Cà phê xứ lạnh “ấm đất” Kon Tum
23/11/2023 lúc 15:00 (GMT)

Cà phê xứ lạnh “ấm đất” Kon Tum

 

Cà phê xứ lạnh (cà phê Arabica) đang được tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng thương hiệu, trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Với giá trị cao, cà phê xứ lạnh Kon Tum đang dần tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

ca phe kon tum

Cà phê Arabica trồng trên độ cao 1000m so với mực nước biển hay còn gọi là cà phê xứ lạnh đang được tỉnh Kon Tum mở rộng diện tích bởi sự độc đáo của mình.

Cây cà phê Arabica ưa sống ở vùng núi cao, thường được trồng ở độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán nhỏ, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4–6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê.

Cà phê Arabica sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm thì có thể bắt đầu cho thu hoạch. Thường thì cà phê 25 tuổi đã được coi là già, không thu hoạch được nữa. Thực tế nó vẫn có thể tiếp tục sống thêm khoảng 70 năm. Cây cà phê Arabica ưa thích nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm.

hoa ca phe
ca phe xanh
ca phe
hai ca phe
ca phe

Đặc điểm nổi bật của cây cà phê xứ lạnh là khả năng chịu lạnh tốt. Từ điều kiện khí hậu và đất đai khác biệt đã tạo nên hương vị đặc trưng cho cà phê xứ lạnh. Trên thị trường cà phê Arabica được đánh giá cao hơn cà phê Robusta vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffein hơn. Một bao cà phê chè (60 kg) thường có giá cao gấp 2 lần một bao cà phê Robusta.

Được biết, cà phê xứ lạnh là loại cây chăm sóc và thu hoạch khá đơn giản, sản phẩm dễ tiêu thụ, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương... 

ca phe

Nếu được đầu tư thâm canh bảo đảm quy trình kỹ thuật, sử dụng một số giống mới đã được công nhận như TN1, TN2... có năng suất trung bình từ 3 đến 3,5 tấn nhân/ha, sẽ cho thu nhập trung bình khoảng 50 đến 52 triệu đồng/ha (sau khi đã trừ chi phí).

Với mức thu nhập như trên, Đề án hỗ trợ phát triển cây cà-phê xứ lạnh của UBND tỉnh Kon Tum không chỉ góp phần giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số, mà còn giúp bà con thoát khỏi đói nghèo.

ca phe
ca phe 1

Đề án trồng cà phê xứ lạnh tại tỉnh Kon Tum được triển khai thực hiện từ năm 2013 tại các huyện miền núi như Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông. Theo Đề án, sẽ có khoảng 4.000 hộ nghèo (trong đó trên 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) được hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cho gần 2.000 ha cà phê chè. Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ trồng từ 2 - 5 sào cà phê.

Diện tích cà phê thuộc Đề án được giao cho các hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Mục tiêu nhằm giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, biết cách trồng, chăm sóc cà phê, đặc biệt tạo nguồn thu nhập ổn định và tham gia thoát nghèo.

Kon Plông là vùng trồng cà phê xứ lạnh trọng điểm của tỉnh Kon Tum với lợi thế địa hình cao, nhiệt độ quanh năm luôn ở mức thấp, nhất là khu vực thị trấn Măng Đen và vùng lân cận.

ca phe

 

Anh A Hùng - dân tộc Mơ Nâm, trú thôn Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết, năm 2014 anh đã tham gia Đề án cà phê xứ lạnh trên diện tích đất trồng sắn trước đó. Đến năm 2016, cà phê bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm thu về từ 18 đến trên 20 triệu đồng. Thấy được hiệu quả bước đầu của cây cà phê xứ lạnh, nhiều hộ nghèo tại vùng 30a huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã chủ động đăng ký tham gia đề án.

Tại huyện Tu Mơ Rông, năm 2014 huyện đã triển khai thí điểm Đề án hỗ trợ phát triển cà-phê xứ lạnh cho 173 hộ, với diện tích 50 ha tại bốn xã: Ngọc Yêu, Đăk Sao, Đăk Na và Măng Ri. Trong đó, 100% số cây giống do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kon Tum cung cấp; huyện đã trích hơn 628 triệu đồng.

ca phe 5

Đến nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được khoảng 1.800 ha, chủ yếu diện tích cà phê xứ lạnh. Cây phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác. Bà con xem đây là cây thoát nghèo vì mang lại năng suất cao hơn rất nhiều so việc trồng mì và các loại cây khác trước đây.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, nhờ được hỗ trợ trồng cây cà phê theo đề án “Hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh” đã có thu nhập ổn định. Triển khai Đề án trồng cà phê xứ lạnh của tỉnh, huyện Đăk Glei có 6 xã được hỗ trợ gồm: Đăk Man, Đăk Blô, Đăk Choong, Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh. Sau 4 năm triển khai thực hiện (2014-2017), cây cà phê xứ lạnh được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân nơi đây, một số diện tích đã cho thu hoạch đạt năng suất khá cao.

ca phe 1
ca phe 2

Đến cuối năm 2021, huyện Đăk Glei trồng được 1.674 ha cà phê xứ lạnh Arabica, huyện Tu Mơ Rông 1.802 ha và huyện Kon Plông trên 1.020 ha. Đến nay toàn tỉnh Kon Tum đã trồng gần 5.000ha cà phê xứ lạnh và dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích do giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ mà loại cà phê này mang lại.

Việc phát triển cây cà phê xứ lạnh ở Kon Tum cho thấy cây cà phê đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nhất là hộ nghèo có thêm nguồn thu nhập.

          

Ngày 4/5/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Cà phê xứ lạnh Kon Tum.

Ngày 26/8/2020, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cà phê xứ lạnh Kon Tum vào năm 2020.

          
cà phê 2

Để phát huy đúng tiềm năng, lợi thế tại những địa bàn phù hợp phát triển cây cà phê xứ lạnh, mới đây, tỉnh Kon Tum đã ban hành Kết luận về chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Tỉnh xác định mục tiêu là phát triển cây cà phê xứ lạnh Arabica trên địa bàn các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và tổ chức tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

cà phê

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình canh tác, cải tạo, phục hồi và phát triển diện tích vườn cây đạt 5.000 ha. 80% diện tích trồng theo mô hình cà phê sinh cảnh, cà phê sinh thái, cà phê tuần hoàn và cà phê hữu cơ. Năng suất bình quân đạt bình quân 18,5 tạ/ha. Đến năm 2030 phát triển được 7000 ha, trong đó có 2000ha được thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Bên cạnh đó xây dựng được một nhà máy chế biến chuyên sâu.

Nguồn vốn để thực hiện dự án cà phê xứ lạnh này, tỉnh Kon Tum dự kiến huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, từ các chương trình, dự án vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Các nguồn vốn hợp pháp khác để phục hồi, phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu đã đề ra.

ca phe

Để nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu cà phê xứ lạnh tại Kon Tum, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất cà phê xứ lạnh; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cà phê xứ lạnh trên cơ sở truy xuất nguồn gốc; thu hoạch đúng kỹ thuật, độ chín; hình thành các vùng sản xuất cà phê xứ lạnh tập trung, quy mô đủ lớn để làm cơ sở xây dựng chuỗi liên kết giá trị; từng bước nâng cao giá trị hạt cà phê Arabica, đưa thương hiệu “cà phê xứ lạnh Kon Tum” ngày càng vươn xa.

ca phê
cà phê 3

Để thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển cây cà phê, tỉnh Kon Tum rất chú trọng đề cao vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đặc biệt, cây cà phê chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số nên việc vận động bà con thành lập các HTX trồng và chế biến cà phê xuất khẩu được xem là một khâu then chốt để đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Tại Kon Tum, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 210 tổ hợp tác, 195 hợp tác xã, tăng 161 hợp tác xã so với thời điểm 31/12/2001 với 9.733 thành viên, tăng 6.983 thành viên so với thời điểm 31/12/2001. Tổng nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã trên tất cả các lĩnh vực là 275.000 triệu đồng, doanh thu bình quân khoảng 1.500 triệu đồng/ hợp tác xã /năm, lợi nhuận bình quân khoảng 272 triệu đồng/ hợp tác xã /năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng 47 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 41 triệu đồng/người/năm.

ca phe 1
ca phe 2

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 6 hợp tác xã và 2 công ty tham gia phát triển sản xuất cà phê vối, trong đó có một số đơn vị đã xây dựng quy trình sản xuất cà phê vối được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn UTZ (cà phê sạch), 4C (Bộ quy tắc chung cho Cộng đồng Cà phê).

Chẳng hạn như Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2019, gồm 13 thành viên là hội viên nông dân trên địa bàn xã, với tổng diện tích gần 160 héc ta cà phê đang trong chu kỳ kinh doanh.

Hợp tác xã được thành lập với mục tiêu liên kết, đồng hành và hỗ trợ các hội viên nông dân sản xuất cà phê theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ. Qua hơn 2 năm thành lập, hợp tác xã đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân.

ca phe
          

Bài: Xuân An

Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí