Xã Ea Bar nằm phía Đông Nam của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, trên trục đường tỉnh lộ 17E (tỉnh lộ 5 cũ), cách thành phố Buôn Ma Thuột 10km, cách Trung tâm huyện Buôn Đôn 14km.
Nghề làm bánh tráng Hòa Nhơn ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) bắt đầu từ năm 1982, gắn liền với quá trình định canh định cư của người dân các thôn 5, 6, 7 xã Ea Bar. Bà con di cư từ Bình Định đến định cư tại xã Ea Bar đã mang theo nghề truyền thống làm bánh tráng của địa phương.
Bánh tráng là sản phẩm rất phổ biến trong mỗi gia đình người Việt, có thể làm nhiều món như nem rán, cuốn rau thịt… nhất là trong những ngày Tết, các món ăn được phối hợp cùng bánh tráng góp phần tạo nét độc đáo, phong phú trong ẩm thực của người Việt.
Nguyên liệu để làm bánh tráng chủ yếu là gạo. Gạo được chọn để làm bánh phải là gạo chất lượng tốt, không hạt mốc, lẫn tạp chất. Sau đó, ngâm trong nước vài giờ rồi đem đãi sạch, xay thành bột rồi tráng thành bánh trên nền nhiệt của nước sôi. Bột gạo sau khi làm chín bằng nhiệt sẽ được đem đi phơi khô trong khoảng 2 tiếng, trở thành bánh tráng. Khi phơi, người thợ phải canh thời gian chuẩn xác để lấy bánh vào, nếu không sẽ rất dễ hỏng.
Bánh tráng ngon hay không quan trọng ở khâu chọn nguyên liệu, kỹ thuật, kinh nghiệm làm bánh. Gạo làm bánh phải thơm, dẻo. Bột xay mịn, không vón cục, khuôn phải nhanh tay dàn bột đều để bánh không bị nứt, không bị chỗ dày chỗ mỏng.
Bánh trước khi xuất đi phải có mùi thơm dịu của gạo. Mỗi ngày, trung bình một người dân nơi đây sản xuất được hơn 1.000 chiếc bánh, 10 chiếc bánh có giá thành khoảng hơn 10.000 đồng.
Ban đầu, chỉ có vài hộ làm nghề bánh tráng tự phát. Đến năm 2007, với sự định hướng của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương), nhiều hộ dân các thôn đã chuyển từ nghề đốt than sang nghề làm bánh tráng.
Trên vùng đất mới, trải qua nhiều khó khăn duy trì nghề truyền thống, đến nay, làng nghề làm bánh tráng Hòa Nhơn đã tạo dựng được thương hiệu, tìm kiếm được chỗ đứng riêng ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, từ những hộ tráng bánh nhỏ lẻ đã phát triển mở rộng quy mô hàng trăm hộ và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nghề làm bánh đã đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình. Những gia đình chưa có điều kiện tham gia làng nghề bánh tráng cũng có thể tìm việc làm và thu nhập ổn định từ công việc đi giao bánh cho các hộ khác. Nhờ đó, đời sống người dân dần khấm khá hơn.
Từ Bình Định lên Tây Nguyên lập nghiệp, chị Hiền - trú tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhờ nghề làm bánh tráng thủ công từ quê hương, gia đình chị đã dần có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, con cái học hành đầy đủ. Hiện mỗi tháng, chị thu nhập từ 7-8 triệu đồng.
Sản phẩm bánh tráng tại nơi đây không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trong tỉnh, mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho toàn tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh phía Nam. Thuận lợi của làng nghề bánh tráng ở Ea Bar là sản phẩm làm ra bao nhiêu hầu như đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái từ Bắc chí Nam đã lặn lội về tận địa phương để đặt hàng với số lượng lớn, chuyển đi tiêu thụ. Nhiều người đánh giá bánh của người dân nơi đây sản xuất có mùi vị khá đặc biệt, thơm, giòn và bảo quản được lâu với chủng loại phong phú, đa dạng.
“Không chỉ tạo ra nét đặc sắc riêng trên Cao nguyên Đắk Lắk, góp phần gìn giữ văn hóa ẩm thực truyền thống, nghề làm bánh tráng tại xã Ea Bar còn đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.”
Làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn hiện có hàng trăm lò bánh đỏ lửa từ mỗi sáng sớm. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm gần Tết Nguyên đán, làng bánh nhộn nhịp hơn hẳn để chuẩn bị cho nguồn hàng Tết. Việc sản xuất của bà con trở nên tất bật và hối hả hơn vì các lò bánh nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.
Có những hộ sản xuất phải thuê hàng chục lao động để làm mới kịp số lượng hàng giao. Lượng hàng hóa tăng cao không chỉ đem lại niềm vui cho các chủ lò mà còn giúp nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập khá hơn. Nghề bánh tráng đã thực sự mang Tết về cho bà con nơi đây.
Trước kia, hầu như các hộ đều làm bánh tráng theo cách thủ công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn, nhiều hộ đã đầu tư để chuyển sang sản xuất bánh tráng bằng máy móc hiện đại.
Người làm nghề đã đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất bằng máy với công suất tăng gấp 10 lần so với trước, mỗi ngày cho ra thị trường hơn 800 nghìn sản phẩm. Hiện đã có 13 hộ dân đầu tư máy điện để sản xuất, với chi phí gần 200 triệu đồng/máy,
Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Đắk Lắk (Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk) đã trích nguồn kinh phí hỗ đầu tư 3 máy làm bánh hiện đại cho các hộ dân. Đại diện Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết: “Khi các hộ dân đầu tư kinh phí để chuyển sang sản xuất bánh tráng theo hướng công nghiệp đã tạo hiệu quả cao, mỗi ngày 1 máy có thể làm khoảng 2 tạ gạo đến hàng tấn gạo, hiệu quả hơn cả chục lần so với phương pháp thủ công truyền thống”.
Anh Nguyễn Công Nhân (thôn 8, xã Ea Bar) cho biết, vụ sản xuất hàng cuối năm 2023, gia đình anh bớt vất vả hơn khi đầu tư dây chuyền sản xuất bánh tráng theo khuôn hết 400 triệu đồng. Nhờ có máy móc hỗ trợ, anh Nhân tăng công suất lên 6 tạ/ngày. Cuối năm, đơn hàng nhiều, anh Nhân tăng thêm 2 tạ và thuê thêm 10 công nhân.
Nghề làm bánh tráng không chỉ giúp nhiều hộ làm nghề ở xã Ea Bar ấm no hơn với lợi nhuận từ 500 - 700 nghìn đồng/lò/ngày, mà còn tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 100 - 150 nghìn đồng/người/ngày.
Hiện nay, bánh tráng của làng nghề được thị trường rất ưa chuộng. Dù bánh tráng được làm bằng máy hay thủ công cũng đều có bí quyết, công thức riêng để tạo nên những sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa mang đặc trưng riêng của làng nghề.
Dịp cuối năm, không khí làng nghề vào vụ Tết hiện hữu khắp các nẻo đường. Dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng ai nấy đều vui mừng vì sản phẩm của làng nghề ngày càng được thị trường đón nhận. Điều đó có nghĩa là bà con sẽ có nguồn thu nhập cao hơn.
Từ những bước sơ khai ban đầu sản xuất nhỏ lẻ, trải qua thời gian, hàng trăm hộ dân nơi đây đã thoát nghèo nhờ việc liên kết cùng nhau phát triển nghề.
Năm 2007, Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Buôn Đôn hỗ trợ bà con thành lập Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Hòa Nhơn (Hợp tác xã Hòa Nhơn), nghề bánh tráng bắt đầu phát triển lên quy mô lớn, tập trung hơn. Đại diện Hợp tác xã Hòa Nhơn cho biết, Hợp tác xã đã chủ động liên kết với một số Hợp tác xã bánh tráng khác ở Tây Ninh, Tuy Hòa tạo đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã lập danh mục 15 điểm, cụm nghề (thuộc 5 làng, ngành nghề) tại 6 huyện, thị xã, thành phố cần được bảo tồn, phát triển.
Ngày 7/5/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định 1034/QĐ-UBND về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành rà soát, đánh giá đầy đủ về các cụm, điểm nghề để công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống cho những địa bàn có nghề bảo đảm các tiêu chí;
Ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó, chú trọng lồng ghép, cân đối thêm nguồn kinh phí từ các chương trình dự án và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ phát triển làng nghề.
Đồng thời, địa phương đã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách quy hoạch phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức các hội chợ triển lãm để trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm của làng nghề và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho làng nghề. Cùng với đó, phổ biến, tuyên truyền các cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông thôn để người dân và các tổ chức tham gia phát triển làng nghề.
Tỉnh đã rất tích cực, kịp thời ban hành các kế hoạch và chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đắk Lắk là một trong những tỉnh có nhiều nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát triển nghề truyền thống ở Đắk Lắk trong những năm qua luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện.
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk xác định, cần tìm hướng đi mới, mang tính bền vững cho những nghề truyền thống trên địa bàn và tạo mọi điều kiện để những cụm, điểm nghề truyền thống phát triển thành làng nghề chuyên sâu.
Làng nghề bánh tráng truyền thống xã Ea Bar được tỉnh Đắk Lắk công nhận vào năm 2011. Đây là làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt tiêu chí làng nghề theo quy định.
Việc công nhận làng nghề bánh tráng Ea Bar là một bước ngoặt để bà con nỗ lực phát triển sản phẩm bánh tráng Ea Bar đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đây cũng là cơ sở để Hợp tác xã Bánh tráng Hòa Nhơn tiến tới xây dựng cơ sở thương hiệu độc quyền cho bánh tráng Ea Bar.
Đại diện xã EaBar cho biết, hiện tại, có hơn 100 hộ tham gia vào làng nghề sản xuất bánh tráng tại xã Ea Bar. Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn đã có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ nghề làm bánh tráng và giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Bánh tráng Ea Bar đã tham gia nhiều hội chợ để giới thiệu sản phẩm và tạo được nhiều ấn tượng đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân làng nghề trong khâu giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ, giao lưu, xúc tiến thương mại của các huyện và tỉnh tổ chức. Đặc biệt, duy trì giới thiệu sản phẩm trên các gian hàng online của Hội Nông dân tỉnh; tiếp tục vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ bà con, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào làng nghề để phát triển kinh tế.
Đồng thời, để phát triển làng nghề, trong thời gian tới, địa phương cũng hướng dẫn bà con đa dạng hóa các sản phẩm để phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng, tiến tới làm các thủ tục để sản phẩm bánh tráng làng nghề Hòa Nhơn trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương.