
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng chuyển đổi số tiến lên sản xuất thông minh của các doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức cạnh tranh không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong nội địa.
Có thể thấy, sản xuất thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhu cầu này càng trở lên bức thiết hơn nhằm đảm bảo quá trình sản xuất được kiểm soát hiệu quả và có tính linh hoạt, giảm thời gian chờ, tiết kiệm chi phí, gia tăng khả năng cạnh tranh cũng như mở ra cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cao cấp, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Nắm bắt được xu thế này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam như Samsung, Toyota,… triển khai nhiều chương trình hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Hằng năm, Bộ Công Thương cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giúp các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiếp cận, học hỏi, tìm kiếm lẫn nhau trong áp dụng chuyển đổi số và mô hình nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế IFC công bố công cụ đánh giá về chuyển đổi số, trong đó bao gồm nhiều nội dung từ đánh giá về con người, văn hóa kinh doanh, tính bảo mật và hướng tới cả tính bền vững.
Kết quả là, từ năm 2022-2024, Bộ đã đào tạo được 124 chuyên gia về chuyển đổi số và phối hợp với Tập đoàn Samsung hỗ trợ 36 doanh nghiệp ở phía Bắc áp dụng mô hình nhà máy sản xuất thông minh.
Là đơn vị tham gia và triển khai dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” của Bộ Công Thương, chỉ sau 02 năm triển khai, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings đã có thể chuyển đổi toàn bộ cơ chế sản xuất sang chuyển đổi số, mã hoá toàn bộ trên hệ thống từ đầu vào vật liệu đến kho nhập liệu và sản xuất trên từng máy,… theo đó, có thể quản lý trực tiếp rằng sản phẩm này đang được sản xuất trên máy nào, thời điểm nào và giai đoạn nào. Bên cạnh đó, Công ty cũng có thể quản lý việc xuất hàng, sản phẩm này vào thời điểm nào, cho khách hàng nào, với số lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao,…
Với AMA Holdings, đây là những thành quả rất lớn, và phía Công ty cũng được Samsung Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những mục tiêu và kết quả đạt được trong vòng 02 năm tham gia dự án.
Bên cạnh AMA Holdings, Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cũng là một doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển đổi hướng tới mô hình sản xuất thông minh từ rất sớm. Theo ông Trần Đức Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hanel PT, là một doanh nghiệp có 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài, Hanel PT xác định, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết.
Trong 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số thông minh đã trở thành nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, bởi hoạt động này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp.
Từ những năm 2010, Hanel PT đã đầu tư một số tiền rất lớn vào hệ thống quản trị dữ liệu doanh nghiệp nhằm định hướng chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản xuất, lắp ráp thô sơ (chủ yếu chiếm đến 80-90%) sang tự động hoá thông minh, nâng tỉ lệ tự động hoá sản xuất trong nhà máy lên 60% (giảm tỉ lệ lắp ráp xuống chỉ còn 40%) vào những năm 2017-2018.
Mặc dù có nhiều doanh nghiệp thành công với mô hình áp dụng sản xuất thông minh, nhưng, cũng có nhiều doanh nghiệp thất bại và nhiều doanh nghiệp chưa dám thử áp dụng mô hình này.
Chuyên gia Trần Kiên Dũng - Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam cho biết, bên cạnh yếu tố về chiến lược, lộ trình, để có thể ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cũng cần có năng lực, tâm huyết và kiến thức về chuyển đổi số.
Ông Dũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp vẫn còn giữ quan điểm chuyển đổi số là chuyển đổi, số hóa toàn bộ mô hình kinh doanh, điều này đúng, tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự đầu tư và vận hành rất dài. Nhưng ở góc nhìn khác, chuyển đổi số được coi như là một lộ trình và việc chuyển đổi số có thể bắt đầu tư việc số hóa các dữ liệu, lần lượt sau đó số hóa quá trình sản xuất, quản trị và vận hành.
“Ở góc nhìn này, doanh nghiệp nên “bắt tay” vào triển khai càng sớm càng tốt”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất thông minh, đáp ứng xu thế của chuỗi sản xuất toàn cầu, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, có thể sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp hướng tới áp dụng 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để sản xuất thông minh cho tới giai đoạn 2030.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cũng bày tỏ mong muốn, các Ban ngành liên quan và địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu các thủ tục về hành chính về pháp lý, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với chuyển đổi số và sản xuất thông minh nhanh hơn.
Các tổ chức tài chính như ngân hàng có thể có những chính sách ưu đãi về thuế hay cho vay tín dụng, vay vốn trong thời gian dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn.
Ngoài ra, các Hiệp hội, ngành nghề cũng sẽ là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp với nhau để thông qua đó, các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hay là áp dụng các mô hình quản lý thông minh trong quá trình sản xuất và vận hành của doanh nghiệp.