[eMagazine] Nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu dệt may sang Vương quốc Anh
10/11/2024 lúc 09:26 (GMT)

[eMagazine] Nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu dệt may sang Vương quốc Anh

 

Trong bối cảnh Việt Nam được hưởng lợi về thuế đối với các mặt hàng dệt may, cũng như xu hướng Vương quốc Anh gia tăng nhập khẩu ngành hàng này từ thị trường ngoài Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp cần có những bước đi mới nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm may mặc của mình.

 

dệt may

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Vương quốc Anh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Anh đạt 622,9 triệu USD, tăng 12,24% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 9,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 5 toàn ngành.

 

Lợi thế xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam sang Vương quốc Anh nhờ UKVFTA

Tại Vương quốc Anh, hàng may mặc của Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với các thị trường thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và một số thị trường thuộc khu vực EU như Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nhờ có UKVFTA. Báo cáo Phát triển thị trường Vương quốc Anh đối với ngành dệt may của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy các cam kết thuế quan trong UKVFTA mang đến lợi ích dài hạn cho dệt may Việt Nam tại đây. Về cơ bản, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu nói chung, mặt hàng dệt may nói riêng, từ Việt Nam vào thị trường này sẽ bằng với thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào EU tại bất kỳ thời điểm nào bắt đầu từ khi UKVFTA có hiệu lực.

UKVFTA

Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi UKVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng nguyên liệu và các sản phẩm may mặc như đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái, bộ comple, áo jackets…

Nếu tính cả thời gian được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA thì hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh đã được hưởng ưu đãi thuế quan hơn 2 năm. Trong 2 năm này, thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng dệt may vẫn còn cao hơn so với thuế suất GSP 9,6% đang được hưởng. Tuy nhiên Hiệp định UKVFTA sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, cũng tương tự EVFTA, khi một nước đang được Vương quốc Anh cho hưởng cơ chế GSP mà ký kết FTA với Anh thì cơ chế GSP sẽ tự động kết thúc. Theo UKVFTA, Việt Nam có lộ trình 6 năm để chuyển đổi từ GSP sang UKVFTA. Theo đó, sau năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc UKVFTA và áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tương ứng.

Trong 4 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc UKVFTA, tuy nhiên, phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong UKVFTA. Sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ hưởng mức thuế và áp dụng quy tắc xuất xứ hoàn toàn theo UKVFTA.

 

Trong thời gian tới, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường Liên minh châu Âu (EU), thay vào đó sẽ đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU, trong đó có Việt Nam. Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng dệt may nhập khẩu của Anh.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam hiện đang đối mặt với một số khó khăn nhất định. Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ, có 5 vấn đề chính ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải, bao gồm: (1) nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; (2) đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; (3) thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; (4) thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; (5) chưa xây dựng được thương hiệu.

Ngô Chung Khanh
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực dệt may đang được Bộ Công Thương phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng sẽ kết nối các cơ quan quản lý trung ương; cơ quan quản lý địa phương; các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, các tổ chức tín dụng; các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu dệt may để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Đặc biệt đối với ngành dệt may là kết nối được doanh nghiệp dệt may với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu.

Bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may

Về phía doanh nghiệp, để tận dụng hiệu quả UKVFTA, mở rộng thị phần hàng may mặc tại Vương quốc Anh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đề ra một số giải pháp mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam có thể thực hiện bao gồm:

dệt may

Nhằm đạt được các mục tiêu này, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới hoạt động sản xuất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất theo hướng dịch chuyển phương thức từ gia công cắt may thuê lên FOB (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm) và ODM (thiết kế - sản xuất - bán thành phẩm) nhằm đáp ứng những thay đổi quan trọng trên thị trường dệt may thế giới, tiến đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để tối ưu hoá lợi nhuận và tận dụng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác, liên kết trong sản xuất để xây dựng chuỗi liên kết trong nước, giữa doanh nghiệp dệt và may, giữa doanh nghiệp sản xuất sợi với doanh nghiệp dệt nhuộm, giữa các doanh nghiệp may với nhau.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm theo thị hiếu tiến tới chọn lọc một số sản phẩm cao cấp để xây dựng thương hiệu nhằm cá nhân hóa nhu cầu của một bộ phận khách hàng có khả năng chi trả cao. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật của đối tác đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội; tuân thủ những cam kết về môi trường trong UKVFTA và các FTA khác. Việc triển khai các chương trình theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như xanh hóa, số hóa cũng cần được chú trọng bởi đây là xu hướng tất yếu cần sớm được triển khai.

dệt may

Thứ ba, sản xuất sản phẩm may mặc có chất lượng và giá trị cao đòi hỏi đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn, sáng tạo, có khả năng thích ứng với những chuyển giao công nghệ, vì vậy việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 cần được đặc biệt chú trọng. Các hiệp hội, doanh nghiệp có thể kết hợp với các cơ sở đào tạo thiết kế bài giảng theo hướng công nghệ gắn liền thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển.

          

Bài: Thanh Tú
Thiết kế: Bảo An

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí