Đẩy mạnh ứng dụng chuỗi cung ứng tuần hoàn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Dệt May Việt Nam

Bài báo Đẩy mạnh ứng dụng chuỗi cung ứng tuần hoàn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Dệt May Việt Nam do ThS. Nguyễn Thị Huyền (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy - CE) đang ngày càng được chú ý trên toàn thế giới như một cách để khắc phục mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại, dựa trên tăng trưởng liên tục và tăng thông lượng tài nguyên. Việc chuyển đổi từ chuỗi cung ứng truyền thống - chuỗi cung ứng tuyến tính sang chuỗi cung ứng tuần hoàn (CSC) có thể mang tới nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội. Ngành Dệt May là một ngành chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên đây cũng là một ngành có mức độ ô nhiễm cao. Bài viết này trình bày tổng quan về chuỗi cung ứng tuần hoàn, thực trạng chuyển đổi sang chuỗi cung ứng tuần hoàn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) ngành Dệt May Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng chuỗi cung ứng tuần hoàn trong các DNNVV ngành Dệt May Việt Nam trong thời gian tới.    

Từ khóa: chuỗi cung ứng, chuỗi cung ứng tuyến tính (LSC), chuỗi cung ứng tuần hoàn (CSC), quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn (CSCM).

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên, sự thay đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh chóng, dấu chân carbon các ngành công nghiệp in trên bề mặt hành tinh xanh ngày càng lớn, trách nhiệm của các chuỗi cung ứng trong việc bảo vệ môi trường ngày càng cao. Mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn  (Circular Supply Chain - CSC) đang trở thành giải pháp cấp thiết để các chuỗi cung ứng có thể vừa đạt được mục tiêu tối ưu hóa hoạt động, vừa đạt được mục tiêu trách nhiệm xã hội. Công nghiệp dệt và thời trang là một trong những ngành có mức độ ô nhiễm cao nhất, trung bình mỗi năm, 2 ngành này tiêu thụ gần 100 triệu tấn tài nguyên không tái tạo trên toàn cầu; 100 tỷ m3 nước và phát thải hơn 1 tỷ tấn CO2. Do đó, nhu cầu thay thế mô hình CSC cho chuỗi cung ứng tuyến tính truyền thống của DNNVV ngành Dệt May, Thời trang là một nhu cầu mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, để thực hiện ứng dụng mô hình hoạt động này, các DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

2. Tổng quan về chuỗi cung ứng tuần hoàn

Chuỗi cung ứng tuyến tính (Linear Supply Chain) hay mô hình chuỗi cung ứng truyền thống, có thể hiểu là chuỗi cung ứng mà các dòng vật chất được di chuyển theo một đường thẳng, bắt đầu từ các nhà cung cấp nguyên liệu thô đến sản xuất đến tay người tiêu dùng và sau cùng là loại bỏ. Trong mô hình này, khi một sản phẩm mới ra mắt, sản phẩm cũ cùng với nguyên liệu thô còn lại trong dây chuyền sản xuất trước sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Điều này gây ra những hệ lụy về môi trường, như ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước và khí quyển, ảnh hưởng tới sự phát triển của hành tinh trong tương lai.

Trong nhiều tài liệu, một số tác giả cho rằng, sự tích hợp “nền kinh tế tuần hoàn” vào “chuỗi cung ứng” sẽ hình thành “chuỗi cung ứng tuần hoàn - CSC”. Theo (Ifeyinwa Juliet Orji and Frank Ojadi, 2023) - sách The Circular Supply Chain - Basic Principles and Techniques (Chuỗi cung ứng tuần hoàn - Những nguyên lý và kỹ thuật cơ bản) -  cho biết,  CSC nhìn chung bao gồm các đối tác như nhà cung cấp nguyên liệu thô, nhà sản xuất sản phẩm, nhà phân phối, nhà bán buôn, nhà bán lẻ, bên thứ ba thu gom phế liệu và chất thải, nhà tái sản xuất, nhà tái chế,... Hoạt động CSC bao gồm cả việc trả lại và tái chế thông qua quản lý chất thải và biến chúng thành sản phẩm, có thể được tái tiếp thị, từ đó quay trở lại nền kinh tế, giúp giảm thiểu tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên mới, hỗ trợ tái sử dụng các vật liệu hiện có. Nhờ sự vận hành theo vòng khép kín, CSC có thể tối ưu hóa vòng đời sản phẩm và giảm phế liệu, cũng như giảm thiểu các tác động xấu đến hệ sinh thái bằng việc tái xử lý những sản phẩm lỗi, hỏng (Hình 1). 

 

Sự tích hợp của nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chuỗi cung ứng có thể tạo điều kiện củng cố tính bền vững về môi trường như việc giúp cải thiện về hiệu quả kinh tế. Mô hình kinh doanh tuần hoàn mang đến cho DN những cơ hội mới, như việc tận dụng nguồn chất thải để khai thác làm tài nguyên. Khi cơ sở hạ tầng nền kinh tế tuần hoàn ở cấp độ khu vực phát triển một cách nhanh chóng, ngành và chuỗi cung ứng sẽ khuyến khích các tổ chức thu hồi giá trị từ chất thải. Ngoài ra, CSC tạo ra nguồn lực giá rẻ thông qua việc phục hồi vật liệu, phụ tùng và các sản phẩm thải hồi; giúp cho các nhà sản có cơ hội sản xuất sản phẩm rẻ hơn, lợi nhuận cao hơn (ví dụ như tái sử dụng vỏ chai trong ngành Đồ uống; bao bì của ngành Thực phẩm; tái sử dụng từ các bộ phận của ngành Ô tô...). Như vậy, CSC phù hợp với rất nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và ngành hàng, từ chế biến nông sản đến chế biến công nghiệp ở cả trình độ công nghệ thấp và công nghệ cao. Khi áp dụng mô hình này, không chỉ DN, mà cả nền kinh tế đều sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên và năng lượng ở các cấp độ doanh nghiệp, địa phương, khu vực và thế giới vận hành theo hướng bền vững.

3. Thực trạng chuyển đổi sang chuỗi cung ứng tuần hoàn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành Dệt May Việt Nam

Dệt May là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Đóng góp lớn vào nền kinh tế, nhưng Dệt May lại là ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, để tạo ra 1 kg sợi, cần tới 200 lít nước. Công đoạn có nhu cầu sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất sợi bao gồm giặt sợi, tẩy màu, nhuộm màu và sau đó là làm sạch sản phẩm cuối cùng. Trên khắp thế giới, cứ mỗi giây lại có một xe tải chở hàng dệt may được chôn lấp hoặc đốt. Sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp 2 lần từ năm 2000 đến năm 2015 và mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào năm 2030. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh là tốc độ phát xả chất thải, khí thải ra môi trường ngày càng cao của ngành này. Đáng chú ý là mới đây, các nước liên minh châu Âu - EU đã ban hành Chiến lược “Dệt may bền vững” và thông qua 3 tiêu chuẩn chính là: độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc; cấm công ty không vứt bỏ quần áo không bán được, hoặc phải báo cáo số lượng thải bỏ… cộng thêm việc siết chặt các chỉ tiêu bao gồm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism  - CBAM) và Chỉ thị thẩm định tính bền vững (The Corporate Sustainability Due Diligence Directive - CSDDD). Điều này càng gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Tính đến hiện nay, ngành Dệt may Việt Nam đã có khoảng 7.000 doanh nghiệp và gần 3 triệu lao động, thuộc Top 2 các ngành xuất khẩu trong nước. Trong ngành, có 70% là DN may, 6% là sợi, 17% là dệt, 4% là nhuộm và hoàn tất, còn lại 3% là các đơn vị phụ trợ. Những tập đoàn dệt may lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty May 10,… đã và đang thực hiện nhiều chính sách, thay đổi trong quy trình để chuyển đổi sang mô hình CSC. Cụ thể, các Tổng Công ty, Công ty trong Tập đoàn đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Nhiều nhà máy của Vinatex cũng đã lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng mặt trời. Chỉ riêng trong năm 2023, các nhà máy đã sản xuất ra hơn 25 triệu kWh điện năng lượng mặt trời. Với mục tiêu giảm dần ô nhiễm, nhiều DN dệt may đã chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị DN), tập trung các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch và nguyên liệu, sản phẩm tuần hoàn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang CSC dường như dễ dàng thực hiện hơn đối với các DN, tập đoàn lớn. Trong khi đó, hơn 80% DN dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam nằm trong đối tượng này, thiếu vốn đầu tư để thực hiện việc chuyển đổi. Khó khăn nữa đến từ việc thiếu quy hoạch không gian phát triển các khu công nghiệp lớn, đặc biệt về xử lý nước thải, gây áp lực lên tài nguyên nước. Quy trình chuyển đổi còn bị chậm do việc duy trì quan niệm cũ về cấp phép dự án dệt, nhuộm ở một số địa phương. Yếu tố chi phí cũng là trở ngại lớn đối với DNVVN. Ngoài ra, hoạt động xây dựng mạng lưới các DN liên ngành, cùng tham gia vào quá trình xử lý các sản phẩm cuối vòng đời, chất thải ở cuối chuỗi cung ứng vẫn còn yếu, dẫn tới việc chuyển đổi sang chuỗi cung ứng tuần hoàn còn chậm chạp.

4. Kết luận và khuyến nghị

Mặc dù chuỗi cung ứng tuần hoàn được xem là mô hình lý tưởng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nhưng việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình chuỗi cung ứng tuần hoàn đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các DNNVV. Việc đẩy nhanh ứng dụng mô hình tuần hoàn trong các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đòi hỏi cần phải có lộ trình rõ ràng và sự phối kết hợp của nhiều bên liên quan.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin về thu nhận và quản lý dữ liệu, giúp quá trình nhuộm dần ít phụ thuộc vào kỹ năng của người lập đơn công nghệ, ổn định chất lượng mẻ nhuộm, cũng như tăng cường tỷ lệ RFT (Right-First- Time - đúng ngay từ đầu) ở mức 95-98%, thay vì 70-80% nếu không ứng dụng; tăng cường sử dụng rô-bốt trong việc trải và cắt vải, giúp giảm nhân công tới 80% và tiết kiệm vật liệu 3%; xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn, tập trung theo yêu cầu Khu Công nghiệp xanh, có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... Các DNNVV do khả năng tài chính hạn chế thì nên tăng cường liên kết các công ty trong cùng Ngành, hoặc cùng cụm khu công nghiệp, nhằm tương hỗ lẫn nhau trong các hoạt động liên quan đến xử lý, tái chế và tái sản xuất.

Với Nhà nước, cần có thêm các hỗ trợ thiết thực khác như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành Dệt May chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi CSC; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư nhằm phát triển CSC; phát triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp; rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn/yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành Dệt May về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất (danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất, tuân thủ sức khỏe và an toàn) áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành; tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Ngoài ra, vai trò của Hiệp hội Dệt May Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án cho các DNNVV trong ngành Dệt May chuyển đổi sang chuỗi cung ứng tuần hoàn.

Về phía người tiêu dùng, cần nhận thức được rõ hơn trách nhiệm của tiêu dùng đối với xã hội và môi trường. Khách hàng cần nâng cao nhận thức về chuỗi cung ứng tuần hoàn, bền vững; từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức giữ gìn, bảo vệ và chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm có giá trị bền vững.

Việc chuyển đổi sang CSC của các DNNVV trong ngành Dệt May Việt Nam vẫn là một khó khăn và thách thức đối với cả doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan. Đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế và mối quan tâm về môi trường ngày càng lớn của các quốc gia, các DNNVV trong ngành Dệt May Việt Nam cần chủ động tích cực và có lộ trình rõ ràng, quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng mô hình CSC cho các chuỗi cung ứng của ngành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Võ Thị Vân Khánh (2024), “Xanh hóa” ngành Dệt may - Động lực và giải pháp cần có ở Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập tại https://dangcongsan.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-ly-luan-va-thuc-tien/xanh-hoa-nganh-det-may-dong-luc-va-giai-phap-can-co-o-viet-nam-671710.html

2. Đinh Thu Phương (2024), Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau các biến động kinh tế toàn cầu: Xu hướng chuỗi cung ứng tuần hoàn, Tạp chí Công Thương, số 2 tháng 2/2024.

3. Như Hiệp (2021), Chuỗi cung ứng tuần hoàn, Tạp chí Nông thôn Việt, truy cập tại https://nongthonviet.com.vn/chuoi-cung-ung-tuan-hoan.ngn

4. Ifeyinwa Juliet Orji, Frank Ojadi, (2022), The Circular Supply Chain: Basic Principles and Techniques, CRC Press.

5. Muhammad Farooque, Abraham Zhang, Matthias Thürer, Ting Qu, Donald Huisingh, (2019), Circular supply chain management: A definition and structured literature review, 228,  882-900.

Promoting the the implication of the circular supply chain at Vietnamese small and medium-sized textile and garment enterprises

Master. Nguyen Thi Huyen

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

In recent years, the circular economy has received increasing attention worldwide. The circular economy is expected to resolve issues of current traditional production and consumption models, which are based on the take-make-waste approach. The shift from the traditional linear supply chain to the circular supply chain (CSC) can bring many environmental, economic, and social benefits. The textile and garment industry is a key industry of Vietnam, but it is also a highly polluting industry. This paper presented an overview of the circular supply chain and the current transition to the circular supply chain of small and medium-sized textile and garment enterprises. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to promote the implication of the circular supply chain at small and medium-sized textile and garment enterprises in the coming time.

Keywords: supply chain, linear supply chain (LSC), circular supply chain (CSC), circular supply chain management (CSCM). 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2024]

Tạp chí Công Thương