Thị hiếu tiêu dùng thay đổi cùng những lợi thế từ thực thi Hiệp định CPTPP và các FTA khác trong giai đoạn mới tạo ra dư địa lớn cho nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam gia tăng thị phần tại Nhật Bản.
Nhằm mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã kết nối một đoàn gồm 25 doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tham dự Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2023 (Vietnam Food Expo 2023) và tìm kiếm nhà cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nông thủy sản.
Vietnam Food Expo 2023 diễn ra từ 22 - 25/11/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh là sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nông thủy sản do Bộ Công Thương tổ chức nhằm phát triển thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Qua 7 năm tổ chức, Vietnam Foodexpo đã thể hiện sức hút mạnh mẽ, trở thành tâm điểm quy tụ số lượng lớn các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm trong nước và quốc tế; là cầu nối hiệu quả kết nối các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm Việt Nam với hệ thống phân phối, bán lẻ thực phẩm trong nước và các nhà nhập khẩu trên thế giới.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, đoàn doanh nghiệp từ Nhật Bản sang Việt Nam tham dự Vietnam Food Expo 2023 lần này gồm nhiều doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu và phân phối hàng nông thủy sản thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản như: Lieutou Sangyo, Ichiba Food, Seiko JSC, Goodras, Hiroo, Kyoho Co., Ltd, Pan Pacific International Co., (đơn vị vận hành chuỗi siêu thị lớn Donkihote), Japan Apple LLC, Next International, CSM, Nichihan, Meina…
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn doanh nghiệp từ Nhật Bản sẽ khảo sát một số nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm, tham gia các chương trình diễn đàn và chương trình giao thương B2B với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tìm kiếm các nhà cung cấp một cách ổn định các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng của Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang Nhật Bản mà còn với các doanh nghiệp đang có nhu cầu thiết lập quan hệ kinh doanh mới với đối tác Nhật Bản.
Vietnam Food Expo 2023 tạo cơ hội để hàng nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường và mở rộng thị phần tốt hơn tại Nhật Bản, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản
Do thị hiếu tiêu dùng của đa số người dân, Nhật Bản hiện nay tiếp tục có nhu cầu lớn đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu như: cà phê, sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến,... Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về những mặt hàng nông thủy sản chế biến và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... với ưu đãi về thuế quan cũng tạo nhiều lợi thế cho Việt Nam xuất khẩu nông thủy sản sang Nhật Bản.
Trong các FTA này, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan hoàn toàn cho đa số các sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho ngành hàng nông thủy sản - lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam mà trước đây vẫn phải đối mặt với sự bảo hộ cao tại thị trường này.
Đơn cử, đối với mặt hàng cà phê, tỷ trọng xuất khẩu cà phê robusta Việt Nam sang Nhật Bản thời gian qua tăng trưởng khả quan.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 78,73 nghìn tấn, trị giá 218,87 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt mức 3.132 USD/tấn, tăng 0,9% so tháng 7/2023 và tăng 29,3% so tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta sang thị trường Nhật Bản đạt mức 2.780 USD/tấn, tăng 10,4% so cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, triển vọng cuối năm cho các mặt hàng cà phê xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ rất khả quan do nhu cầu tăng.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 27,65% trong 7 tháng đầu năm 2022 lên 31,38% trong 7 tháng đầu năm 2023.
Số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC)
Nhật Bản cũng là thị trường có nhu cầu cao về các sản phẩm rau quả, nhất là trái cây từ Việt Nam.
Đơn cử như quả chuối của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định AJCEP là 0% từ ngày 1/4/2023 so với mức trước đó là 3%.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngoài lợi thế về thuế quan và nhu cầu tiêu thụ chuối ở Nhật Bản có xu hướng ngày càng tăng, hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippines bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng chuối Việt Nam thơm ngon.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chuối của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 7,9 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ yên (tương đương 7,1 triệu USD), tăng 62% về lượng và tăng 80,2% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 1,3% tổng lượng chuối nhập khẩu.
Trong khi Philippines là nước cung cấp chuối chính cho Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng nhập khẩu từ thị trường này chiếm 79,8% tổng lượng chuối Nhật Bản nhập khẩu. Tuy nhiên, theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Philippines và Nhật Bản (PJEPA), chuối của Philippines nhập khẩu vào Nhật Bản phải chịu mức thuế hàng năm trung bình là 13% (18% trong những tháng mùa Đông và 8% trong mùa Hè). Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu chuối Việt Nam mở rộng thị phần tại Nhật Bản.
Để thúc đẩy tận dụng các cơ hội thị trường, gia tăng thị phần cho hàng nông thủy sản Việt Nam tại Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến nghị các cơ quan Bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.
Đối với doanh nghiệp, cần đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định và lâu dài. Hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.
Tìm hiểu, tận dụng tốt các ưu đãi thuế, xuất xứ theo Hiệp định CPTPP và các FTA khác; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan (Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường nước ngoài, Thương vụ tại nước ngoài...); tích cực tham gia các chương trình hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt - bán đoạn, mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có (ví dụ như sản phẩm thực phẩm Việt gần hết hạn sử dụng nhưng vẫn được nhà nhập khẩu bán tại thị trường Nhật Bản, gây ra ấn tượng không tốt với người tiêu dùng...), từ đó đảm bảo được uy tín thương hiệu sản phẩm của mình.
Sau 5 năm có hiệu lực, Hiệp định CPTPP bước vào giai đoạn thực thi mới với lộ trình cắt giảm thuế quan sâu hơn ở nhiều mặt hàng nói chung, với nhóm hàng nông thủy sản từ Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản nói riêng. Điều này tạo thêm dư địa và cơ hội thuận lợi cho nhóm hàng này gia tăng thị phần tại Nhật Bản.
Đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam, cam kết về thuế quan Nhật Bản theo CPTPP được chia thành 04 nhóm:
(i) Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với phần lớn dòng thuế rau quả;
(ii) Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 4 - 15 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế bao gồm cả rau tươi và sơ chế (hành tây, nấm hương, ngô ngọt, khoai tây…), quả tươi và sơ chế (chuối, cam, quýt, dứa và nhiều nhất là các sản phẩm rau quả đã qua chế biến (nước ép dứa, nước ép cà chua, nước ép táo...);
(iii) Áp dụng hạn ngạch thuế quan với một số sản phẩm đậu Hà Lan, đậu và các loại rau họ đậu chế biến sẵn thuộc các mã: HS200540.190, 200551.190 và 200599.119. Mức hạn ngạch cụ thể như sau: năm thứ nhất (380 tấn); năm thứ hai (464 tấn); năm thứ ba (548 tấn); năm thứ tư (632 tấn); năm thứ năm (716 tấn) và từ năm thứ sáu là 800 tấn/ năm. Thuế suất của sản phẩm nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Ngoài hạn ngạch là thuế MNF tại thời điểm nhập khẩu;
(iv) Không xóa bỏ thuế đối với với một số mã sản phẩm đậu mã HS 071332.090, 0713334.299, đậu Hà Lan mã HS 071335.299, 071339.222, 071339.227, sốt cà chua mã HS 200290.211, 200290.221; dứa đã qua chế biến mã HS 200820.111, 200820.211.
Đối với thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam, Nhật Bản cam kết:
(i) Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 1/3 số dòng sản phẩm thịt; cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 2 - 16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 2/3 số dòng thuế;
(ii) Giảm thuế xuống còn 9% từ năm 16 trở đi với thịt trâu bò tươi, ướp lạnh hoặc động lạnh, thịt má và thịt đầu của trâu bò, tươi hoặc ướp lạnh, đông lạnh…;
(iii) Xóa bỏ thuế đối với một số sản phẩm như bò sống, heo sống trên 50kg…;
(iv) Trong vòng 10 năm, giảm thuế theo công thức cụ thể về 0% đối với thịt heo nguyên con hoặc nửa con, tươi hoặc ướp lạnh, đông lạnh, không phải heo rừng; thịt mông đùi, vai và các mảnh của heo, có xương, không phải heo rừng, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.
(iv) Lộ trình 6 năm xóa bỏ thuế đối với thịt và phụ phẩm của gà thuộc loài Gallus domesticus chưa cắt miếng, tươi hoặc ướp lạnh; xúc xích và sản phẩm tương tự làm từ thịt, thịt sau giết mổ hoặc tiết; thực phẩm chế biến từ các sản phẩm này…
(v) Lộ trình 8 năm xóa bỏ thuế đối với nội tạng heo trừ gan, không phải heo rừng, đông lạnh.
(vi) Lộ trình 10 năm xóa bỏ thuế đối với thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh mà mỗi kg cao hơn giá tại cửa của các phẩn của heo, theo giá trị của thuế hải quan…
(vii) Lộ trình 13 năm xóa bỏ thuế đối với nội tạng của trâu bò tươi, đông lạnh…
So với VJEPA, cam kết trong CPTPP có mức mở cửa mạnh hơn đối với các dòng sản phẩm mà trong VJEPA Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế.
Đối với mặt hàng thuỷ sản, Nhật Bản cam kết:
(i) Xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% (317/484) dòng sản phẩm thủy sản;
(ii) Cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 6 - 16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế thuỷ sản từ Việt Nam, bao gồm:
Lộ trình 6 năm cắt giảm, xóa bỏ 44/484 dòng thuế;
Lộ trình 8 năm cắt giảm, xóa bỏ 3/484 dòng thuế (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và một số loại cá ngừ khác);
Lộ trình 11 năm cắt giảm, xóa bỏ 109/484 dòng thuế;
Lộ trình 16 năm cắt giảm, xóa bỏ 11/484 dòng thuế (cá nishin, cá basa, cá cơm, cá thu, cá minh thái, cá nục…).
Bài: Thanh Hà
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika