Đề án "Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020" đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới. Năm
2016, nghề dệt zèng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nét độc đáo của Dzèng là kỹ thuật dệt đan cài các hạt cườm vào sợi để tạo hoa văn trên vải, khác với hoa văn được tạo bằng chỉ màu. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam.
Dệt Dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề dệt Dzèng đã có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác.
Nguyên liệu dùng để dệt dzèng thường dùng là sợi coton, sợi chỉ hoặc sợi len. Trong đó, sợi dệt truyền thống là sợi coton 100% (sợi bông). Sợi coton dệt thành vải dzèng được người dân và khách du lịch ưa chuộng nhất nhờ chất vải mềm, về mùa hè mặc mát và hút mồ hôi, về mùa đông thì ấm. sợi coton dùng để dệt vải thường dùng sợi xe, kích thước khoảng 0.5mm người dân thường gọi là sợi 20/1 hoặc 20/2, nếu là sợi đơn thì phải chập hoặc quấn bằng tay cho to sợi để dệt.
Dụng cụ dệt vải Dzèng là khung dệt truyền thống. Khung dệt này được làm bằng cây lồ ô, loại lồ ô này có ở trong rừng A Lưới. Lồ ô dùng để làm khung dệt là loại lồ ô già, thẳng, cứng, mắt dài, cây nhỏ chắc.
Đặc trưng của vải Dzèng là nền màu đen hoặc xanh đen có pha các loại hoa văn màu dọc theo chiều dài mảnh vải. Vào tháng 9 hàng năm, bà con thu hoạch bông trên rẫy và se sợi, sau đó đem nhuộm và hồ. Những tấm zèng có các màu chủ yếu: Đen, trắng, vàng, đỏ, xanh lá và tím, mỗi màu được chế từ các loại cây, lá trong thiên nhiên. Để sợi vải nhuộm giữ được độ bền màu sắc, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm chế tác lâu năm, sử dụng nhiều loại phụ gia như vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô…
Từ những sợi vải đã nhuộm màu, người ta mới lên khung dệt vải. Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng, ví như tấm zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn. Loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Để có một sản phẩm dzèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng.
Hoa văn chủ yếu trên vải Dzèng là những hạt cườm được gắn hoặc chèn vào trong quá trình dệt. Thông thường để dệt một tấm váy hay khố, người thợ dệt phải chuẩn bị cho mình từ 2 đến 5 lạng hạt cườm.
Dệt zèng khó nhất là công đoạn đưa hạt cườm vào tấm vải để tạo nên hoa văn. trên sản phẩm sẽ hiện lên cả hoa văn bằng cườm hòa quyện cùng hoa văn bằng sợi. tạo nét đặc trưng của sản phẩm dệt Dzèng, khác với hoa văn được tạo bằng chỉ màu. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam. Công đoạn chèn hạt cườm đòi hỏi phải có tay nghề cao.
Mỗi sản phẩm Zèng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn hàm chứa triết lý nhân sinh cũng như gửi gắm những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy qua các biểu tượng hoa văn trang trí.
Nghề dệt Dzèng độc đáo của người vùng cao nơi đây từng bị mai một. Trăn trở trước thực trạng đó, năm 2015, chính quyền địa phương đã nỗ lực phục dựng nghề dệt Dzèng của người Tà Ôi. Điều quan trọng nhất, chính là tìm cách đảm bảo sinh kế cho những người làm nghề.
“Nhiều đề án phục hồi nghề dệt Dzèng, các chương trình tập huấn hỗ trợ về kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm được xây dựng. Nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu được tổ chức vào các dịp Festival, hội chợ triển lãm, ngày hội văn hóa các dân tộc không chỉ ở huyện A Lưới mà còn tại thành phố Huế, ngoại tỉnh và cả ở nước ngoài. Kết quả là cùng với sự phát triển nghề dệt ở các hộ gia đình, nhiều hợp tác xã cũng được thành lập như tiếp thêm sức mạnh cho sự hồi sinh của dệt Dzèng”, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết.
Huyện A Lưới hiện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn ở thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, xã A Roàng. Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Với giá bán từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, nên ngày càng có nhiều người theo nghề và sống được với nghề.
Tại Festival nghề truyền thống Huế 2015, lần đầu sản phẩm Dzèng A Lưới được trình diễn thời trang qua bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh khiến các nhà thiết kế, các chuyên gia của Lễ hội quốc tế dệt may tại TP. Clermont-Ferrand (Pháp) phải thốt lên: "Đây là sản phẩm duy nhất, rất độc đáo và rất phù hợp với xu thế thời trang hiện đại của thế giới!".
Hợp tác xã là đầu mối nhận các đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang, chịu trách nhiệm thiết kế mẫu theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn thành viên sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giao cho đối tác. Các phụ nữ người có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên tham gia hợp tác xã.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm zèng, HTX được chia thành nhiều bộ phận chuyên môn, ngoài thợ dệt còn có các bộ phận khác phụ trách về kinh tế, kỹ thuật, truyền thông. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hoạt động của HTX ngày càng có hiểu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện A Lưới.
Trước đây, sản phẩm dệt Dzèng hầu như chỉ được đồng bào địa phương và bà con ở khu vực miền Trung biết đến thì đến nay, sản phẩm Dzèng A Lưới được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Sản phẩm dệt Dzèng A Lưới cũng đã bước đầu xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng, hay xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế
Trong “Định hướng phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”, dệt Zèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Nguồn vốn khuyến công của tỉnh cũng tập trung hỗ trợ nghề dệt Zèng trang bị máy móc, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.
Nghệ nhân MAI THỊ HỢP
và câu chuyện
về một Hợp tác xã dệt Dzèng
Bà Mai Thị Hợp, quê ở A Ðớt (nay là xã Lâm Ðớt), một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới. Ðứng trước sự mai một của nghề dệt truyền thống, bà Hợp đã trăn trở, quyết tâm khôi phục lại nghề. Năm 2004, bà Hợp đứng ra thành lập tổ dệt cho chị em tại xã A Ðớt. Không lâu sau đó, sau khi gia đình bà Hợp chuyển ra thị trấn A Lưới, tổ dệt được nâng cấp lên thành Hợp tác xã dệt zèng-thổ cẩm (nay là Hợp tác xã Thổ cẩm xanh Aza Kooh).
Nghệ nhân Mai Thị Hợp hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thổ Cẩm Xanh A Lưới Azakooh. HTX bắt đầu hình thành dưới hình thức tổ hợp tác từ năm 2012, qua nhiều năm hoạt động hiệu quả đến nay HTX hiện có hơn 100 chị em tham gia, mang lại thu nhập hơn 350 triệu mỗi năm.
Dù đã có chuỗi sản xuất với số lượng ổn định nhưng việc tìm đầu ra cho zèng vẫn còn khó khăn, trong khi kinh phí của HTX còn thiếu thốn nên chưa thể đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc sản xuất, HTX đã kết hợp cho các đoàn du lịch tham quan trải nghiệm hoạt động dệt zèng. Việc có nhiều đoàn du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập dệt zèng cũng góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống này cũng như những giá trị văn hóa bản địa của đồng bào.
Với vai trò là Chủ nhiệm HTX Thổ cẩm xanh Aza Kooh, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã chủ động, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, Festival nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt zèng của HTX đến đông đảo người dân. Ðặc biệt, năm 2015, thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi có cơ hội được trình diễn ở Nhật Bản và nghệ nhân Hợp chính là người đại diện cho phụ nữ Tà Ôi tham gia thao diễn nghề tại Trung tâm hội nghị quốc tế Fukuoka.
Người Nhật Bản đặc biệt yêu thích sản phẩm zèng bởi sự gần gũi với môi trường. Người Pháp thích bộ đồ thổ cẩm có tông màu đỏ và hoa văn hoa sim rất đặc trưng do chính nghệ nhân Hợp thiết kế và được dệt thủ công. Khách quốc tế khi được tận mắt chứng kiến đều vô cùng ngưỡng mộ kỹ thuật đánh cườm hai mặt ở sản phẩm thổ cẩm. Ðến nay, sản phẩm Dzèng A Lưới được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, yêu thích.
Đặc biệt, vào tháng 7/2022, HTX Thổ cẩm xanh Aza Kooh của bà Hợp nhân được một hợp đồng từ Canada mua 50 tấm zèng với giá 500.000 đồng/tấm. Đối tác không quá khắt khe, chỉ yêu cầu giao đúng kích cỡ 0,7 x 1,5m/tấm, ít hoa văn và dệt thủ công. Nói về hợp đồng kinh tế này, bà Hợp cho biết: Làm theo đơn đặt hàng đòi hỏi người thợ dệt Dzèng phải có được tính chuyên nghiệp cao, đồng thời phải có sự sáng tạo và đổi mới.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Trình bày: MY NGUYỄN