"Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối" (Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002).
Cơ sở của thực hiện truy xuất nguồn gốc là xác định xuất xứ hàng hóa. Đó là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Không dừng lại ở đó, xu hướng hiện nay là các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết nơi sản xuất và những nơi sản phẩm đi qua. Điều này càng thể hiện rõ hơn với những thị trường nhập khẩu nông sản từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Truy xuất nguồn gốc nông sản là yếu tố quan trọng để quyết định nông sản có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng nông sản an toàn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Đối với người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như Vương quốc Anh, băn khoăn về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm khi lựa chọn một loại thực phẩm nào đó là điều tất yếu. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những giải pháp giúp cho người tiêu dùng biết được rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm, quy trình vận chuyển, quy trình bảo quản. Người tiêu dùng sẽ biết được sản phẩm đó được làm, nuôi, trồng… ở đâu, các công đoạn chế biến như thế nào.
Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì. Khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối, họ có thể dùng mã truy xuất để kiểm tra. Chỉ cần gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm.
Theo Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), tính thiết yếu trong minh bạch sản phẩm sẽ là yếu tố để nông sản, thực phẩm được lựa chọn.
Chia sẻ những điểm cần lưu ý của thị trường Anh, tại Toạ đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh nhấn mạnh về yêu cầu minh bạch chuỗi cung ứng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng các công cụ số hóa.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang Anh phải trả lời được cho người mua hàng về nguyên liệu nhập từ đâu, quy trình sản xuất thế nào. Toàn bộ chuỗi cung ứng đó doanh nghiệp phải sẵn sàng cung cấp nhưng không phải là cung cấp theo kiểu truyền thống mà phải có nền tảng cơ sở dữ liệu, nền tảng số để khách hàng có thể tự kiểm tra.
Hiện nay, rất nhiều người lầm tưởng rằng nông sản có dãn mã QR trên bao bì là đã được truy xuất nguồn gốc. Thực tế, quét mã QR chỉ dẫn người tiêu dùng đọc trang web giới thiệu về sản phẩm. Mã QR này chỉ là “truy xuất thông tin”, chưa phải là “truy xuất nguồn gốc”. Truy xuất nguồn gốc thực sự đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ số liên thông trên toàn chuỗi sản xuất của mỗi sản phẩm…
Chia sẻ tại diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức, ông Howard Hall - Cố vấn cao cấp ACIAR nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ông Howard Hallcho biết, công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ trở nên minh bạch. Qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản góp phần mang lại nhiều giá trị. Theo các chuyên gia, công tác này giúp minh bạch thông tin, giúp hội nhập dễ dàng hơn thông qua việc ứng dụng công cụ số hiện đại, tích hợp các nền tảng giúp chuỗi cung ứng liên kết dễ dàng, đa dạng hình thức (ảnh, video, định vị, bảng biểu báo cáo tự động,…).
Bên cạnh đó, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp nhờ có nhiều công cụ hỗ trợ tích hợp việc truy xuất nguồn gốc, tạo thành trang web quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, giúp tiết giảm chi phí do ứng dụng số hóa cho phép làm mọi việc trên điện thoại thông minh, mọi lúc, mọi nơi, giảm đáng kể chi phí, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Có thể thấy, trong thời đại công nghệ 4.0, sản xuất nông nghiệp hiện đại, số hoá truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu hướng tất yếu. Không chỉ đơn thuần là một công cụ quản lý, việc số hóa mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và số hóa giúp họ truy cập thông tin chi tiết về sản phẩm một cách dễ dàng, từ đó xây dựng lòng tin và tăng khả năng tiêu thụ.