Chuyển đổi số: Nhiệm vụ trọng yếu trong tái cơ cấu ngành Công Thương
25/02/2025 lúc 16:11 (GMT)

Chuyển đổi số: Nhiệm vụ trọng yếu trong tái cơ cấu ngành Công Thương

chuyển đổi số

Nhận thức từ sớm về tầm quan trọng của chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã xác định đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, với người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký Quyết định số 2795/QĐ-BCT ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 đã định hướng nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh đầu tư tăng cường tiềm lực, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành.

Chiến lược này còn nêu rõ, với lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo: Nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng các công nghệ điều khiển hiện đại để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện; hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; ứng dụng các công nghệ số hiện đại như: Công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT... bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Ứng dụng công nghệ đo đếm tiên tiến - thông minh (smart metering) để theo dõi sử dụng điện của khách hàng, chống thất thoát trong kinh doanh điện, phục vụ nghiên cứu dự báo phụ tải và các yêu cầu của quản lý điều hành; sử dụng công nghệ công tơ đọc dữ liệu, thu nhận dữ liệu từ xa; tự động hóa lưới phân phối gắn liền với dịch vụ khách hàng và quản lý nhu cầu.

chuyển đổi số

 

Trước đó, để thực hiện những mục tiêu chuyển đổi số, Bộ Công Thương tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động này. Ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 573/QĐ-BCT về Kiện toàn Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công Thương. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Trưởng Ban thường trực là Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của Bộ. Ủy viên thường trực là Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Thành lập Tổ công tác giúp việc Trưởng Ban đặt tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Tổ trưởng là Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Tổ phó là Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phụ trách lĩnh vực chuyển đối số.

Sau khi Ban chỉ đạo chuyển đổi số được kiện toàn, một loạt các quyết định, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến tất cả các lĩnh vực của chuyển đổi số trong ngành Công Thương đã được ban hành. Với những chỉ đạo tại các văn bản này, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương nhằm mục tiêu cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Trong hoạt động quản lý và điều hành, Bộ đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến cùng với cơ sở dữ liệu quản lý các ngành công nghiệp. Những nền tảng này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ công.

chuyển đổi số

Nhằm góp phần hiện thực hóa Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, trong đó tập trung vào một số hành động cụ thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Một là, xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số

Như trên đã nói, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã kiện toàn Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; Ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương theo giai đoạn và thường niên; Ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2030; Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu mở của Bộ Công Thương...

Hai là, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành

Trong vài năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều ứng dụng nội bộ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tại Bộ Công Thương và hoạt động quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như: hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ, hệ thống quản lý văn bản điện tử...; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bao gồm 22 DVCTT toàn trình và 23 DVCTT một phần. Bộ Công Thương cũng đang quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: cơ khí chế tạo, ô tô, dệt may, da giầy, điện tử, hóa chất quốc gia.

chuyển đổi số

Ba là, liên tục đánh giá mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực. Theo ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), việc đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp như là: tác động thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất; sự xuất hiện của mô hình sản xuất công nghiệp mới; chỉ số thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bốn là, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thúc đẩy số hóa, phát triển nhà máy thông minh

Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là chương trình trọng điểm để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trong thời gian tới, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng công nghệ mới.

Theo ông Nguyễn An Sơn, các hoạt động trên đã góp phần thúc đẩy công tác triển khai chuyển đổi số tại các đơn vị và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Mặt khác, Bộ cũng chủ động nắm bắt và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị, định hướng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ dữ liệu, đánh giá chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Từ kho dữ liệu mở của Bộ, các doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn có thể được sử dụng, khai thác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp

chuyển đổi số

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 của cả nước ở mức cao 8%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu so với năm 2024: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 9-10%; Xuất khẩu hàng hoá phấn đấu tăng khoảng 12%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng khoảng 12,2%.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương, một trong những nhiệm vụ Bộ Công Thương ưu tiên triển khai là: Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.

Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, trong đó có giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số, Chính phủ điện tử/số tại Bộ Công Thương. Trong đó bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính tại Bộ Công Thương; ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương và Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Công Thương phiên bản 3.0.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; phối hợp với Bộ Công an về việc triển khai công tác định danh cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương và triển khai kế hoạch chuyển hạ tầng, dữ liệu về trung tâm dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết 175/NQ-CP.

Tiếp đó, tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng của Bộ Công Thương, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo một số nhiệm vụ cần phải tập trung cho năm 2025, trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh:  Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng với rất nhiều chỉ tiêu cần hoàn thành và nếu năm 2025 không hoàn thành ở mức cao thì không thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong cả nhiệm kỳ. Trong đó, ngành Công Thương đóng vai trò chủ công trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả nước để GDP không chỉ đạt 8% mà phải đạt 10%, theo đó, công nghiệp và thương mại phải tăng bình quân khoảng 12-13% trở lên, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15-16%. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là thách thức với ngành Công Thương, một mặt để ngành Công Thương tăng trưởng cao cũng cần có những đột phá trong khoa học công nghệ, mặt khác để có thể chuyển đổi một cách nhanh chóng thì áp lực công việc là rất lớn. 

chuyển đổi số

Mới đây nhất, ngày 13/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 116/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp ngành Công Thương làm căn cứ tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Đây chính là những chỉ đạo quan trọng thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong công tác thúc đẩy chuyển đổi số, cũng như truyền đi thông điệp đến các đơn vị thành viên trong toàn ngành cùng quyết tâm chủ động, tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và đổi mới.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh  mà còn giúp ngành Công Thương phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

chuyển đổi số

Bài: Hồ Nga
Thiết kế: Duy Kiên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí