[E-magazine] Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên “bản đồ” CPTPP?
21/12/2022 lúc 12:00 (GMT)

[E-magazine] Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên “bản đồ” CPTPP?

 

Khác với EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP vừa có các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Singapore, Malaysia lại vừa có các thị trường châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới, xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian trước khi CPTPP có hiệu lực còn khiêm tốn.

Đột phá xuất khẩu

Từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 01/2019, thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, tạo ra bước đột phá cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực thị trường CPTPP đạt 680 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 19% trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực, trong khi các năm đầu thực thi CPTPP, cán cân thương mại 2 chiều khá cân bằng, Việt Nam xuất siêu không đáng kể.

Xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu cải thiện cho thấy các ngành hàng xuất khẩu tiếp tục tận dụng CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu.

Về thị trường, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các nước thành viên CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2022 đạt 13,44 tỷ USD, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,70% tỷ trọng xuất khẩu trong các nước CPTPP và chiếm 6,18% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Canada là quốc gia đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong CPTPP, với kim ngạch 7 tháng năm 2022 đạt 3,87 tỷ USD, tăng 32,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Malaysia đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 3,46 tỷ USD, tăng 4,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

xuất khẩu CPTPP

doanh nghiệp CPTPP

(Nguồn: VNE tổng hợp số liệu từ Hải quan Việt Nam - Các số liệu này là giá trị nhập khẩu thực tế của từng mặt hàng sang các nước, không phân biệt hàng hóa có được hưởng ưu đãi trong khuôn khổ của FTA hay C/O theo cam kết giữa Việt Nam và nước đó hay không)

Về tăng trưởng kim ngạch, trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang một số nước thành viên CPTPP mà Việt Nam chưa có FTA trước đây tăng trưởng rất tích cực. Xuất khẩu sang Canada đạt 4,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hàng dệt may đạt 918.3 triệu USD, (tăng khoảng 48,4%); giày dép các loại đạt 407.2 triệu USD (tăng 52%); điện thoại các loại và linh kiện đạt 656 triệu USD (tăng  25%).

Xuất khẩu sang Mexico đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính như điện thoại các loại và linh kiện đạt 548.9 triệu USD (tăng 62,2%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 441.3 triệu USD (tăng 50%).

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường thành viên CPTPP, hiện nay dẫn đầu vẫn là những mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo thế mạnh như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, thiết bị, sản phẩm điện tử và máy móc thiết bị phụ tùng; hàng dệt may; da giày, thủy sản...

So với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP thì đến nay, Việt Nam là thành viên tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần, nhất là ở các nước thành viên tại châu Mỹ.

Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Đối với các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang. Ví dụ tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9%, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada tăng lên 1,2% và đến năm 2021 là 1,6%, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần. Tại Mexico, năm 2018, thị phần của chúng ta là 0,9%, đến năm 2021 thị phần của chúng ta tăng lên 1,7%.

          

 

Trang VCCI

Nhìn vào danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước với Việt Nam, có những mặt hàng mà hầu như chỉ có chúng ta, không có những đối thủ khác, ví dụ như giày dép, cao su, có những mặt hàng chúng ta có thể trùng với thế mạnh của các bạn, ví dụ như đồ gỗ hay một số sản phẩm dệt may trùng với Mexico, nhưng đa phần xét sản phẩm cụ thể thì sản phẩm của chúng ta lại khác biệt. Vì thế, cơ hội của chúng ta ở các thị trường CPTPP là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc

Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

          

 

Thị phần tại các thị trường trong khối còn khiêm tốn

Những kết quả thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp nhanh với các điều kiện CPTPP mang lại; thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt và sẵn sàng chinh phục vùng đất mới xa hơn mà trước đây tưởng chừng như rất khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các lợi thế của Hiệp định để xuất khẩu, không chỉ các mặt hàng công nghiệp như điện tử, dệt may, da giày… mà còn có những mặt hàng nông sản kim ngạch có thể chưa cao nhưng đã mở ra những cơ hội phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của thị trường quốc tế.

đồ gỗ
thủy sản 1
sản xuất

Tuy nhiên có một thực tế là mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP thời gian qua tăng trưởng mạnh nhưng thị phần của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam không đồng đều giữa từng thị trường trong khối và ở nhiều nhóm hàng thị phần còn rất khiêm tốn. Dư địa thị trường cho chúng ta khai thác, phát triển còn rất lớn.

Điều này có thể nhìn nhận rõ nét ở những thị trường mới lần đầu có FTA với Việt Nam ở khu vực Châu Mỹ như Canada, Mexico… Trong khi ở những thị trường cũ trong CPTPP như Nhật Bản, Australia, Singapore…, thị phần hàng hóa Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định không thực sự bứt phá thì trên “bản đồ” các nguồn cung hàng hóa cho các thị trường mới trong CPTPP, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thực sự ghi dấu ấn nổi bật tại Canada.

Về mặt hàng, độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường đang ngày tăng cao rõ rệt. Tại thị trường Canada, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Canada; hay Mexico là thị trưởng tăng trưởng nóng của cá tra Việt Nam và hiện là quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất trong các nước thành viên CPTPP.

thủy sản
Trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam hiện nay, có đến 2 thị trường thành viên CPTPP là Nhật Bản và Canada. Nguồn: VASEP

Xét theo thị trường riêng lẻ, năm 2021, dù gặp những khó khăn do đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada theo thống kê của Hải quan Việt Nam vẫn tăng trưởng đáng kể, đạt 5,3 tỷ USD (tăng 20,8%), cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu chung của Canada (12,84%) và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tiếp tục khẳng định chỗ đứng tại thị trường Canada, ví dụ như: hạt điều chiếm 90% thị trường, hạt tiêu chiếm 50%, tôm chiếm hơn 30%...

Đối với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này cũng có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Mặc dù có một số mặt hàng tăng mạnh thị phần tại Canada và hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á nhưng dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn, khi thị phần tổng thể hàng hóa  nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,7% giá trị nhập khẩu của Canada.

Sự không đồng đều trong tăng trưởng giữa các thị trường còn có thể thấy qua mặt hàng đồ gỗ nội thất. Hiện tại Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất tại thị trường Canada, tuy nhiên tại Mexico và Chilê, thị phần của đồ gỗ Việt Nam còn rất khiêm tốn ở mức trên dưới 1% nên dư địa phát triển mặt hàng này còn lớn.

Gia tăng giá trị sản phẩm và cách thức tiếp cận thị trường

Về dư địa, thị trường CPTPP còn rất nhiều tiềm năng cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam khai thác và gia tăng sự hiện diện tại khu vực này.

Các nước thành viên CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nông thuỷ sản, đây đều là những mặt hàng chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam nên có nhiều lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, các thị trường này cũng có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng mới mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác như dây cáp điện, các thiết bị điện nhỏ; sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm và cửa sổ cuốn; dược mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm...

Mặt khác, Chính phủ một số nước thành viên CPTPP như Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.

Mặc dù thị trường hứa hẹn phát triển tốt, nhất là các nước châu Mỹ như Chile, Mexico và Peru nhưng khó khăn đối với những thị trường này là vấn đề vận tải, chi phí vận chuyển bởi vị trí địa lý xa. Ngoài ra, khu vực châu Mỹ đều đòi hỏi yêu cầu tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa, trong quy trình sản xuất như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, tiêu chuẩn lao động… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi đối tác khu vực này chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong kinh doanh, giao tiếp. Mức độ nhận biết của các doanh nghiệp nhập khẩu của khu vực thị trường này đối với quy mô, chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam cũng chưa cao.

điều - cụm 2c
may - cụm 2a
DN CPTPP - cụm 2a
DN CPTPP - cụm 2d

Để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn và tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam cũng như dần đưa hàng hóa chúng ta xâm nhập thị trường khu vực này, chúng ta có thể xem xét tận dụng hệ thống hạ tầng thương mại tại các nước CPTPP. Ví dụ ở Bắc Mỹ có hệ thống phân phối Walmart, Costco… hay hệ thống bán lẻ Fallabella, Sodimac, Cencosud ở Mỹ Latinh.

Bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình thông qua cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất; hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững để phù hợp với thị trường đích đến của doanh nghiệp.

Tương tự hạ tầng thương mại, để giải quyết những trở ngại về logistics, vận tải giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường CPTPP và các thị trường lân cận, nhất là các nước khu vực châu Mỹ, các doanh nghiệp có thể xem xét tận dụng cơ sở hạ tầng logistics của các nước thành viên để xuất khẩu hàng hóa. Đơn cử, Canada có hệ thống đường sắt nội địa rất phát triển, với khối lượng trung chuyển lớn nhất khu vực; từ hệ thống đường sắt này của Canada hàng hóa Việt Nam có thể vươn tới các thành phố khác của Hoa Kỳ, Mexico và cũng như các nước Nam Mỹ. Hay xuất khẩu hàng hóa sang Chile thông qua trung tâm logistics vùng Iquique nằm ở phía Bắc Chile, từ đây sẽ có tuyến vận tải đường bộ để liên kết với khu vực thị trường rộng lớn hơn khoảng 200 triệu dân của Argentina, Brazil, Peru…

Mặt khác, 4 nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đều là các nền kinh tế có độ mở cao. Canada có 15 FTA, Mexico có 13 FTA, Chi Lê có 29 FTA, Peru có 22 FTA. Đơn cử ngoài CPTPP, Canada, Mexico còn tham gia Hiệp định USMCA với Hoa Kỳ, hay Chile, Mexico đều có FTA với hầu hết các nước khu vực châu Mỹ Latinh.

Với mạng lưới các FTA bao phủ, rộng khắp như vậy, doanh nghiệp có thể tận dụng những mối liên kết kinh tế để đưa hàng hóa tiếp cận sang các thị trường rộng lớn hơn của châu Mỹ.

 

Hồng Anh - Âu Mỹ

Doanh nghiệp cần xem xét khả năng hợp tác sản xuất đối với các nước thành viên CPTPP. Ví dụ ta xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm chế biến thô sang thị trường này sau đó hợp tác liên doanh sản xuất, gia công, chế biến thành các sản phẩm hoàn thiện và tiếp tục xuất khẩu sang thị trường đối tác có FTA, với điều kiện chúng ta đáp ứng được quy tắc xuất xứ trên cơ sở tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp. Qua đó tận dụng ưu đãi thuế để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)

 

Với hiệu quả của các hoạt động đã triển khai, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP. Phổ biến, tuyên truyền các cam kết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ vai trò cũng như cách tận dụng các quy tắc này, ý nghĩa của việc thay đổi về chuỗi cung ứng và thay đổi về quy trình sản xuất. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, cũng như xúc tiến trên nền tảng số… qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu và sự hiện diện tại thị trường các nước CPTPP.

DOANH NGHIỆP THỦY SẢN VIỆT NAM TĂNG XUẤT KHẨU SANG CÁC NƯỚC CPTPP

Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ về tình hình ngành Thủy sản tận dụng những cam kết, lợi thế của Hiệp định CPTPP để gia tăng xuất khẩu.

bà Hằng VASEP
Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP)

PV: Theo thống kê, 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và hầu hết các thành viên trong Hiệp định đều cam kết sẽ đưa thuế quan về mức 0% trong vòng 3 năm. Thực tế cho thấy, độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường trong khối CPTPP ngày càng rõ rệt.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đã tận dụng cơ hội từ hiệp định này như thế nào và việc tận dụng cơ hội đó tác động ra sao đến sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam, thưa bà?

Bà Lê Hằng: Khối CPTPP chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm qua. Tính đến thời điểm này, CPTPP đã tác động rất rõ nét đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Tính đến nay sau gần 4 năm thực hiện Hiệp định này, thị phần của thị trường khối CPTPP đã có những thay đổi rất rõ ràng, đặc biệt, những thị trường khu vực Mỹ Latinh. Ví dụ, trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Điều đó cho thấy sự thay đổi rất mạnh mẽ ở thị trường này.

Sự tăng trưởng còn phản ánh bằng thị phần, tỷ trọng. Bởi vì, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung đi các nước đều tăng nhưng tỷ trọng của Canada đã tăng từ 2.7% lên 3,7%, tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3 % và tỷ trọng của Australia cũng tăng từ 2,7 % lên 3,2%.

So với EVFTA thì CPTPP được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng nhiều hơn cả. Với EVFTA, chúng tôi còn bị vướng những rào cản như là thẻ vàng IUU… là những khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng với CPTPP hoàn toàn rộng mở với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh của 3 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lạm phát, biến động thị trường tiền tệ và xung đột Nga - Ukraine thì CPTPP chính là lựa chọn số một của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Bởi vì những thị trường này có nền kinh tế ổn định hơn so với thị trường EU, mức độ biến động tiền tệ cũng ít hơn so với các nước G7 hoặc những nước trong EU, Mỹ, Nhật Bản, do đó là sự lựa chọn phù hợp của doanh nghiệp.

Tại từng thị trường thành viên CPTPP cũng có nhiều thuận lợi. Ví dụ Canada thể hiện rất rõ nét, bởi vì nhu cầu nhập khẩu rất cao và Canada cũng đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam với nền kinh tế ổn định,  môi trường rất tốt cho giao thương, đặc biệt với ngành thủy sản.

Thứ hai, Malaysia - thị trường châu Á có GDP khá cao, nhu cầu cũng rất lớn. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đặc biệt tăng mạnh trong hai năm trở lại đây.

Mexico ở khu vực Nam Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra số 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh biến động tiền tệ ở nhiều khu vực thì biến động tiền tệ và kinh tế của Mexico khá ổn định, ít tác động đến thị trường. Chúng tôi đánh giá đây là thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam không chỉ bây giờ mà cả những năm tới.

PV: Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định CPTPP cũng đặt ra khá nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp thủy sản của chúng ta, cả về hàng rào kỹ thuật hay tiêu chuẩn chất lượng, về quy tắc xuất xứ.

Bà có thể chia sẻ, chúng ta đã và đang gặp phải những trở ngại như thế nào đối với ngành thủy sản? Để khai phá thị trường các nước thành viên CPTPP, các doanh nghiệp thủy sản cần phải có những điều kiện gì để khắc phục những khó khăn này trong thời gian tới?

Bà Lê Hằng: với CPTPP, chúng ta đang có lợi thế nhiều hơn những thách thức. Tất nhiên đó là về trước mắt, còn về lâu dài sẽ có những thách thức như các rào cản kỹ thuật, hoặc là những quy định kiểm dịch động thực vật SPS…

Tôi cho rằng, nó không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Bởi vì, chúng ta đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia.

Khó khăn phía trước là câu chuyện về điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững trong CPTPP, những vấn đề ngành thủy sản còn có những vướng mắc. Ví dụ như lao động chẳng hạn, làm thế nào để không xảy ra những chuyện bị quy kết sử dụng lao động trẻ em trong nghề cá, thủy sản, đó là câu chuyện mà doanh nghiệp thủy sản, cũng như cộng đồng cần được tuyên truyền để người người lao động, bà con nông, ngư dân, doanh nghiệp biết áp dụng, thực hiện đúng quy định.

Liên quan đến môi trường, vấn đề nóng của ngành thủy sản bây giờ không chỉ là câu chuyện FTA với EU mà là câu chuyện liên quan đến các thị trường khác, đó là thẻ vàng IUU đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Các thị trường khác như Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai thác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp nối quy định đó. Ngành thủy sản Việt Nam nói chung, ngành khai thác hải sản nói riêng phải quan tâm và có những điều chỉnh, thay đổi về mặt quản lý, doanh nghiệp phải cập nhật và cải thiện để đáp ứng những yêu cầu về mặt phát triển bền vững theo Hiệp định CPTPP.

Bài và trình bày: Thanh Hà
Ảnh bìa: Duy Kiên


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí