Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021. Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh đã được khẳng định rõ ràng.
Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.
Mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,14 tỷ USD, tăng 39,7%, chiếm 17,9% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, đạt hơn 1,03 tỷ USD, giảm 12,9%, chiếm 16,3% tỷ trọng xuất khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2024, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với năm trước đó: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 130,7%; cao su tăng 105,8%.
Nhìn chung trong 10 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, thị phần hàng hóa của chúng ta vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Để có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do Hiệp định UKVFTA mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn BS hay còn được biết đến là tiêu chuẩn Anh.
Tiêu chuẩn BS (British Standards - tiêu chuẩn Anh) do BSI (British Stadards Institue - Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc) xây dựng.
Được thành lập vào năm 1901, BSI là cơ quan tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên trên thế giới. BSI được Chính phủ Vương quốc Anh bổ nhiệm làm Cơ quan Tiêu chuẩn Quốc gia, nắm giữ Hiến chương Hoàng gia Royal Charter và đại diện cho lợi ích của Vương quốc Anh tại Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và các Tổ chức Tiêu chuẩn châu Âu (CEN, CENELEC và ETSI).
Hiện nay, bộ tiêu chuẩn BS có hơn 31.000 tiêu chuẩn được ban hành bao trùm các nhiều lĩnh vực như: xây dựng dân dụng, vật liệu và hóa chất, điện tử, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, hệ thống quản lý….
Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, tiêu chuẩn Anh có thể nói là bộ tiêu chuẩn lâu đời nhất và là nền tảng cho nhiều bộ tiêu chuẩn khác của các nước trên thế giới.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, người Anh rất tự hào về hệ tiêu chuẩn Anh do Viện tiêu chuẩn Anh Quốc phát triển. Vì vậy, khi làm việc với đối tác Anh, nếu doanh nghiệp Việt Nam khẳng định “Tôi sản xuất theo tiêu chuẩn Anh” thì họ sẽ quan tâm và bắt đầu hỏi tiếp các câu hỏi liên quan. Vậy là doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có cơ hội tiếp cận thị trường.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng chia sẻ thêm rằng đã từng giới thiệu những khách hàng tiềm năng, những nhà nhập khẩu quan tâm đến sản phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, vì các doanh nghiệp Việt Nam không tìm hiểu trước đối tác muốn đơn vị cung cấp sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Khi đưa ra một câu trả lời về các tiêu chuẩn phía doanh nghiệp Anh không biết, các doanh nghiệp Việt đã để lỡ cơ hội có thể kết nối với đối tác mua hàng tiềm năng.
Để doanh nghiệp Việt Nam có thể vững vàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khi hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế phát triển như Anh, đồng thời tận dụng những cơ hội mới từ Hiệp định UKVFTA, việc nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn khắt khe của quốc gia này là một yêu cầu cấp thiết.
Tiêu chuẩn Anh từ lâu đã được công nhận là một trong những thước đo chất lượng hàng đầu thế giới, việc đáp ứng được những tiêu chuẩn này sẽ giúp sản phẩm Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường Anh, đồng thời tạo dựng được niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng.
Nâng tầm sản phẩm theo tiêu chuẩn Anh không chỉ đơn thuần là việc cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi toàn diện trong quy trình sản xuất, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, cho đến việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến yếu tố thiết kế, bao bì sản phẩm để tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Anh.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là tiêu chuẩn Anh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Khi sản phẩm Việt Nam ngày càng được khẳng định về chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam sẽ được nâng cao. Từ đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua việc xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ và thông tin. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cũng cần có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường đề xuất, Bộ Công Thương, các hiệp hội doanh nghiệp nên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các trang web theo tiêu chuẩn Anh và đạt được sự kỳ vọng của các doanh nghiệp Anh.
Để có được chứng nhận tiêu chuẩn Anh, các doanh nghiệp có thể liên hệ Văn phòng đại diện của Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc tại Việt Nam (BSI). Các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy trình thủ tục để xin các chứng chỉ công nhận của các Bộ tiêu chuẩn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh giúp liên hệ trực tiếp với Viện Tiêu chuẩn Anh tại London để xin cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Anh.
Để thâm nhập vào thị trường Anh, việc nâng tầm sản phẩm theo tiêu chuẩn Anh là một yêu cầu cấp thiết. Đây không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế mà còn là cách để khẳng định vị thế của hàng Việt. Nếu không nhanh chóng hành động, doanh nghiệp Việt sẽ khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ quốc tế và bỏ lỡ những cơ hội phát triển từ các FTA mà Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen là một điển hình.
Bài viết: Thanh Tú
Ảnh và thiết kế: Minh Thái