Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 25.000 người dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và Thị xã Bình Minh.
Nếu miền Bắc nổi tiếng về bưởi Đoan Hùng, miền Trung có bưởi Thanh Trà thì ở miền Tây sông nước nổi tiếng với bưởi Năm Roi của Thị xã Bình Minh, xứ “địa linh nhân kiệt” Vĩnh Long.
Bưởi được xem là một loại trái cây ngon mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Với hàm lượng protein, vitamin C, kali,.. dồi dào, bưởi có khả năng chữa trị bệnh tiểu đường, tăng sức đề kháng, làm đẹp da, giảm lượng cholesteron trong cơ thể đồng thời ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch.
Xuất xứ tên gọi
Theo một số tài liệu, giống bưởi Năm Roi do ông Trần Văn Bưởi (1918 - 1990), người làng Mái Dầm, nay thuộc xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang tìm thấy. Lúc sinh thời, ông Bưởi làm nghề buôn bán trên sông, lúc dừng ghe ở Tân Châu thì vớt được một loại trái cây lạ trên sông. Loại quả này có da màu xanh, ruột đỏ vàng, ăn vào có vị ngọt thanh, mọng nước nên ông đã lấy hạt mang về trồng tại Phú Hữu (Hậu Giang). Vì đây là giống cây quý nên ông Bưởi cho người canh giữ và làm hàng rào bao quanh để bảo vệ cùng với lời đe dọa là nếu ai dám bén mảng đến để phá hay trộm cắp sẽ lãnh hình phạt là đánh 5 roi. Bởi thế người dân đã đặt cho giống bưởi đặc biệt này cái tên mộc mạc là Năm Roi.
Cùng thuộc họ cam quýt nên bưởi Năm Roi cũng là nguồn bổ sung vitamin C (52%), vitamin A (23%) dồi dào, khi hấp thụ vào sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, trong giống bưởi này còn chứa đến 1.6g chất xơ, 10g canxi, 0.1g chất béo, 7g đường, 0.8g protein, 7g đường,..
Tuy có nguồn gốc từ Phú Hữu nhưng vùng đất làm nên danh tiếng cây bưởi Năm Roi lại ở Bình Minh với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây bưởi. Đây là vùng đất màu mỡ được phù sa của 3 con sông lớn bồi đắp: sông Hậu, sông Trà Von và sông Mang Thít. Điểm đặc biệt chỉ trái bưởi Năm Roi ở Bình Minh mới có là rất ít hoặc không có hạt. Đến nay, xã cù lao Mỹ Hòa của Thị xã Bình Minh đã trở thành vùng chuyên canh bưởi Năm Roi với 1.220 hecta, đạt tỷ lệ trên 80% đất sản xuất và cho sản lượng khoảng 40.000 tấn/ năm.
Chỉ tiêu |
Số lượng |
Hàm lượng nước (%) |
88.13-90.41 |
Hàm lượng chất khô (%) |
9.59-11.87 |
Đường tổng số (%) |
5.80-7.91 |
Hàm lượng chất rắn hòa tan (độ Brix) |
9.67-10.82 |
Axit tổng số (%) |
0.32-0.63 |
Vitamin C (mg/100g) |
49.16-67.86 |
Chất xơ (%) |
0.23-0.40 |
Cách chọn bưởi Năm Roi
Bưởi Năm Roi có hình dáng khá giống quả lê, vỏ mỏng, màu xanh, khi gần chín thì vỏ bắt đầu chuyển sang màu vàng. Trên vỏ có xuất hiện những nốt gai, nếu nốt gai to và đều nhau thì chứng tỏ là bưởi già và ngược lại, những quả bưởi non sẽ có nốt gai khá nhỏ. Ngoài ra, có thể kiểm tra chất lượng của quả bưởi bằng cách vỗ nhẹ, nghe âm thanh “cạch cạch” thì chắc chắn đây là quả bưởi ngon.
Ngoài ra, hãy chú ý trọng lượng: bưởi Năm Roi thường nặng từ 1 kg trở lên, với những quả được trồng trong điều kiện tự nhiên thuận lợi thì có thể nặng hơn 2 kg. Nếu trái nhẹ hơn 1 kg thì nhiều khả năng không phải bưởi Năm Roi.
Cuối cùng là mùi vị của múi bưởi Năm Roi, điểm đặc trưng tạo nên dấu ấn của giống bưởi này. Múi bưởi có vị ngọt dịu đặc trưng, hơi chua và mọng nước. Ăn trực tiếp hoặc làm nước ép bưởi đều rất ngon và bổ dưỡng cho sức khỏe.
Vĩnh Long là tỉnh có lợi thế và điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển cây ăn trái vùng nhiệt đới với nhiều chủng loại phong phú, thơm ngon có tiếng như: cam sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Bình Minh, quýt, chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài cát… Tuy nhiên, để tạo dựng thương hiệu cho trái cây Vĩnh Long, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nhiều đặc sản nhưng vẫn thiếu tư duy hàng hóa
Vĩnh Long có khoảng 43.000 hecta vườn cây ăn trái, chuyên trồng cam sành, bưởi, dừa, boòng boong, măng cụt, vú sữa, chôm chôm …, tập trung nhiều ở Long Hồ, Tam Bình, Bình Minh, Trà Ôn, cho tổng sản lượng gần 350.000 tấn quả/năm, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến bưởi Năm Roi. Hiện, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long có khoảng 4.000 hecta, tập trung ở các xã Thuận An, Đông Thạnh, Đông Thành, Đông Bình của huyện Bình Minh. Trong đó, xã Mỹ Hòa trồng bưởi Năm Roi nhiều nhất, trên 1.000 hecta.
Hằng năm, có trên 60.000 tấn bưởi cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài bưởi Năm Roi, Vĩnh Long cũng đã xuất khẩu được nhãn sang Trung Quốc và các nước châu Âu, thu về nguồn ngoại tệ lớn. Hiện tỉnh đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái cây mà đích nhắm đến là các thị trường lớn giàu tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Singapore…
Tuy nhiên, diện tích sản xuất trái cây Vĩnh Long chủ yếu phân tán theo quy mô hộ gia đình. Một số vùng chuyên canh quy mô nhỏ và vừa đã hình thành nhưng chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định, chưa tổ chức sản xuất kết hợp chặt với tiêu thụ. Chính từ quy mô hạn chế, dạng kinh tế hộ nên sản lượng lúc thừa lúc thiếu, chất lượng không đồng đều khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn.
Ngoài ra, trái cây Vĩnh Long đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều chủng loại trái cây ngoại nhập từ Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan… hiện đang tràn ngập trên thị trường. Trong khi đó khả năng cạnh tranh của trái cây Vĩnh Long còn nhiều hạn chế cả về chất lượng, hương vị, độ đồng đều và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, số lượng trái cây có thương hiệu mạnh có nhưng còn ít.
Hiện các loại cây ăn trái của Vĩnh Long thiếu sự liên kết có hệ thống từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu, điều này tác động không nhỏ đến việc đưa trái cây Vĩnh Long đi xa trên thương trường quốc tế. Ngoài ra, công tác quảng bá cho thương hiệu trái cây Vĩnh Long còn rất hạn chế và hầu như chưa được quan tâm đúng mức; các nhà vườn, doanh nghiệp tự tìm khách hàng, thiếu sự hỗ trợ, liên kết nên ít có được hợp đồng lớn.
Công tác giống chưa được đa số các nhà vườn quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất cây giống trong tỉnh được ngành nông nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưới để sản xuất cây giống sạch bệnh đang lâm vào tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm. Diễn biến thời tiết thất thường, sâu bệnh tràn lan cũng là nguyên nhân chính khiến trái cây Vĩnh Long mất đi chất lượng, năng suất lẫn sản lượng.
Sản phẩm bưởi Năm Roi của tỉnh Vĩnh Long được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2013. Chỉ dẫn địa lý do UBND tỉnh Vĩnh Long là cơ quan quản lý (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi của tỉnh Vĩnh Long số 00036, ngày 29/8/2013).
Ngày 29/7/2020, UBND thị xã Bình Minh đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Minh” đầu tiên cho Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, mở ra cánh cửa mới cho sản phẩm bưởi Năm Roi mang chỉ dẫn địa lý “Bình Minh” của thị xã Bình Minh nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung.
Đột phá từ đổi mới tư duy
Trước thực trạng trên, tỉnh Vĩnh Long đã có những giải pháp mang tính đột phá để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của vườn cây ăn quả, từ đó chủ động hơn trong sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết, tỉnh chú trọng phát triển vùng cây ăn trái theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, coi trọng khâu chế biến nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, chủ động thị trường tiêu thụ cho cây ăn trái.
Ngoài cây cam sành và bưởi Năm Roi là cây ăn quả chủ lực, Vĩnh Long còn thực hiện đa dạng hoá các loại cây ăn trái, trồng thêm những loại cây ăn trái khác cho giá trị kinh tế cao, tránh tình trạng độc canh đầy rủi ro. Riêng đối với bưởi Năm Roi, tỉnh chủ trương tăng diện tích lên 10.000 hecta và tập trung thâm canh nâng cao chất lượng bưởi.
Ngoài ra Vĩnh Long cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức của nông dân, doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên các thông tin về các hàng rào kỹ thuật, thuế quan, chất lượng, vệ sinh an toàn nông sản; nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái; các tác động của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, giống, vệ sinh an toàn nông sản… để nâng cao trình độ sản xuất cây ăn trái.
Bên cạnh việc giúp đỡ nông dân thâm canh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn trái, tỉnh còn tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và tìm đầu ra thuận lợi hơn cho nhiều loại cây ăn trái khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên là chưa đủ. Để hướng tới sản xuất hiệu quả, lâu bền và tạo dựng thương hiệu cho trái cây Vĩnh Long, cần có các tổ chức, cá nhân có khả năng liên kết các doanh nghiệp và nông dân, qua đó vừa tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến trái cây xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa tránh thiệt hại cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cần có biện pháp đầu tư mạnh cho việc xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn, các biện pháp nâng cao chất lượng bảo quản, sơ chế sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu mạnh, mở rộng tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho các nhà vườn. Có như vậy thì trái cây Vĩnh Long mới có thể đi xa hơn nữa trên thương trường quốc tế.
Trình bày: Duy kiên - Ánh Tuyết