Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303 km2. Huyện Yên Thế có 21 xã, thị trấn với 3 trung tâm kinh tế xã hội là thị trấn Cầu Gồ, Bố Hạ và Mỏ Trạng. Toàn huyện có khoảng 10 vạn dân với 8 dân tộc cùng nhau chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao lan, Hoa, Sán Dìu.
Là huyện có tổng đàn gia cầm lớn bậc nhất cả nước, giờ đây chăn nuôi gà đã trở thành nghề cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân Yên Thế (Bắc Giang). Giá trị sản xuất hàng năm đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, vấn đề phát triển chăn nuôi gà luôn được quan tâm và ưu tiên đầu tư hàng đầu. Nhờ ưu thế về chất lượng gà thịt nên UBND huyện xác định tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong quy trình chăn nuôi, giữ vững chất lượng và quảng bá hình ảnh để từng bước xây dựng thành công thương hiệu gà đồi Yên Thế.
Sản phẩm chủ lực
Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có địa hình đồi núi trung du, diện tích tương đối rộng, tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả. Trong đó, gà đồi là một trong những vật nuôi thế mạnh của vùng. Hiện tổng số đàn gà của Yên Thế khoảng 4 triệu con. Hàng năm địa phương cung cấp ra thị trường 10 – 12 triệu con gà (chiếm khoảng 60% giá trị sản xuất chăn nuôi của huyện).
Nhiều trang trại, gia trại có quy mô lớn tập trung tại các xã như: Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến… Gà đồi Yên Thế không những là sản phẩm chủ lực của huyện mà đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Giang.
Gà đồi Yên Thế, với 2 giống chủ lực đó là Ri lai và Mía lai được đánh giá là giống có ngoại hình đẹp và chất lượng thịt thơm ngon. Người chăn nuôi trên địa bàn đã tự cung ứng khoảng trên 70% gà giống để phục vụ chăn nuôi. Do được sinh trưởng trong môi trường đồi núi tự nhiên nên gà Yên Thế có vị thịt ngọt, đậm. Do đó, với những thực khách sành ăn thì gà đồi Yên Thế luôn là lựa chọn ưu tiên.
Hướng phát triển bền vững
Để nâng cao giá trị của thương hiệu gà đồi, hiện nay, các hộ chăn nuôi gà tại Yên Thế đang tiến hành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo VietGAP. Cụ thể, trong suốt quy trình, bà con thường xuyên được tập huấn về cách chăm sóc gà an toàn sinh học, phòng dịch bệnh với lịch trình tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, tẩy giun sán... nghiêm ngặt.
Để đảm bảo sức đề kháng của đàn gà, Người dân Yên Thế hạn chế sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh cho gia cầm mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học Biowish được cơ quan nhà nước cấp phép an toàn trong chăn nuôi, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giảm tỷ lệ mắc bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngoài ra, khâu vận chuyển gà thương phẩm cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vùng an toàn dịch bệnh.
Thời gian chăn nuôi khoảng 120 ngày, gà mới được phép xuất chuồng và đưa tới cơ sở giết mổ. Tại lò mổ, gà được sơ chế bằng dây chuyền giết mổ treo, bán tự động với công suất lớn 2.500- 2.800 con một ngày và được đảm bảo vệ sinh. Sau khi gà đã thịt, chi cục thú y đóng dấu kiểm dịch rồi đưa đi đóng gói, hút chân không, bảo quản lạnh và vận chuyển đi tiêu thụ.
Nhờ công tác kiểm soát chất lượng gà được tiến hành chặt chẽ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều cơ sở kinh doanh lớn như siêu thị BigC, Hapro, Metro… đã tham gia vào mô hình chuỗi liên kết này.
Gà đồi Yên Thế được bán ở nhiều nơi trong cả nước, tuy nhiên thị trường tiêu thụ chủ yếu của gà Yên Thế chính là tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Sản phẩm gà đồi Yên Thế đang từng bước hướng đến xuất khẩu.
Lần đầu tiên, sản phẩm gà đồi Yên Thế chưa qua giết mổ đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa vào thị trường. Mỗi con gà đều được gắn tem và truy xuất nguồn gốc đến tận hộ sản xuất.
Với sản lượng 34 nghìn tấn/năm và giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỉ đồng/năm, chăn nuôi gà của tỉnh Bắc Giang đang là lợi thế trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Bắc Giang hiện có tổng đàn gà lớn đứng thứ 2 toàn quốc với quy mô hiện nay đạt hơn 18 triệu con với sản lượng đạt 34.000 tấn.
Trong đó, vùng chăn nuôi tập trung gà đồi Yên Thế - thương hiệu nổi tiếng với vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận là nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. Việc nuôi gà đồi đem lại thu nhập trung bình từ 50-100 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập cho nông dân.
Gà đồi Yên Thế, Bắc Giang hiện được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La...
Trong thời gian tới, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đặt mục tiêu mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 11-13 triệu con gà thương phẩm với giá trị từ 1.300-1.500 tỷ đồng.
Mới đây, huyện Yên Thế đã giới thiệu việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây được xem là bước đi đột phá, bởi gà đồi Yên Thế cũng như nhiều loại nông sản khác hiện nay đều đang gặp phải khó khăn trong khâu tiêu thụ tại thị trường. Gắn tem truy xuất vừa khiến người dân yên tâm về nguồn gốc của sản phẩm, vừa nâng cao giá trị thương phẩm.
Gia đình ông Phạm Tiến Cam, thôn Đồng Nhân, xã Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang đã xuất bán lứa gà đầu tiên thực hiện theo chuỗi liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế. Ông Cam cho biết, toàn bộ sản phẩm đều sử dụng giống của hợp tác xã và tuân thủ quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn theo cam kết. Hơn một tấn gà xuất bán đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc trên từng con gà.
Tại chợ đầu mối gia cầm lớn nhất phía Bắc – Chợ Hà Vỹ, 12h đêm vẫn có hàng chục xe vận chuyển gia cầm từ tất cả các tỉnh phía Bắc đến, thậm chí có cả phía Nam. Gà đồi Yên Thế cũng được bày bán ở đây, hiện gà đồi Yên Thế ở chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc này đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Và đây cũng là những con gia cầm đầu tiên tại chợ Hà Vỹ có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế là đơn vị duy nhất đang thực hiện truy xuất nguồn gốc gà đồi đến từng hộ chăn nuôi với sản lượng khoảng 4-5 tấn mỗi tuần, ông Giáp Qúy Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, Bắc Giang cho hay. Với quy mô tổng đàn hơn 14 triệu con/năm, trong định hướng phát triển tới đây, huyện Yên Thế sẽ tiếp tục mở rộng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. Việc mở rộng truy xuất nguồn gốc sản phẩm gà đồi Yên Thế đến từng hộ chăn nuôi mà huyện Yên Thế đang tập trung đã cho thấy quyết tâm của địa phương này trong việc nâng cao chất lượng đàn gà. Đồng thời, việc liên kết sản xuất xuất theo chuỗi và gắn tem truy xuất nguồn đã nâng cao được chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với gà đồi Yên Thế.
Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết