[Emagazine] Điều gì khiến Hà Lan vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU?
04/10/2024 lúc 09:00 (GMT)

[Emagazine] Điều gì khiến Hà Lan vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU?

 

Thời gian gần đây, Hà Lan đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU, vượt qua Đức. Đặc biệt, triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hà Lan trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu của thị trường và kinh tế nước này đang trên đà hồi phục cùng với lộ trình ưu đãi sâu rộng hơn từ Hiệp định EVFTA.

xuất khẩu Hà Lan 1

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hà Lan tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2024. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu tăng 27,1% (đạt hơn 6,1 tỷ USD), nhập khẩu tăng 8,6% (đạt hơn 320 triệu USD).

Trong EU, hiện Hà Lan đã vượt Đức (kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đạt gần 5,6 tỷ USD) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản (rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, hạt tiêu) tăng trưởng mạnh ở mức 20% so với cùng kỳ năm 2024 với kim ngạch đạt 381,3 triệu USD. Trong đó, cà phê đạt mức tăng trưởng mạnh nhất (89%), kế đến là hạt tiêu (76%) và gạo (11%). Hàng rau quả lại có sự sụt giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, tất cả những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, túi xách, vali ô, dù, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…. đều tăng trưởng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm 2024.

det may
thuy san
đồ gỗ
điện tử
thép xuất khẩu

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan cũng ghi nhận tăng trưởng 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.

Các nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam từ Hà Lan tiếp tục là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Dược phẩm; Sản phẩm hóa chất; Linh kiện, phụ tùng ô tô; Chế phẩm thực phẩm; Thức ăn gia súc và nguyên liệu; Chất dẻo nguyên liệu; Sữa và sản phẩm sữa...

ưu đãi EVFTA

Dự báo của Cơ quan dự báo kinh tế của Chính phủ Hà Lan (CPB), chi tiêu ở Hà Lan sau khi giảm khoảng 1% trong năm 2023 sẽ phục hồi với mức tăng trung bình 2,7% vào năm 2024 nhờ lạm phát giảm, trong khi mức lương cao hơn. Đặc biệt, các nhóm thu nhập thấp hơn đã được hưởng lợi từ việc tăng mức lương tối thiểu và các phúc lợi bổ sung cao hơn.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Hà Lan (CBS), mức lương được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán giữa công đoàn và người sử dụng lao động tăng trung bình 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong khi đó, lạm phát đã giảm từ mức trung bình 7,3% của năm ngoái xuống còn khoảng 3% ở thời điểm hiện tại và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 2% vào năm tới. Đồng thời CBS cho biết, tháng 4/2024, niềm tin của người tiêu dùng Hà Lan đã được cải thiện trong 8 tháng liên tiếp, ở mức -21 so với -22 của tháng 3/2024. Đánh giá về tình hình kinh tế và mức độ sẵn sàng mua hàng của người tiêu dùng đều được cải thiện.

Ngân hàng Rabobank cũng nhận định nền kinh tế Hà Lan sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay và 1% vào năm 2025. Tiêu dùng cá nhân tại Hà Lan dự báo sẽ tăng 1,1% vào năm 2024 và 2% vào năm 2025, qua đó là yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khiêm tốn từ 3,5% trong năm 2024 lên 4,5% vào năm 2025. Điều này có thể làm giảm chi tiêu hộ gia đình ở một mức độ nào đó, nhưng không đáng kể, vì tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử.

Hà Lan 1
Hà Lan 2

Qua phân tích cho thấy nhu cầu của thị trường Hà Lan đang dần phục hồi ở hầu hết các nhóm hàng từ nông sản tới điện tử và hàng tiêu dùng.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ tính riêng trong tháng đầu năm 2024, nhập khẩu hàng hoá của Hà Lan đã đạt hơn 58 tỷ EUR. Trong đó, Hà Lan giảm nhập khẩu hàng hóa từ hầu hết các nguồn cung chính như: Đức, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Bỉ… nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất vào Hà Lan trong tháng đầu năm 2024 với kim ngạch vượt 1 tỷ EUR, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu hàng hoá của Hà Lan đã tăng lên mức 1,8% so với 1,3% của tháng 1/2023.

Việt Nam xếp vị trí đối tác thương mại lớn nhất trong Đông Nam Á và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á về xuất khẩu hàng hoá vào Hà Lan (sau Đài Loan - Trung Quốc và Trung Quốc).

 

Với sự phục hồi kinh tế của Hà Lan, triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu của thị trường đang trên đà hồi phục và lộ trình ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

Hà Lan 3

 

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, thị phần nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Hà Lan tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái như: dệt may, cao su, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn;... Hiện, một số mặt hàng Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng nhập khẩu của Hà Lan như hạt tiêu (chiếm khoảng 50%), hạt điều (chiếm hơn 70%)…

Trong khi đó, mặt hàng gạo của Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Hà Lan nhưng thị phần còn khá thấp, mới chiếm 1,4% tổng nhập khẩu mặt hàng này của Hà Lan.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, kim ngạch nhập khẩu gạo hàng năm của Hà Lan rất lớn, vì không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà một lượng lớn dùng tái xuất sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, gạo Việt Nam hiện chưa tiếp cận được hệ thống phân phối truyền thống của Hà Lan mà phần lớn được phân phối tại các siêu thị Á châu do người gốc Việt làm chủ và một số siêu thị của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc nhưng với số lượng rất khiêm tốn.

Về giá gạo bán lẻ của Việt Nam tại các siêu thị Á châu đang cao hơn giá gạo nhập từ Thái Lan, Campuchia. Từ cuối năm 2023 đến nay, do tình hình căng thẳng ở biển Đỏ, cước vận chuyển hàng hóa tăng cao kéo theo giá gạo nhập từ châu Á cũng tăng lên, trong đó giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao nhất, từ 15-17%, khiến gạo Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng của thị trường gạo Hà Lan.

Trong điều kiện Hà Lan là cửa ngõ cho các loại hàng hóa vào thị trường EU thì việc tăng cường xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Hà Lan là một cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả khu vực này nói chung. Do đó, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của EU về nông sản nhập khẩu thì gạo Việt Nam phải luôn giữ được sự ổn định về chất lượng như độ dẻo và mùi thơm phải duy trì được một năm. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tiếp cận thị trường thông qua hội chợ triển lãm quốc tế về nhãn hàng riêng.

          

Trong tháng 10/2024, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan dự kiến phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức đoàn giao thương và kết nối các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo, tại Hà Lan. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam tham gia và giới thiệu các sản phẩm gạo Việt đến tận tay người tiêu dùng tại thị trường này.

          

 

Đối với những mặt hàng khác, theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, các nhà nhập khẩu Hà Lan đang đa dạng hóa nhà cung cấp các mặt hàng nông sản và quả theo mùa để tránh tình trạng đứt gãy hàng hóa khi gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Hiện tại một số loại nông sản theo mùa đặc trưng của Việt Nam đang có mặt trên thị trường Hà Lan được nhập từ các khu vực khác nhau như Thanh long (Tây Ban Nha), Nhãn (Sri Lanka), Vải (Madagasca). Tuy nhiên các loại quả theo mùa trên không trùng với mùa vụ tại Việt Nam và có chất lượng không cao. Đây cũng là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam khai thác phân khúc thị trường những mặt hàng này tại Hà Lan.

Hà Lan 4

Bài: Việt Hằng
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí