguyên liệu hảo hạng nhất, người thợ làm bánh phải chú trọng đến khâu gói bánh. Thao tác cột dây phải vừa phải, nếu cột chặt quá có thể khiến lớp mỡ chín không đều. Còn nếu cột quá lỏng, bánh sẽ bị thấm nước và không ngon, không thể giữ lâu.

Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về lựa chọn nguyên liệu và gói bánh, bạn sẽ có đòn bánh tét Trà Cuôn thành phẩm chắc nịch, cầm nặng tay và đầy đặn. Lớp lá bên ngoài sau 7 – 8 tiếng được nấu sẽ bạc màu. Tuy nhiên đòn bánh trông vẫn gọn gàng, đẹp mắt, đúng chuẩn bánh tét hảo hạng của Trà Vinh. 

banh tet 2

Hương vị khó quên

Bánh tét Trà Cuôn hấp dẫn cả hình thức lẫn hương vị, lớp nếp màu xanh đậm, bao bọc lớp nhân đậu xanh vàng ươm, bên trong là thịt mỡ, trứng muối và cả tôm khô. Khi đưa miếng bánh lên miệng và cắn thử một miếng, vị dẻo mềm của nếp hòa quyện cùng vị bùi của đậu xanh rồi lại là vị béo ngậy của thịt mỡ tạo nên một vị ngon quyến rũ.

Để có thành phẩm là một đòn bánh tét ngon như miêu tả bên trên, đòi hỏi người thợ làm bánh phải hết sức cần mẩn, tỉ mỉ trong quá trình chọn nguyên liệu, gói bánh và cả nấu bánh. Có thể nói rằng quy trình làm bánh tét Trà Cuôn như quy trình sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật còn người làm bánh là một nghệ nhân đích thực. 

banh tet b

 

Ngày nay, bánh tét Trà Cuôn là món ngon miền Tây rất được yêu thích. Để làm được đòn bánh ngon, các nghệ nhân đều phải tuân thủ công thức lựa chọn nguyên liệu, gói bánh và nấu bánh. Mỗi giai đoạn đều cần chuẩn bị kỹ lưỡng để cho ra đời đòn bánh ngon, chuẩn vị. 

Những người thợ làm bánh lâu năm cho biết, nếp sáp địa phương là loại nếp ngon nhất để làm bánh tét này. Đậu xanh làm nhân bánh là loại đậu hạt to, tròn đều và được đãi sạch vỏ, nấu chín, quếch mịn. Kể cả lá chuối dùng gói bánh cũng phải là lá chuối tươi, khổ rộng, không bị rách và được phơi nắng cho héo đi một chút. 

 

banh tet 1

Ngoài nếp và đậu xanh thì mỡ heo cũng là nguyên liệu tạo nên độ béo, độ hấp dẫn cho bánh tét Trà Cuôn. Miếng mỡ heo phải được cắt miếng dài, góc cạnh vuông vức và tẩm ướp thêm muối, đường, hành lá…. Tùy khẩu vị mà nhiều nơi sẽ cho thêm trứng muối, tôm khô để món bánh được bắt mắt. 

Sau công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh, những đòn bánh tét được cho vào nồi to, nấu trên bếp củi với lửa lớn trong thời gian 7 – 8 tiếng để bánh chín đều, mùi vị thơm ngon đặc trưng, chuẩn đặc sản Trà Vinh nức tiếng. Một đòn bánh tét ngon, chất lượng và sạch có thể bảo quản trong 5 – 7 ngày vào điều kiện thông thường. 

Ngày nay, bánh tét Trà Cuôn là một đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh nói riêng và của miền Tây Nam bộ nói chung. Đây là món ăn ngon không chỉ có bán vào dịp Tết mà gần như được bán quanh năm.

 

banh tet 9
banh tet 10
banh tet 10b
banh 4
banh 5

 

BÁNH TÉT MIỀN TÂY

Nét giao thoa văn hóa, lịch sử

Một trong số những truyền thuyết được đề cập nhiều nhất có liên quan tới chiến dịch đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào dịp Tết năm Kỷ Dậu 1789 của Hoàng đế Quang Trung.

Tương truyền để có thể tạo được cuộc tiến công thần tốc từ Thuận Hóa ra đến Thăng Long, 7 vạn binh lính của Quang Trung phải thực hiện cuộc hành quân ngày đêm không nghỉ.

Để đảm bảo lương thực cho quân lính, vua Quang Trung cho người nấu bánh chưng, nhưng lại thay đổi hình dạng của bánh chưng miền Bắc từ hình vuông thành hình trụ tròn (đòn) như bánh tét miền Nam ngày nay để tiện mang theo, không cồng kềnh, không phải dừng lại nấu nướng.

          

Tết, người Nam Bộ chỉ gói hai loại bánh tét là: Bánh tét chay và Bánh tét mặn. Bánh chay để cúng ông bà, trời đất, bánh mặn dùng trong bữa ăn. Bánh tét ăn kèm với củ kiệu, dưa chua, thịt kho tàu.

          

 

banh tet 6

Một số ý kiến khác cho rằng, bánh tét là sản phẩm của sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau tại miền Nam. Trong đó, chủ đạo là văn hóa Chăm với tín ngưỡng phồn thực. Hình dạng bánh tét là hình tượng Linga. Nó không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhân bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhân bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhân đậu xanh hoặc ướp thịt nhân bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).

Điều đặc trưng nhất của bánh tét miền Tây là màu sắc: Bánh tét Trà Cuôn, Trà Vinh với màu xanh ngắt của lá bồ ngót bao bọc lấy nhân bánh vàng. Bánh tét lá cẩm Cần Thơ với màu tím lãng mạn như hoa pansy. Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long, rồi bánh tét nhân 3 màu, bánh tét lá mật cật, bánh tét nhân chuối. Rồi còn có cả bánh tét màu đỏ cam từ quả gấc vô cùng hấp dẫn với ý nghĩa đem lại may mắn trong những ngày Tết. Những sắc màu rực rỡ được lấy từ các loại lá, cây trái có trong tự nhiên, tạo nên hương thơm tinh tế khó lẫn đi đâu được của bánh tét miền Tây.

banh tet

 

Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí