[eMagazine] Xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh còn nhiều dư địa tăng trưởng
29/09/2024 lúc 17:49 (GMT)

[eMagazine] Xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh còn nhiều dư địa tăng trưởng

 

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) với tỷ lệ gỡ bỏ thuế quan sâu rộng và lộ trình ngắn đã góp phần quan trọng giúp nâng cao thị phần một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh. 

Theo Hiệp định, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả được xóa bỏ ngay. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông sản Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.

Thâm nhập thị trường Anh nhờ lực đẩy từ UKVFTA 

 

Kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, 3 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng, kể cả năm 2023 khi kinh tế xứ sở sương mù hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy những tín hiệu tích cực. 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,2 tỷ USD, tăng 28,5% so cùng kỳ 2023...

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng khá tốt, trong đó có nhiều loại nông sản như cà phê tăng 30,7%; hạt điều tăng 6,1%; hạt tiêu tăng 18%; rau quả tăng hơn 55,4%.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, nhiều trái cây đặc sản của Việt Nam đã lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Anh như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt… và nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh còn nhiều dư địa tăng trưởng
Cần nhiều giải pháp để gia tăng thị phần

 

Bên cạnh những kết quả khởi sắc, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Anh thời gian qua vẫn gặp những khó khăn dẫn tới thị phần hàng hóa Việt Nam tại nước bạn còn khiêm tốn. Đối với mặt hàng nông sản, Anh đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ các nhà cung cấp Việt Nam nhưng đây vẫn là một thị trường khó tính với những quy định liên tục thay đổi. 

Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Theo số liệu thống kê từ ITC, trong năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Anh đạt 17,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022. 

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh còn nhiều dư địa tăng trưởng

Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh - Việt Nam với tiêu đề “Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống” do Đại sự quán Anh tại Hà Nội công bố cũng đề cập về sự mở rộng nhanh chóng của các nhà hàng Việt Nam tại Anh.

Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường này.

Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Anh, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu của Anh.

Trước hết, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan của thị trường. Hiện nay, tất cả thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu vào Anh phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật. Các yêu cầu đối với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khác nhau tùy thuộc vào loại thực vật hoặc sản phẩm thực vật. Ngoài ra, hệ thống kiểm soát biên giới bao gồm các cơ chế SPS (Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật) nhằm kiểm soát nhập khẩu không chỉ trong trồng trọt mà còn đối với một số loại thực phẩm.

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh còn nhiều dư địa tăng trưởng

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại quốc gia châu Âu. Doanh nghiệp phải nghiên cứu, nắm bắt được xu hướng để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường. Cụ thể như việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay các tiêu chuẩn quốc tế khác sẽ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường.

Đồng thời quan tâm phát triển các giống cây đặc sản có lợi thế tại các địa phương, vùng; ưu tiên việc bình tuyển, phục tráng các giống bản địa, đặc sản địa phương; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây mới, có năng suất, chất lượng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ để nâng cao công suất chế biến, bảo quản; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu.

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh còn nhiều dư địa tăng trưởng

Không chỉ vậy, trong thời đại công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp cũng cần liên tục nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm không chỉ ngon, chất lượng ổn định mà còn có thời gian bán hàng trên kệ (shelf life) dài. Dung lượng thị trường hàng nông sản Việt ở Anh tăng hay không phụ thuộc lớn vào shelf life của sản phẩm bởi các nhà phân phối sẽ không mặn mà với thời gian bán hàng trên kệ ngắn.

Việc xây dựng thương hiệu cũng là một yếu tố không thể thiếu. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp sản phẩm Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường Anh và tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có thể tham gia các hội chợ triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm của mình.

Mặt khác, nông sản Việt cũng phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Malaysia hay các nước nhiệt đới vùng Mỹ Latinh, châu Phi. Do đó, các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản cần rất lưu ý tính cạnh tranh về giá, đặc biệt trong bối cảnh chi phí logistics đường biển và đường bay đều tăng cao.

Với nhu cầu cao về sản phẩm nông sản sạch và chất lượng, thị trường Anh luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hiệp định UKVFTA đã mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, các doanh nghiệp thực sự cần có những chiến lược kinh doanh bài bản và dài hơi. Khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường khó tính này và trở thành một trong những nhà cung cấp nông sản uy tín của Vương quốc Anh.

          

Bài viết: Thanh Tú
Thiết kế: Minh Thái

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí