Ngày 20/06/2024 tại TP. HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Chương trình Better Work Việt Nam (BWV) đã tổ chức buổi họp định kỳ nhằm cập nhật tình hình hoạt động của các bên, thảo luận về chuỗi cung ứng ngành dệt may toàn cầu, các cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam
Tại sự kiện hai bên cũng đồng thời trao đổi về các khả năng phối hợp giữa VITAS, BWV và các doanh nghiệp sản xuất trong việc thúc đẩy ngành dệt may vượt qua các thách thức và nắm bắt cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững.
Thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp từ biến động của nền kinh tế thế giới, sụt giảm nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt cũng như áp lực cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất khác, những thách thức, cơ hội từ các yêu cầu ngày càng khắt khe về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng... trao đổi tại cuộc họp nhiều đại biểu cho rằng doanh nghiệp dệt may đang phải chịu đánh giá từ nhiều nhãn hàng khác nhau gây tốn kém về thời gian và chi phí.
Đồng thời đề xuất VITAS và BWV cần có thêm các phiên trao đổi, thảo luận với các nhãn hàng để họ có sự công nhận lẫn nhau, có những tiêu chí chung thống nhất nhằm giảm bớt gắng nặng cho doanh nghiệp.
Cụ thể tại cuộc họp, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, VITAS và Chương trình BWV đã cùng đồng hành và phối hợp trong việc hỗ trợ Ngành và các doanh nghiệp dệt may mục tiêu tăng tính cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp và Ngành dệt may
Theo ông Trương Văn Cẩm, năm 2024, sức mua hàng may mặc trên thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng, tình hình đơn hàng có khá lên. Cụ thể, thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm 2024 là 15,8 tỷ USD. Tuy nhiên ông Cẩm đồng thời cho biết ngành dệt may vẫn tiếp tục đối diện với không ít những khó khăn, thách thức mới từ căng thẳng địa chính trị, hàng rào kỹ thuật, chi phí đầu vào, rủi ro lãi suất, môi trường SXKD biến động, thiếu hụt lao động …
Trong bối cảnh hiện nay, khi các thị trường nhập khẩu dệt may (đặc biệt là các thị trường lớn, truyền thống) ngày càng đưa ra những yêu cầu cao về môi trường, lao động, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc…, tại sự kiện, Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm khuyến nghị các doanh nghiệp trong Ngành cần tăng cường tuân thủ các quy định của quốc tế cũng như pháp luật của Việt Nam, trao đổi đề xuất các giải pháp gắn kết chuỗi cung ứng, nâng cao thương hiệu, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.
Thực tế Better Work là Chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổ chức Tài chính Quốc tế hướng đến mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn lao động và nâng cao tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các công cụ và chương trình triển khai trên các cấp độ quốc gia và quốc tế. Chương trình tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp bền vững và có thể nhân rộng, được xây dựng trên nền tảng hợp tác giữa Chính phủ, Tổ chức đại diện người sử dụng lao động và Tổ chức đại diện người lao động, và các nhãn hàng quốc tế.
Tại Việt Nam Chương trình BWV bắt đầu hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu hỗ trợ quá trình phát triển và khả năng cạnh tranh của ngành dệt may và da giày tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Liên quan đến sự công nhận lẫn nhau, có những tiêu chí chung thống nhất giữa các nhãn hàng nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong đáp ứng các yêu cầu (của các nhãn hàng) đặc biệt là về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, VITAS cho biết, thực tế đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các nhãn hàng họ cũng đã ghi nhận để nghiên cứu, tuy nhiên thực tế chưa có sự thay đổi.
Tại sự kiện các đại biểu cũng đồng thời đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường, giảm thiểu các tác động bất lợi trong hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và tuân thủ các quy định về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.