Đòn bẩy chính sách thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi công nghiệp hỗ trợ
30/10/2024 lúc 17:30 (GMT)

Đòn bẩy chính sách thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi công nghiệp hỗ trợ

 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. 

Đối với ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ bao gồm các ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng, vật liệu và dịch vụ phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô. Không thể phủ nhận, công nghiệp hỗ trợ đã góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trên đà phát triển

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã chứng kiến một sự thay đổi lớn nhờ vào sự phát triển đồng bộ của công nghiệp hỗ trợ. Từ việc phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam từng bước khẳng định vị thế của mình, góp phần đưa ngành ô tô nước nhà vươn tầm quốc tế. 

Hiện tại, một số doanh nghiệp trong nước đã sản xuất thành công các linh kiện như: khung gầm, vỏ cabin và cửa xe, săm lốp, trục dẫn, hệ thống điện… Việc tăng cường nội địa hóa không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup

Phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước vào sáng ngày 21/9 vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup cho biết, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Vinfast đang trên 50%, phấn đấu hết năm 2026 sẽ đạt tối thiểu 80%.

Một doanh nghiệp lớn khác là Thaco cũng đặt mục tiêu không ngừng thúc đẩy tăng sản lượng ô tô sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong năm 2024, Thaco đang đầu tư thêm 7 nhà máy và sang năm 2025 sẽ đầu tư thêm 3 nhà máy để sản xuất được tất cả các linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế.

Hiện, Thaco là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất lắp ráp cho nhiều thương hiệu ô tô quốc tế như: KIA (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức), MercedesBenz (Đức), Iveco (Ý), Mitsubishi (Nhật).

Điểm nghẽn phát triển 

Tuy nhiên đầy đều là những con sếu đầu đàn trong lĩnh vực. Thực tế, đa phần các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, cũng như chưa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng trong ngành ô tô. 

Lý do chính là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường phải vật lộn với những hạn chế về nguồn lực, năng lực và sự kết nối.

Trước hết, nguồn lực là một vấn đề nan giải. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp, khiến họ khó đầu tư vào công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp này còn khá lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế. 

Nguồn nhân lực cũng là một hạn chế đáng kể. Số lượng lao động có kỹ năng cao, đáp ứng được yêu cầu của ngành ô tô còn thiếu. Chương trình đào tạo tại các trường nghề chưa thực sự gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu về nhân lực chất lượng cao.

Điểm nghẽn phát triển

Thứ hai, năng lực nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém. Hầu hết các doanh nghiệp này đều thiếu bộ phận nghiên cứu chuyên biệt, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới. Điều này khiến sản phẩm của họ thường chỉ là bản sao của các sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, thiếu tính sáng tạo và không đáp ứng được yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Cuối cùng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô còn hạn chế. Mặc dù có nhiều phân ngành khác nhau nhưng các doanh nghiệp lại hoạt động độc lập, thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong sản xuất, khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao của các nhà sản xuất ô tô. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do thiếu năng lực cạnh tranh và khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Nêu quan điểm về việc phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ, cũng tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề xuất Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ.

Ông Phạm Nhật Vượng cho rằng, nếu chúng ta đẩy mạnh được lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có một nền công nghiệp hỗ trợ mạnh tương tự Thái Lan, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã có những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Trường Hải, VinFast.

Về sản lượng, VinFast hiện đạt 80.000 xe/năm, dự kiến năm 2025 là 200.000 xe. Đây là mức đã vượt ngưỡng để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi. Ông Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định, VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ linh kiện.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Trong Hội nghị, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đưa ra những kiến nghị liên quan đến thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải, đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sản lượng lớn và công nghệ cao. Với lợi thế triển khai sản xuất cơ khí từ sớm, xuất khẩu gần 140 triệu USD trong năm 2024, song thời gian qua, Thaco cũng “rất vất vả” để phòng vệ thương mại, kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc.

Ông Trần Bá Dương cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà hiện chưa có chiến lược rõ ràng. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam.

Chủ tịch hai Tập đoàn lớn đều cho rằng, với cơ sở ngành như hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đẩy mạnh nền công nghiệp hỗ trợ phát triển nếu có các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Gỡ khó từ chính sách

Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Theo đó, 5.000 doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về vốn, Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Gỡ khó từ chính sách

"Việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi", ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương vẫn kiên quyết, kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Gỡ khó từ chính sách được kỳ vọng sẽ tạo ra một "cú hích" mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tham gia vào các chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cụm công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.

Gỡ khó từ chính sách

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí