Ngành Dệt May nỗ lực giảm phát thải, gia tăng năng lực cạnh tranh
29/11/2024 lúc 17:30 (GMT)

Ngành Dệt May nỗ lực giảm phát thải, gia tăng năng lực cạnh tranh

Dệt may giảm phát thải

Mặc dù là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp đáng kể cho kinh tế toàn cầu, nhưng dệt may cũng là một trong những ngành được nhận định là gây ô nhiễm cao. Ước tính, lượng khí thải các-bon hằng năm của ngành Dệt May thế giới trong vòng đời sản phẩm thời trang (khoảng 3,3 tỷ tấn khí thải CO2) gần bằng lượng khí thải các-bon của cả 28 quốc gia trong khu vực Liên minh châu Âu (EU - 3,5 tỷ tấn). Ngoài việc tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên, ngành Dệt May còn chịu trách nhiệm cho 5% khối lượng chất thải toàn cầu.

EU đã và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu đối với Dệt May Việt Nam. Tuy nhiên, EU lại xếp dệt may trong Top đầu các ngành làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Vì thế, phần lớn các chính sách xanh của EU về dệt may được tập trung tại chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững, với các định hướng chính sách về thiết kế sinh thái, bảo đảm độ bền, khả năng sửa chữa, tái chế, các yêu cầu thông tin nhằm chống gian dối về tính xanh, hạn chế tối đa phát tán hạt vi nhựa từ sản phẩm dệt may ra môi trường, giảm thiểu các hóa chất độc hại trong sợi, áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất,…

Gần đây nhất, tháng 6/2024, EU đã ban hành Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững (Ecodesign for Sustainable Products Regulation - ESPR) thay thế Chỉ thị thiết kế sinh thái hiện hành ban hành năm 2009, có hiệu lực từ ngày 18/7/2024. Quy định được xem như nền tảng, khung pháp lý với những yêu cầu bắt buộc về thiết kế sinh thái dành riêng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể bao gồm dệt may, nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng và những khía cạnh liên quan tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường khác của sản phẩm, cụ thể:

Đưa ra lệnh cấm tiêu hủy các sản phẩm quần áo, phụ kiện và giày dép chưa bán được (Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực 2 năm sau khi ESPR chính thức áp dụng, tức là vào giữa năm 2026); Các doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may sẽ phải báo cáo về hàng hóa chưa bán được trên trang web (của doanh nghiêp) và được khuyến khích báo cáo trong các báo cáo CSRD (Chỉ thị báo cáo phát triển bên vững) hàng năm; Đưa ra nghĩa vụ công khai thông tin và cung cấp tính minh bạch trên trang web của doanh nghiệp (theo đó, mỗi năm tài chính, các doanh nghiệp phải công khai các thông tin sau: số lượng và trọng lượng sản phẩm bị tiêu hủy mỗi năm, lý do tiêu hủy, phương pháp xử lý chất thải áp dụng, và các biện pháp đã thực hiện để tránh việc tiêu hủy…

mốc thời gian với dệt may

Chia sẻ tại cuộc họp báo tổng kết hoạt động của Hiệp hội Dệt May Việt Nam năm 2024, ngày 19/11 vừa qua ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đánh giá cao sự linh hoạt, chủ động thích ứng của các doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn nhiều biến động, thách thức vừa qua. Ông Giang cho biết, thời gian gần đây, giá đơn hàng của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam không tăng với nhiều đơn hàng khó, đơn nhỏ, thời gian giao hàng nhanh…

ông Giang phát biểu
dệt may xanh

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, hiện chi phí nhân công rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam, thay vào đó, trở thành nhà cung ứng bền vững đang và sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp. Xu hướng sản xuất dệt may xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt đón được đơn hàng ổn định với hiệu quả tốt trong tương lai.

Thực tế vài năm gần đây đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của các thị trường nhập khẩu các sản phẩm dệt may và nhà mua hàng, việc chủ động đầu tư giảm phát thải, xanh hóa sản xuất đã diễn ra tại nhiều doanh nghiệp Dệt May.

Cụ thể như tại Tổng Công ty May 10 “xanh hóa” sản xuất đã được triển khai trong khoảng vài năm gần đây, bằng những việc làm cụ thể như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện áp mái…; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên, đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được Tổng Công ty May 10 chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất. May 10 cho biết trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của Tổng Công ty đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.

May 10

Được biết đến là một trong số ít doanh nghiệp dệt may có quy trình sản xuất khép kín từ Sợi - Dệt/ Đan - Nhuộm - May, định hướngphát triển theo hướng bền vững, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã áp dụng 2 chiến lược giảm tối đa tác nhân gây hại môi trường.

Cụ thể là chiến lược sản phẩm, từng bước cụ thể hóa mục tiêu hành động ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên nguyên tắc 3R: Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế), chú trọng đầu tư, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ nguyên liệu tái chế (vỏ chai nhựa, quần áo cũ) nguyên liệu nguồn gốc sinh học (chế xuất từ mía, bắp, gỗ tự nhiên và rong biển,…) vật liệu có khả năng tự phân hủy cao...;

Chiến lược giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời), dần thay thế nhiên liệu sinh khối Bio-mass thay cho than đá tại các xưởng sản xuất để giảm phát thải ra môi trường; Đồng thời, dần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại thay cho máy móc thiết bị cũ để tiết kiệm nhiên liệu và thực hiện những sáng kiến cải tiến liên tục trong tất cả các khâu để tối ưu hóa sản xuất…

Theo đại diện Công ty Dệt May Thành Công cho biết, từ tháng 01/2022 đến hết tháng 5/2024, doanh nghiệp ước tính đã giảm phát thải khoảng 4.812 tấn CO2 (tương đương 182 hecta rừng và 200.511 cây xanh), sử dụng công suất 3.163 MWH từ hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đồng thời, Công ty đã sử dụng vật liệu tái chế từ khoảng 24.714.000 chai nhựa để sản xuất ra khoảng 3.530.000 sản phẩm quần áo. Hơn thế, nhờ chú trọng các hoạt động R&BD và đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các sản phẩm thân thiện môi trường, những năm qua dòng sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế của Thành Công được đánh giá cao.

dệt may thành công

Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ cho biết, năm 2023, công suất điện mặt trời doanh nghiệp đạt được là 2451 kWp cùng tỷ lệ rác thải tái chế khoảng là 85% tương ứng với 1.166 tấn rác thải (là vải vụn, lõi sợi, giấy và bao bì nhựa) cũng như tiết kiệm đáng kể lượng nước tiêu thụ; doanh nghiệp đã hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng 100% nhiên liệu sinh học (sinh khối) cho việc vận hành lò hơi. Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ cho biết thêm hơn 58% năng lượng doanh nghiệp sử dụng đến từ nhiên liệu sinh học. Ngoài ra các nhà máy mới của đơn vị cũng xây dựng theo các tiêu chuẩn xanh hóa (đã nhận được chứng chỉ LEED)…

đổi mới sáng tạo trong Dệt may

Tháng 10 vừa qua tại Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam lần thứ 4 có 12 nhóm giải pháp, sáng kiến xuất sắc nhất trong các lĩnh vực, May và Sợi - Dệt - Nhuộm đã được lựa chọn để bước vào vòng bảo vệ cuối cùng tại sự kiện. Thực tế đây là các đề tài, giải pháp sáng kiến, sáng tạo tiêu biểu của ngành Dệt May đáp ứng nhu cầu, mang lại giá trị thực tiễn cho Ngành. Đặc biệt các giải pháp sáng kiến này góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp Dệt May theo hướng tối ưu hóa, tuần hoàn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên trong sản xuất…;

Theo ông Phạm Xuân Trình - Giám đốc điều hành Vinatex, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hội thi, đề tài giải pháp Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May… cho thấy xu thế sản xuất hiện nay tại các công ty trên toàn cầu nói chung, ngành Dệt May nói riêng phải hướng đến tiết kiệm năng lượng, sản xuất tuần hoàn, tự động hóa nhằm bảo vệ môi trường.

Thực tế trong một vài năm gần đây do tác động từ dịch bệnh, biến động địa chính trị suy thoái kinh tế… ngành Dệt May Việt Nam đã dịch chuyển từ chỗ sản xuất các đơn hàng lớn, sang các đơn hàng nhỏ, khó, thời gian giao hàng nhanh. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đầu tư nâng cấp, tự động hóa thiết bị để thích ứng với xu hướng mới (đơn hàng nhỏ, khó, thời gian giao hàng nhanh) nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thời gian giao hàng cũng như cạnh tranh về giá.

Theo ông Phạm Xuân Trình, đáp ứng bối cảnh này, các doanh nghiệp dệt may đã từng bước nghiên cứu cải tiến máy móc thiết bị hiện có của đơn vị mình theo hướng tự động hóa để đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh, giá thành hạ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những ví dụ cụ thể tại Cuộc thi trong lĩnh vực may là các giải pháp tự động hóa một phần trong các công đoạn, nâng cấp từ cơ khí sang điều khiển điện tử tự động chẳng hạn như các đề tài, giải pháp của Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty May Hòa Thọ, Công ty CP Dệt May Huế, Hanosimex…

ông Phạm Xuân Trình

Các đề tài tiêu biểu ở lĩnh vực Sợi - Dệt - nhuộm là giải pháp giảm dung tỉ (sáng kiến “Giảm dung tỷ máy Fong’s từ 1/8 xuống 1/5 ” - Tổng Công ty CP Phong Phú); Điều khiển tự động trong điều không thông gió để cải tiến, nâng cao chất lượng sợi, giảm thiểu tối đa năng lượng điện tiêu thụ (Giải pháp “Hệ thống giám sát và điều khiển điều không tự động cho nhà máy Sợi” - Công ty CP Dệt May Huế); hoặc các giải pháp về phần mềm nhằm nâng cao hiệu quả, hợp lý hóa sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực… Đây là những bước chuyển đổi mới giúp các doanh nghiệp từng bước, tự động hóa, số hóa gắn với xanh hóa… quản lý sản xuất theo đặc thù tại doanh nghiệp của mình ( cũng là xu thế của đại đa số các công ty trong lĩnh vực này).

Từ Cuộc thi, ông Phạm Xuân Trình cho biết rất tâm đắc với đội ngũ trẻ của các doanh nghiệp, có nhiều khát vọng để cải tiến nâng cấp thiết bị hiện có tại đơn vị mình theo kịp xu thế của thế giới; một số đã nghiên cứu được các giải pháp có thể can thiệp vào phần mềm của thiết bị để sản xuất một số mặt hàng có chủng loại riêng, số lượng nhỏ tại đơn vị. Nhiều ý tưởng của các bạn kỹ sư trẻ tại Cuộc thi đã hướng đến sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng (sử dụng điện mặt trời, giảm thiểu sử dụng năng lượng), hướng tới tuần hoàn nguyên liệu, giảm rác thải xanh hóa sản xuất”.

thi các đề tài dệt may

Nội dung đặc biệt nữa của ngành hội Lao động Sáng tạo ngành Dệt May là những mô hình, câu chuyện thực tế về chuyển đổi xanh đang diễn ra trong Ngành tại khu trưng bày triển lãm các mô hình, mẫu vật, sản phẩm sáng tạo hướng tới chủ đề "Xanh hóa và phát triển bền vững" từ các đơn vị doanh nghiệp Dệt May. Cụ thể là Gian trưng bày về Hành trình sản xuất xanh - tăng trưởng bền vững của Dệt May Huế; trưng bày các sản phẩm sợi được làm từ các nguyên liệu recycled. (Nhà máy Sợi của Dệt May Huế chuyên sản xuất ra sản phẩm sợi như cotton, CVC để xuất đi các nước, hiện nay đã tiến đến sản xuất để tạo ra các dòng sợi RECYCLED, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay như Cvc 60 % Coton + 40% PE recycled hoặc CVC 50/50, CVC 80/20). Hoặc gian hàng từ Tổng Công ty Đức Giang trưng bày các sản phẩm thời trang được sản xuất từ các nguyên liệu thân thiện môi trường, nguyên liệu tái chế; Mô hình, giải pháp công nghệ, nâng cao năng suất hiệu quả từ Tổng Công ty May 10, những tác phẩm đặc sắc từ cuộc thi Cuộc thi thử tài tái chế của Tổng Công ty CP Quốc tế Phong Phú, hay những sản phẩm tái chế được ghéo từ các mảnh vải thừa (phần nguyên liệu thải từ sản xuất) của Tổng Công ty May Hưng Yên…

chính sách với dệt may

Bàn về “Xu hướng dịch chuyển tới kinh tế tuần hoàn và các ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Trường - Chủ tich HĐQT Tập đoàn Dệt may cho biết: Với đặc điểm ngành dệt may kinh doanh hoàn toàn cạnh tranh theo thị trường quốc tế, các quyết định, lộ trình xanh hóa mang tính áp đặt sẽ ít có hiệu quả, mà phải gắn chặt với chuyển biến của toàn bộ nền kinh tế thế giới, trước hết là tại các nước phát triển, là thị trường tiêu thụ chính của hàng hóa dệt may Việt Nam. Đi nhanh hơn thị trường cũng có thể có thiệt hại về tài chính, khó khăn ngắn hạn khi năng lực cung của hàng hóa dệt may xanh, bền vững lớn hơn cầu, nhưng đi chậm hơn thì chắc chắn không có vị trí trong chuỗi cung ứng mới, dẫn tới khủng hoảng toàn diện ngành dệt may.

Do đó, việc thể chế hóa tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới là cần thiết. Lộ trình phát triển dệt may xanh cần nêu rõ các mục tiêu, quy định cụ thể cho từng giai đoạn ngắn, gắn với vai trò của các bên liên quan, đồng thời gắn với các cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu, như cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), cơ chế tài chính xanh...

ông Trường

Theo ông Trường, Quy định của Chính phủ là điều kiện sàn để đầu tư mới, đầu tư chiều sâu đi đúng định hướng của nền kinh tế xanh, tránh lãng phí của cải vật chất. Tuy nhiên, các mục tiêu này phải rất linh hoạt, liên tục có khả năng điều chỉnh theo diễn biến của thị trường chứ không thể giữ cố định như kế hoạch 5 năm, hay các chiến lược, quy hoạch 10 năm hiện có.

sản xuất xanh trong Dệt May

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí