Ngành Dệt May năm 2024: Xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh

Ngày 19/11/2024, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chủ trì sự kiện họp báo về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội nghị tổng kết năm 2024 của Hiệp hội.

Đặt mục tiêu 47 - 48 tỷ USD năm 2025 ngành Dệt May vẫn nhiều thách thức

Báo cáo của Vitas tại sự kiện cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, cả năm 2024, toàn ngành dệt may xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu Dệt May, Vitas cho biết hiện Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.

Chia sẻ về kết quả ấn tượng của năm 2024, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết kết quả này chủ yếu đến từ việc toàn Ngành đã tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, như: Trung Quốc, Bangladesh.

Cùng với đó, là khả năng thích ứng các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc đáp ứng khá tốt với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cụ thể, Vitas cho biết trong 10 tháng đầu năm 2024, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành dệt may, có 10 doanh nghiệp Việt và 20 doanh nghiệp FDI đều đã thích ứng khá tốt với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Một vấn đề nữa là trong bối cảnh giá đơn hàng không tăng, các doanh nghiệp đã tăng cường áp dụng các giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị nâng cao hiệu quả quản trị, năng suất lao động. Áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là yếu tố tác động rất mạnh đến tăng năng suất lao động, từ đó tạo tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho biết, hiện hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng quý 2/2025.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho biết hiện hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng quý 2/2025.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May đồng thời cho biết, doanh nghiệp dệt may hiện đang đứng trước nhiều thách thức áp lực rất lớn liên quan đến giá, khối lượng, thời gian giao hàng (thực tế trong 2 năm gần đây các doanh nghiệp trong Ngành không còn cơ hội để lựa chọn đơn hàng với số lượng lớn chủ yếu nhận các đơn hàng nhỏ, khó, thời gian giao hàng nhanh), tính ổn định của đơn hàng (cách thức mua hàng của các đối tác thay đổi rất nhanh, mặc dù đã đàm phán nhưng sau đó, nếu thấy sức mua trên thị trường thế giới chững lại, họ sẵn sàng báo tạm dừng đơn hàng đã đặt) cùng với những cam kết ràng buộc khắt khe liên quan đến chất lượng sản phẩm với các nhãn hàng, nhà nhập khẩu…

Hiện nay, các nhãn hàng nổi tiếng thế giới đặt hàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, phản ánh với nhãn hàng, thì nhãn hàng sẽ dừng việc đặt hàng với doanh nghiệp…

Trong năm 2024, Vitas có nhiều dấu ấn nổi bật trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; những hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng; tổ chức trên 70 chương trình hội thảo, đào tạo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; kết nạp thêm 60 hội viên mới nâng tổng số hội viên của Vitas lên gần 1.000 doanh nghiệp hội viên chính thức và liên kết.

Đưa ra nhận định về năm 2025 sẽ còn nhiều thách thức nhưng Chủ tịch Vitas cho biết theo vẫn có nhiều yếu tố tích cực cho ngành dệt may Việt Nam, toàn ngành đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỉ USD.

5 thách thức trong chuyển đổi xanh đối với ngành Dệt May

Chia sẻ vấn đề liên quan đến khía cạnh giảm phát thải carbon trong Ngành Dệt May, ông Vũ Đức Giang cho biết măc dù hiện Ngành chưa bắt buộc phải áp dụng các quy định trong giảm phát thải khí nhà kính, tuy nhiên trong xu thế chung xanh hóa hướng tới NetZezo hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thức được là sẽ phải chủ động xanh hóa để thích ứng với các chính sách mua hàng của các nhà nhập khẩu đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh;

Thực tế hiện đã có những bài học kinh nghiệp để xây dựng các mô hình doanh nghiệp chuẩn mực xanh hóa như đạt được các chuẩn mục trong giải phát thải khí nhà kính đạt các chuẩn mục trong sử dụng năng lượng, thay thế các năng lượng hóa thạch (than đá) sang năng lượng thân thiện môi trường, ít phát thải như điện mặt trời, điện sinh khối…

Theo ông Giang, trong bối cảnh đó doanh nghiệp cần nhận thức được việc phải chủ động thích ứng hội nhập, đáp ứng với các điều kiện, chính sách của các nước nhập khẩu khi tham gia sân chơi toàn cầu qua đó cũng đồng thời thúc đẩy việc giảm phát thải, xanh hóa nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

thực tế tại dệt may
Nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, vừa qua nhiều doanh nghiệp Dệt May tiếp tục được tôn vinh là Thương hiệu Quốc gia.

Tại sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đồng thời chia sẻ về 5 thách thức trong chuyển đổi xanh đối với ngành Dệt May.

Thách thức đầu tiên liên quan đến chính sách thương mại của một số nước, thị trường nhập khẩu lớn trong bối cảnh hội nhập phát triển (dự kiến sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới) sẽ có tác động lớn đến ngành Dệt May Việt Nam;

Thách thức thứ hai liên quan đến việc nguồn cung thiếu hụt phục vụ cho sản xuất của Ngành, để chuyển đổi xanh Ngành đang cần đầu tư vào một số dòng sản phẩm để thích ứng với cách thức mua hàng xu hướng xanh hóa của ngành thời trang toàn cầu… đảm bảo thích ứng được trong vấn đề sợi, dệt nhuộm và các yêu cầu đặt ra của các nhãn hàng như sản phẩm recycle, sản phẩm thân thiện môi trường…;

Thứ ba là thách thức liên quan đến tài chính đầu tư cho xanh hóa của ngành Dệt May Việt Nam và cần những chính sach tháo gỡ để doanh nghiệp chủ động đồng thời đẩy nhanh xanh hóa…;

Thách thức thứ tư là vấn đề nhận thức của doanh trong việc chủ động đầu tư đáp ứng đồng thời thực hiện các bước tiếp theo để được cấp các chứng chỉ xanh hóa (thuê các tổ chức đánh giá từ vấn hoàn thiện để được cấp chứng chỉ) qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Ngành Dệt May Việt Nam trong việc đảm bảo xanh hóa, phát triển bền vững;

Thách thức thứ năm liên quan đến nhận thức không chỉ của doanh nghiệp người tiêu dùng cơ quan, bộ ngành liên quan mà cả cộng động trong việc phát triển xanh và sự tăng cường truyền thông về phát triển theo hướng xanh, phát triển bền vững…

Phan Vi