
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của ModorIntelligence, quy mô thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính đạt khoảng 48 tỷ USD trong năm 2024, lọt TOP 10 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu.
Trong những năm vừa qua, logistics cũng là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam với tốc độ bình quân khoảng 14 - 16%/năm, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của ngành dịch vụ logistics thế giới. Qua đó, đóng góp khoảng 4 - 5% GDP và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp. ModorIntelligence dự báo ngành logistics Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ hai chữ số, tiến tới đạt quy mô 71 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy mở rộng mạnh mẽ về quy mô, hiệu quả logistics tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn ở mức thấp trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo dữ liệu của PwC và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, trong số 6 nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, chỉ số Logistics Performance Index (LPI - chỉ số đo lường hiệu suất logistics) của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,3 trên thang điểm 5, tương đương Philippines và chỉ cao hơn Indonesia.
Chi phí logistics hiện chiếm khoảng 17% GDP của Việt Nam, cao hơn đáng kể so với Malaysia (13%), Indonesia (14,3%)… và so với mức trung bình 8 - 10% của các nước phát triển. Bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải chưa hiệu quả, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế còn đến từ việc mức độ trưởng thành trong ứng dụng khoa học công nghệ - chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang ở mức thấp.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp đột phá để tối ưu hóa logistics, trong đó chuyển đổi số, phát triển logistics thông minh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logisitcs cũng như toàn nền kinh tế.
Một trong những câu chuyện nổi bật về “thông minh hoá” quản lý chuỗi cung ứng trong ngành logistics tại Việt Nam có thể kể tới là hành trình chuyển đổi số, tự động hoá vận hành cảng biển được Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn triển khai từ đầu những năm 2000. Tổng công ty hiện đang quản lý, khai thác hệ thống 26 cảng trên 16 tỉnh thành phố cả nước, trong đó có 10 cảng biển lớn của Việt Nam, với hơn 90% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực phía Nam, hơn 55% thị phần container thông qua trên toàn quốc.
Trong tuần đầu Tết Nguyên đán 2025, cảng Tân Cảng - Cát Lái đón 76 chuyến tàu làm hàng với sản lượng thông quan 110.000 TEU, tương đương hơn 1,5 triệu tấn hàng hoá, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, mỗi ca sản xuất chỉ có khoảng 1.100 người lao động trực tiếp quản lý, điều hành, phục vụ khi phần lớn hoạt động cảng đã được công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ.
Năm 2008, khi công nghệ thông tin còn mới mẻ trong ngành khai thác cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã làm chủ phần mềm Lập kế hoạch điều hành TOPX giúp tối ưu hoá hoạt động lập kế hoạch và điều phối khai thác cảng. Đến năm 2015, tổng công ty đã tự phát triển phần mềm TOPOVN nhằm quản lý dữ liệu container theo thời gian thực. Qua đó, giúp thời gian giao nhận hàng hoá được rút ngắn từ 2-3 giờ/container xuống chỉ còn 30 phút/container, tối ưu năng suất giải phóng tàu và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Những cải tiến trên đã đặt nền móng cho các bước chuyển đổi số toàn diện tiếp theo, khi tổng công ty đưa vào vận hành ứng dụng Cảng điện tử e-Port tại cảng Tân Cảng - Cát Lái vào năm 2016.
Một trong những điểm nổi bật của ứng dụng này là người dùng có thể liểm tra điều kiện giao nhận, tình trạng thông quan, đăng ký xe giao nhận… trước khi đến cảng, giảm thời gian kiểm tra phương tiện tại cổng cảng. Cùng với việc áp dụng hệ thống cổng cảng thông minh Smart Gate, thời gian nhận diện container và kiểm tra chứng từ chỉ còn 10 - 15 giây, so với 5 - 10 phút như trước đây.
Việc áp dụng thanh toán trực tuyến, triển khai sử dụng chứng từ và lệnh giao dịch điện tử (eDO) đã đưa e-Port đã trở thành mô hình thương mại điện tử đầu tiên trong ngành khai thác cảng biển ở Việt Nam.
Hiện nay, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã tích hợp trợ lý ảo Pi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên vào e-Port. Trợ lý ảo này cũng được áp dụng trên các nền tảng khác như Fanpage Facebook và Zalo của tổng công ty, giúp đáp ứng 100% yêu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải cho trung tâm chăm sóc khách hàng và cải thiện hiệu quả vận hành.
Đầu năm 2024, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trở thành doanh nghiệp logistics đầu tiên tại Việt Nam triển khai Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh trên quy mô lớn, gồm sự kết hợp giữa: công nghệ robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix), và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).
Trong đó, robot AGV là robot tự hành chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa nhẹ, mỏng, hàng có hình dáng đặc thù, tròn lăn, thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Đây là công nghệ robot hiện đại được nhiều đơn vị logistic lớn trên thế giới sử dụng. Ngoài ra, Wheel Sorter Matrix là hệ thống chia hàng tải, kiện lớn. Cross-belt Sorter là hệ thống chia chọn dạng băng tải có điều khiển chủ động, công suất lớn, phù hợp hàng hóa thanh toán khi nhận hàng (COD), kiện tiêu chuẩn.
Các công nghệ này được Viettel Post triển khai đồng bộ tại Trung tâm khai thác số 5, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội, giúp tăng công suất xử lý thêm 40%, đạt mức 1,4 triệu bưu phẩm/ngày. Qua đó, mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post cán mốc 4 triệu bưu phẩm/ngày, tương đương 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Quản lý giám sát vận hành Trung tâm khai thác số 5 là hệ thống Smart Warehouse theo dõi hành trình của từng đơn hàng thời gian thực. Đặc biệt, tính năng mô hình tương tác thực tế Digital Twin, mô phỏng chính xác những gì đang diễn ra trong kho trên mô hình 3D, giúp điều hành chính xác những gì diễn ra trong kho, đảm bảo thời gian và độ chính xác cao, an toàn cho người lao động và hàng hóa
Đồng thời, quá trình đội xe Viettel Post gồm 5.000 xe và 3.000 tài xế sẽ đưa hàng hoá đến các nẻo đường được thực hiện dưới sự sắp xếp và giám sát của hệ thống Quản lý vận tải (TMS – Transport Management System).
Qua đó, tỉ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8 -10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự và giảm 40% chi phí vận hành so với các hệ thống phân loại tự động, Viettel Post cho biết.
Nửa năm sau đó, nhận thấy những hạn chế của hệ thống robot AGV ngoại nhập, Viettel Post đã tự phát triển thành công cả phần cứng và phần mềm robot AGV riêng mang thương hiệu "Made by Viettel Post" và đưa vào hoạt động hiệu quả tại các trung tâm khai thác của tổng công ty. Đáng chú ý, hệ thống robot AGV do chính Viettel Post sản xuất có hiệu suất cao hơn 15% và giúp tối ưu hóa 25% nhân sự so với các hệ thống robot ngoại nhập.
Hiện tại, Viettel Post đang vận hành 300 robot AGV "Made by Viettel Post" và dự kiến sẽ sản xuất, triển khai 1.200 robot tại các trung tâm chia chọn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành logistics.
Không chỉ vậy, Viettel Post cũng đã làm chủ công nghệ và tự sản xuất thành công cánh tay robot cấp hàng và robot vận chuyển tải trọng lớn trong Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh, tạo thành một chuỗi giải pháp tự động hóa toàn diện cho ngành logistics Việt Nam.
Các doanh nghiệp đều cho rằng ứng dụng, phát triển logistics thông minh là con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh. Mặc dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp logsitics Việt Nam đạt được bước chuyển mình mạnh mẽ còn ở mức thấp.
Theo PGS. Nguyễn Thị Xuân Hoà - Trưởng nhóm Chuyên môn Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Kinh tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội, sự đầu tư nguồn lực, ngân sách còn hạn chế; thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn; doanh nghiệp thiếu quy trình và lộ trình thực hiện chuyển đổi số... là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc phát triển logistics thông minh.
Trước các khó khăn trên, bà Phạm Thị Lan Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Hà Nội khuyến nghị các doanh nghiệp nên chia nhỏ mục tiêu chuyển đổi số, phát triển logistics thông minh, làm từ những ứng dụng đơn giản nhất, ví dụ tìm kiếm các giải pháp dạng “on cloud” (giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu qua điện toán đám mây) thay vì viết riêng cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ công nghệ cụ thể, xây dựng cơ chế KPI cho các đầu mục công việc liên quan và thể hiện vai trò của tất cả các bộ phận trong kế hoạch này.
Cũng theo các chuyên gia, ở góc độ vĩ mô, Chính phủ cần ban hành chiến lược quốc gia về phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó tích hợp các mục tiêu và phương án chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong logistics; thành lập Ủy ban Logistics quốc gia để triển khai chiến lược này. Cùng với đó, triển khai các dự án phi lợi nhuận về tư vấn, hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng logistics thông minh, tạo nguồn cung đa dạng về các giải pháp với chi phí hợp lý, giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn tối ưu hơn.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics. Thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tiên phong trong triển khai chuyển đổi số và kết nối các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị. Song song với đó, việc nâng cao nhận thức và khả năng của người lao động để sử dụng và điều hành các hệ thống AI, ứng dụng công nghệ trong logistics cũng là một yếu tố quan trọng của doanh nghiệp phát triển logistics thông minh.