9 năm trước, ngày 1/10/2015, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV được thành lập có nhiệm vụ trực tiếp là quản lý và vận hành Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ với mục tiêu sử dụng có hiệu quả, phát triển nguồn vốn và các nguồn lực do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) giao, phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite.
Hơn một năm sau đó, ngày 10/11/2016, những tấn sản phẩm Hydrate đầu tiên của Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ chính thức xuất xưởng đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình tiếp nhận và không ngừng học hỏi, tìm tòi để vận hành dây chuyền sản xuất một trong những nhà máy sản xuất Alumin đầu tiên của Việt Nam của đội ngũ công nhân, kỹ sư Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV. Ngày 1/7/2017, Nhà máy Alumin Nhân Cơ chính thức đi vào vận hành thương mại.
Dưới sự quản lý và chỉ đạo của TKV, sự điều hành của Ban giám đốc Công ty và sự đồng tâm, nỗ lực của hơn 1.000 cán bộ công nhân lao động, Công ty Nhôm Đắk Nông đã nhanh chóng ổn định nguồn nhân lực, thực hiện tái cơ cấu lao động nhằm sử dụng lao động hợp lý; đồng thời, làm chủ dây chuyền công nghệ, phát huy các sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tạo những bước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Trong 9 năm qua, chất lượng sản phẩm alumin đầu ra của Công ty chất lượng tốt, bảo đảm yêu cầu của khách hàng, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đều thấp hơn với yêu cầu của thiết kế. Đến nay, Công ty không chỉ làm chủ được công nghệ, sản xuất alumin mà còn chủ động nghiên cứu các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất.
Sản phẩm alumin do Công ty sản xuất ra chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, UAE, Singapore và Thụy Sỹ… Các sản phẩm xuất bán được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, nên sản phẩm alumin của Nhôm Đắk Nông được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng, tin dùng.
Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả trong quản trị, vận hành sản xuất và tối ưu hóa chi phí, những năm gần đây Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã và đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng mô hình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty.
Trạm mạng là một trong những phân xưởng đi đầu trong việc ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số tại Công ty Nhôm Đắk Nông. Anh Nguyễn Thanh Tâm - Nhân viên Phân xưởng Trạm mạng cho biết, trước đây, khi chưa có phần mềm xuất nhập dữ liệu, anh và các nhân viên trong Phân xưởng phải mất từ 10-15 phút để nhập thông tin dữ liệu hàng ca bằng cách thủ công.
Từ cuốn sổ ghi chép, nhân viên phải tiếp tục thao tác nhập số liệu qua file excel. Sau đó, lấy số liệu của ca này trừ cho ca trước mới ra được con số. Từ khi ứng dụng phần mềm mới, thời gian cho công việc này chỉ còn khoảng 3-4 phút. Số liệu được chốt nhanh hơn rất nhiều. Nhập dữ liệu xong là sẽ ra ngay con số cần dùng.
Từ năm 2019, các phần mềm đã được Phân xưởng đưa vào áp dụng. Các phần mềm đã nhanh chóng mang lại lợi ích rõ rệt. Công tác quản lý các cơ sở dữ liệu bài bản, khoa học hơn. Nhân viên chỉ cần nhập dữ liệu qua phần mềm, giúp tăng độ chính xác, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho Phân xưởng Trạm mạng.
Các phần mềm cũng giúp giảm bớt văn bản giấy truyền thống, giảm thời gian ký sổ sách liên quan tới giao nhận ca, các hồ sơ nghiệm thu, biên bản hiện trường... Đặc thù của Phân xưởng là làm việc rải rác ở các khu vực của nhà máy. Với ứng dụng giao nhận ca đã giúp tiết kiệm được thời gian cho đơn vị.
"Nội dung truyền đạt từ phòng điều khiển trung tâm đến các phòng trực luôn chính xác, nhanh chóng, bảo đảm nội dung công việc triển khai", Phó Quản đốc Phân xưởng Trạm mạng Phạm Lê Xuân Hậu chia sẻ.
Tại Phòng Điều hành sản xuất, từ năm 2020-2021 cũng đưa tất cả các hệ thống giám sát, điều khiển của trung tâm về tại đơn vị. Đến nay, toàn bộ hệ thống liên tục được cải tạo, hoàn thiện hơn. Từ đó giúp kiểm soát tốt công tác sản xuất tại 11 phân xưởng của nhà máy.
Tại đây, nhân lực mỗi ca trực chỉ cần 1 trưởng ca điều hành sản xuất và 1 nhân viên. Hai người này sẽ thay cho trưởng phòng và giám đốc phụ trách công tác sản xuất điều chỉnh tất cả các thông số vận hành trong nhà máy.
Ông Nguyễn Văn Nhường, Trưởng Phòng Điều hành sản xuất cho biết: Trước đây, nhân lực trực mỗi ca phải mất 4 người. Từ khi ứng dụng công nghệ số, mỗi ca chỉ còn 2 người. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 1 người làm việc tại phòng, còn 1 người sẽ đi kiểm tra công việc tại hiện trường.
Lực lượng đi ca có thể trực tiếp can thiệp vào công tác sản xuất ở tất cả các đơn vị. Từ đó, đưa ra mệnh lệnh sản xuất nhanh nhất, kịp thời, chính xác nhất đến tận vị trí điều hành các phân xưởng.
Tất cả công việc trong toàn bộ nhà máy, đơn vị chỉ cần thông qua màn hình camera đều có thể ghi nhận được hết. Nếu xảy ra sự cố, thông qua hệ thống có thể trích xuất lại. "Nhờ công nghệ, đơn vị có thể phân tích, đánh giá được nguyên nhân, từ đó, đưa ra cách giải quyết và đúc rút kinh nghiệm xử lý cho những lần sau", ông Nhường thông tin.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số được Công ty Nhôm Đắk Nông dành nhiều sự quan tâm đặc biệt. Nhiều phần mềm được ứng dụng sâu rộng, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV sẽ thành lập đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại doanh nghiệp.
Công ty hiện đang từng bước phát triển, hiện đại hóa, tăng tính tự động hóa của toàn bộ hệ thống nhằm tối ưu hóa vận hành, kiểm soát tốt tiêu hao nguyên, vật liệu. Đến nay, toàn bộ thiết bị đã kết nối các hệ thống điều khiển, giám sát tại các khu vực trong nhà máy về giám sát tập trung tại trung tâm điều hành sản xuất.
Hệ thống lò hơi, lò sinh khí, lò nung, máy rải, máy đỡ đã tự động hóa vận hành. Các công đoạn hòa tách, kết tinh, cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch... đã tận dụng nguồn lực hiện có để thiết lập, lập trình điều khiển tự động. Công ty đã đầu tư các hệ thống quan trắc tự động khí, nước, ứng dụng phần mềm quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động để kết nối đến các cơ quan chức năng liên quan…
Giám đốc Công ty Nguyễn Bá Phong nhấn mạnh, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để Công ty tiếp tục phát triển vững mạnh, quyết tâm chuyển đổi số phải được kiên trì thực hiện từ Ban lãnh đạo điều hành những người đứng đầu Công ty đến lãnh đạo cấp trung của từng bộ phận và từng người lao động. Mục tiêu trong quý IV/2024, Công ty sẽ hoàn thành đề án chuyển đổi số.
Các ứng dụng mang tính điều kiện tiên quyết sẽ được triển khai trước như hệ thống quản trị sản xuất thông minh. Ngoài ra còn ưu tiên các ứng dụng có thời gian triển khai ngắn, nhanh, đem lại hiệu quả và đáp ứng tức thời các quy trình nghiệp vụ hàng ngày, thường xuyên…
Dựa trên bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đang ở mức trung bình 2.0. Ở mức độ này tức là Công ty đang có các trụ cột như: chiến lược, công nghệ, dữ liệu.
Lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, giai đoạn 2026-2030, Công ty tiếp tục phát triển, kế thừa các thành quả chuyển đổi số của giai đoạn trước. Công ty hướng tới 100% các phần mềm áp dụng tại đơn vị đều phục vụ công tác sản xuất, điều hành. Chuyển đổi số của Công ty sẽ đạt mức cao, tự động kết nối dữ liệu toàn hệ thống theo thời gian thực.
Công ty đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống báo cáo thông minh, giúp phân tích dữ liệu, đưa ra dự báo. Công ty đề xuất mô hình vận hành tối ưu theo nhu cầu sản xuất kinh doanh, hướng tới nhà máy số, thông minh. Điểm trung bình mức độ chuyển đổi số cho giai đoạn này tiệm cận 4.0.
Ông Phan Văn Thụy, Trưởng Phòng Cơ điện vận tải, Thường trực Ban chuyển đổi số Công ty Nhôm Đắk Nông cho hay, thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ lớn như Honeywell, Viettel… từng bước phát triển, hiện đại hóa, tăng tính tự động hóa của hệ thống nhằm tối ưu hóa vận hành, kiểm soát tốt tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu. Đồng thời kiện toàn tổ chức, đội ngũ và chính sách phục vụ công tác chuyển đổi số.
Trước tiên, Công ty thành lập đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Tiếp đó, Công ty sẽ tổ chức đào tạo về công tác chuyển đổi số. Các công nghệ 4.0 sẽ được Công ty ứng dụng vào quản lý, điều hành sản xuất như ứng dụng AI/ML (Machine Learning) phân tích dữ liệu.
Ứng dụng này sẽ hỗ trợ công nhân vận hành, đưa ra các thông số vận hành tối ưu, dự đoán, tìm nguyên nhân một số bất thường sự cố khi vận hành. Đồng thời, các phần mềm thông minh có thể chẩn đoán tình trạng hoạt động. Từ đó, phân tích, đánh giá và đưa ra kế hoạch bảo dưỡng phù hợp, giảm thiểu sự cố ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất.
Công ty sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các nền tảng chuyển đổi số, bao gồm: Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quản trị chi phí quản lý vật tư, quản lý nhân sự... Từ đó, chuẩn hóa dữ liệu và số hóa dữ liệu, phục vụ cho việc triển khai các hệ thống phần mềm.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tập trung vào đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng số lượng, chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển của Công ty cũng như quy định của TKV trong kỷ nguyên số.