Nếp Tú Lệ còn gọi là nếp Tan Lả (tiếng Thái) là loại gạo nếp đặc sản của đồng bào dân tộc Thái sinh sống nơi lòng chảo Mường Lò. Nếp Tú Lệ được xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất Việt Nam.
Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong với hương thơm đặc biệt.
Theo truyền thuyết xưa kể lại rằng, người Thái được một vị tiên cho một coóng thóc quý và dặn phải tìm được mảnh đất phù hợp thì thóc mới mọc và cho nhiều gạo dẻo thơm. Người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến nơi nào thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng hạt thóc không nảy mầm.
Khi tới chân đèo Khau Phạ, họ xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, đất trong thung lũng tươi tốt lạ lùng. Gieo hạt giống xuống thấy nảy mầm xanh tốt và cho gạo dẻo thơm. Thế là người Thái dừng lại, cất nhà dựng bản và trồng lúa nếp từ thuở ấy...
Nếp Tú Lệ dẻo thơm nổi tiếng do cánh đồng trồng lúa nếp được tưới bởi nguồn nước từ suối Ngòi Hút, Nậm Lung và các chi lưu Huổi Lại, Huổi Sán, Bản Mạ, Huổi Tông, Nậm Ban. Nguồn nước tưới đã cung cấp một lượng phù sa giàu dinh dưỡng, nhiệt độ của nguồn nước tưới mát cũng hơn so với nước bình thường.
Theo nghiên cứu khoa học, lúa được gieo trồng trên một nền đất hiếm tơi xốp, tầng phong hóa mỏng, dễ thấm nước và có nồng độ Kali cao. Cánh đồng lúa Tú Lệ lại nằm gọn giữa 3 ngọn núi cao nên ở đây có biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng mạch tinh bột Aminotecpin, quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo. Giống lúa Nếp Tú Lệ có thời gian sinh trưởng từ 145 - 150 ngày, được gieo cấy 01 vụ/năm, ít bị nhiễm sâu bệnh, số hạt/bông 115 - 135 hạt/bông, bông hữu hiệu/khóm 4 - 7 bông.
Gạo nếp Tú Lệ có hàm lượng tinh bột, đạm, protein và chất xơ cao, giúp bổ sung năng lượng tuyệt đối cho cơ thể. Ngoài ra, sản phẩm còn chứa hàm lượng rất cao chất chống oxy hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác.
Nếp Tú Lệ có một điểm đặc biệt là dùng để đồ xôi, lúc thưởng thức bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được hương vị ngọt thơm và dẻo, rời ra từng hạt chứ không dính kết với nhau như đa phần các loại nếp thông thường khác.
Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm cốm, gói bánh chưng, giã bánh dày, nấu chè hay chế biến các món bánh cũng đặc biệt thơm ngon. Rượu cần làm bằng nếp Tú Lệ thì ngon không thứ gì sánh nổi.
Từ phục tráng giống lúa nguyên chủng…
Là xã vùng cao nằm ở vùng thượng của huyện Văn Chấn - tỉnh Yên Bái, xã Tú Lệ có diện tích đất tự nhiên là 2.867 ha, với 6.377 nhân khẩu và 1.320 hộ, gồm 9 thôn bản và 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 93%. Từ nhiều năm trước đây, xã Tú Lệ còn là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đời sống của nhân dân rất khó khăn.
Ý thức được giá trị đặc biệt của giống lúa nếp Tú Lệ, những năm qua huyện Văn Chấn đã triển khai các dự án về phục tráng và phát triển giống lúa nếp Tú Lệ.
Năm 2004, Tú Lệ được Viện Nghiên cứu Giống cây trồng phát triển phía Bắc thực hiện công trình phục tráng nhằm tạo ra giống lúa nếp Tú Lệ nguyên chủng.
Ngày 13/10/2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ.
Ngày 29/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4926/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00100 cho sản phẩm gạo nếp “Tú Lệ”.
… Tới mở rộng diện tích
Nhờ xác định được tiềm năng phát triển của sản phẩm đặc sản địa phương, xã Tú Lệ đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lúa Nếp tan. Với cánh đồng rộng trên 120 ha, vào vụ mùa, hầu hết các diện tích ruộng được nhân dân gieo trồng nếp Tan, hàng năm cho sản lượng trên 100 tấn.
Ngay sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng tốt, chính quyền xã đã xác định bước tiếp theo vận động, hướng dẫn người dân xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đây được coi là đòn bẩy để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và phát triển bền vững cho nông dân; tránh tình trạng hàng thật - giả trà trộn, ảnh hưởng uy tín sản phẩm.
Cùng với đó, người dân cũng được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây theo hướng an toàn. Những vùng lúa nếp hàng hóa đã được hình thành với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm có nhãn mác, logo, được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận tích cực.
Với năng suất bình quân đạt 40 - 42 tạ/ha, giá bán khoảng 40.000 đồng/kg gạo, 18.000 đồng/kg thóc, trung bình 1.000 m2 đất trồng lúa, nông dân thu 7,5 triệu đồng, lãi 4,5 triệu đồng. Gạo nếp Tú Lệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã hiện giảm còn 5%.
Hiện có HTX Dịch vụ tổng hợp Tú Lệ liên kết với hơn 200 hộ sản xuất nếp Tú Lệ, quy mô trên 50 ha; toàn bộ diện tích sản xuất của người dân đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020. Sản phẩm gạo nếp Tú Lệ của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Với giá bán 70.000 đồng/kg, hàng năm HTX tiêu thụ khoảng 70 tấn thóc cho các hộ liên kết.
Thời gian tới, huyện Văn Chấn nói chung và xã Tú Lệ nói riêng sẽ tiếp tục tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm sạch và an toàn.
Và gia tăng giá trị thương mại
Được chế biến từ những hạt nếp dẻo thơm, cốm Tú Lệ từ lâu là món ăn truyền thống đặc sắc của người Thái. Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường nhiều gia đình đã biết phát triển cốm trở thành sản phẩm hàng hóa.
Nếp Tú Lệ khi chế biến thành cốm có hương vị ngọt ngào, thanh mát. Hạt cốm Tú Lệ mang một màu xanh đậm đặc biệt mà không loại cốm nào có thể lẫn được.
Bà Hoàng Thị Chiên, người dân xã Tú Lệ cho biết: Tôi làm cốm bán hàng chục năm rồi, lúc đó cốm có giá khoảng 20.000 đồng một cân thôi, giờ giá bán đã lên đến 120.000 đồng/kg. Làm cốm tuy mất nhiều công đoạn nhưng lãi cao hơn bán gạo. Để được một mẻ cốm tôi mất từ 40 - 50 phút.
Trên thị trường, cốm Tú Lệ được bán với giá từ 190.000 đến 280.000 đồng. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, cốm Tú Lệ thường được bán để ăn ngay theo gói từ nửa kg, hoặc cốm được đóng thành túi hút chân không, giúp bảo quản được trong thời gian dài hơn.
Trên địa bàn xã Tú Lệ hiện có khoảng gần 400 hộ sản xuất kinh doanh cốm, cùng nhau liên kết sản xuất tạo ra những sản phẩm cốm có số lượng và chất lượng đồng đều để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2019 xã đã xây dựng làng cốm Nà Lóng và đưa sản phẩm cốm cung cấp cho HTX Dịch vụ tổng hợp Tú Lệ. Bên cạnh đó xã cũng định hướng, quy hoạch, vận động mở rộng diện tích và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng lúa gạo nếp Tan.
Xã Tú Lệ đang tích cực vận động nhân dân sản xuất cốm chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Đây là hướng đi quan trọng góp phần tiêu thụ sản phẩm cốm đặc sản. Trong thời gian tới, huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung sẽ định hướng nâng tầm thương hiệu để cốm Tú Lệ ngày càng phát triển nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Xây dựng địa danh đặc sản địa phương
Hầu hết các gia đình ở xã Tú Lệ đều làm cốm, nhưng điểm nổi tiếng nhất là ở bản Nà Lóng, cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 60 km.
Ngày 25/9/2020 UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 2203/QĐ - UBND về việc công nhận “Làng nghề trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm từ nếp Tan Tú Lệ, thôn Nà Lóng và thôn Phạ Dưới, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”. Đây là cơ hội tốt để bà con giữ gìn nghề truyền thống đồng thời thu hút du khách gần xa và cải thiện đời sống, thu nhập.
Bà Hoàng Thị Liên, thôn Nà Lóng cho biết: “Những năm trước đây dân bản vốn chỉ làm cốm để cúng ông bà tổ tiên, giờ đây do nhu cầu của du khách nên nhà nhà làm cốm, người người làm cốm. Có những ngày nhu cầu của khách tăng đột biến trong Tuần Văn hoá Du lịch danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày cao nhất mình bán tới trên 100 kg cốm.
Ở thôn Nà Lóng có 157 hộ thì có trên 80 hộ làm cốm. Cốm được đóng gói, hút chân không bảo quản cẩn thận cho các chuyến đi xa. Cốm đã trở thành một nguồn thu nhập chính trong vụ mùa, giúp cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện hơn.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn