Bên cạnh tập trung vào việc phát triển chất lượng và giá cả, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Vương quốc Anh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan mới của Anh.
Trong những năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng, kể trong cả năm 2023 khi kinh tế Anh hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm. Đây là thành quả của những nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc nâng cao chất lượng sản xuất và đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm, đồng thời phản ánh những lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) kể từ khi hiệp định này có hiệu lực vào tháng 5/2021.
Ngày 11/10/2024, tỉnh Tuyên Quang đã chính thức xuất khẩu các sản phẩm OCOP sang thị trường Vương quốc Anh. Đây là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang có sản phẩm nông sản xuất khẩu ra thị trường quốc tế, gồm 6 sản phẩm: Trà ổi, Hoa đu đủ đực ngâm mật ong, Chuối sấy dẻo, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng, Siro chanh và Siro tắc, với số lượng 2.200 sản phẩm đã được đóng gói theo dạng chai, hộp, lọ và dán tem nhận diện thương hiệu.
Theo số liệu Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương tổng hợp từ ITC's Trade Map, hiện nay có một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Vương quốc Anh. Cụ thể, sản phẩm tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê; thủy sản đang đứng ở vị trí thứ 5 và may mặc đang đứng ở vị trí thứ 6.
Trong năm 2023 vừa qua, với những nỗ lực của rất nhiều những cơ quan hữu quan trong nước đã đưa một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch của thị trường Anh, ví dụ một số loại hoa quả, cam, quýt, bưởi, vải, sầu riêng.
Cùng với đó, nỗ lực rất lớn của Thương vụ Việt Nam tại Anh đã giúp cho sản phẩm thanh long của Việt Nam tiếp tục được lưu thông bình thường trên thị trường.
Theo nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường, cơ hội từ UKVFTA không chờ đợi ai và có thể không kéo dài khi Chính phủ Anh đang quyết tâm đẩy nhanh tiến trình thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và theo đuổi các FTA song phương với các đối tác thương mại lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng tận dụng lợi thế của Việt Nam để tiếp cận và mở rộng thị trường sang nước này.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hay EurepGAP và các áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế ISO, SA (tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội), ILO (tiêu chuẩn lao động quốc tế).
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng để phát triển quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác của Anh bởi thị trường Vương quốc Anh đòi hỏi yêu cầu rất cao về chất lượng nông sản, rau quả và rất cạnh tranh.
Chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam, bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, theo đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại Anh.
Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan, quy định mới của Anh về kiểm soát biên giới đối với thực vật và sản phẩm thực vật BTOM. Theo đó, tất cả thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu vào Anh phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật, các yêu cầu đối với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khác nhau tùy thuộc vào loại thực vật hoặc sản phẩm thực vật, trong khi hệ thống kiểm soát biên giới sẽ bao gồm các cơ chế SPS (Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật), nhằm kiểm soát nhập khẩu không chỉ trong trồng trọt mà còn đối với một số loại thực phẩm.
Trong quá trình hoàn tất các thủ tục rời EU (Brexit), Vương quốc Anh đã soạn thảo các quy tắc thương mại riêng của mình, tách biệt với thỏa thuận thương mại giữa EU và Vương quốc Anh. Các quy tắc này có tên là Mô hình hoạt động mục tiêu biên giới (Border Target Operating Model, viết tắt: BTOM) có hiệu lực từ tháng 1/2024 theo 3 giai đoạn. Các quy tắc và kiểm tra hải quan được bổ sung thêm khi xuất khẩu hàng hóa sang Vương quốc Anh.
Giai đoạn 1 (từ 31/1/2024): Yêu cầu chứng nhận y tế đối với hàng nhập khẩu các sản phẩm động vật, thực vật, sản phẩm thực vật có rủi ro trung bình và thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có rủi ro cao (thịt hoặc các sản phẩm từ thịt tươi, đã làm lạnh hoặc đông lạnh; thức ăn cho động vật có chứa các sản phẩm từ động vật; động vật biển và các sản phẩm từ cá; các hàng hóa khác có chứa các sản phẩm từ động vật) không có nguồn gốc xuất xứ từ EU.
Chính phủ Anh có danh sách các loại động vật và sản phẩm từ động vật có nguy cơ trung bình hoặc cao. Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (DEFRA) cũng có danh sách các loại thực vật và sản phẩm từ thực vật cùng mức độ rủi ro của chúng.
Giai đoạn 2 (từ 30/4/2024): Hải quan Anh sẽ yêu cầu kiểm tra thực tế đối với các sản phẩm động vật, thực vật, sản phẩm thực vật có rủi ro trung bình và thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có rủi ro cao không có nguồn gốc từ động vật từ EU.
Giai đoạn 3 (hoãn thực hiện từ 31/10/2024, bắt đầu áp dụng từ 31/1/2025): Vương quốc Anh sẽ yêu cầu khai báo an toàn và bảo mật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực. Kiểm tra hồ sơ và yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm, bao gồm cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật và tất cả sản phẩm từ thực vật được quy định.
Về yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS), Vương quốc Anh sẽ áp dụng các biện pháp có thể để giải quyết các mối đe dọa đối với an toàn thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, hoặc các đợt bùng phát dịch bệnh. Khi vận chuyển hàng hóa không đủ điều kiện qua các cảng Bắc Ireland đến Vương quốc Anh, đơn vị xuất khẩu sẽ cần tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu SPS có liên quan tùy thuộc vào phân loại rủi ro của hàng hóa của mình được nêu chi tiết trong BTOM.
Đơn vị nhập khẩu phải có trách nhiệm thông báo trước về tất cả các hàng hóa có liên quan (trừ thực vật và sản phẩm thực vật có rủi ro thấp) từ tháng 1/2024 bằng cách sử dụng hệ thống nhập khẩu sản phẩm, động vật, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Vương quốc Anh (IPAFFS), phù hợp với các yêu cầu hiện đang áp dụng đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác của EU. Hàng hóa có rủi ro trung bình và cao cũng sẽ yêu cầu chứng nhận chính thức. Các mẫu kiểm tra tài liệu sẽ được thực hiện đối với những hàng hóa này khi áp dụng.
Bài: Thanh Tú
Thiết kế: Bảo An