[Emagazine] Xuất khẩu sang Canada: Nhận diện những thách thức mới của nhóm hàng chế biến, chế tạo
29/09/2024 lúc 16:30 (GMT)

[Emagazine] Xuất khẩu sang Canada: Nhận diện những thách thức mới của nhóm hàng chế biến, chế tạo

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang Canada đã đạt trên 3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên đà sụt giảm đến tháng 6/2024 ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp.

Xuất khẩu trong một số lĩnh vực ngành hàng ghi nhận xu hướng giảm, bao gồm điện thoại, phương tiện vận tải, túi xách. Các mặt hàng khác vẫn ghi nhận mức tăng 2 chữ số, cá biệt một số lĩnh vực có mức tăng đến 3 chữ số như: máy móc, thuỷ tinh, máy ảnh và linh kiện,…

 

Trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada. Trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 43,6% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ để các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Canada đạt được giá trị xuất khẩu trung bình năm 2022.

Lý do là các mặt hàng truyền thống có giá trị xuất khẩu cao trước đây như dệt may, thuỷ sản, điện thoại, giày dép, đồ gỗ nội thất vẫn chưa phục hồi được nhịp xuất khẩu của năm 2022, cá biệt có những mặt hàng giảm rất sâu như thuỷ sản (giảm một nửa so với năm 2022, dù đã phục hồi khá mạnh so với năm 2023).

xuất khẩu Canada 1
xuất khẩu Canada 2
xuất khẩu Canada 3
xuất khẩu Canada 4
thách thức Canada

 

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, thách thức lớn nhất đối với các sản phẩm xuất khẩu chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam vào địa bàn chính là ở góc độ cầu của thị trường suy giảm.

Thách thức thứ hai, đến từ góc độ cạnh tranh vì chúng ta đã và đang mất dần các lợi thế thuế quan do Hiệp định CPTPP mang lại bởi Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…) Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Canada cũng kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh (nearshoring/friendshoring) để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số lĩnh vực chế biến, chế tạo mà Việt Nam có thế mạnh như: điện tử, dệt may, đồ nội thất. Trong năm 2023, qua theo dõi số liệu sở tại, Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico. Ngoại trừ Argentina, cả Ecuador, Chile và Mexico đều có FTAs song phương với Canada. Trong khối ASEAN, Canada cũng tăng cường nhập khẩu từ Philippines, Malaysia và Indonesia (dự kiến sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với Canada vào cuối năm 2024).

Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ của Canada. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Riêng trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam còn gặp bất lợi lớn khi không còn được hưởng ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường vào cuối năm 2024. Đầu năm 2023, Canada đã công bố gia hạn danh sách các nước được hưởng các nước hưởng ưu đãi thuế quan thuộc nhóm kém phát triển (LDCs) được hưởng Ưu đãi phổ cập thuế quan và đưa ra Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường đến năm 2034, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các nhà nhập khẩu Canada.

Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường là một chương trình ưu đãi thuế mới được Canada lập ra trong kế hoạch Ngân sách năm nay nhằm đưa ra những ưu đãi cho các nước mà theo Canada đạt được các tiêu chuẩn về nhân quyền, bình đẳng giới, điều kiện lao động và biến đổi khí hậu (hiện chưa rõ các điều kiện của Canada có tương tự như của EU hay không). Trong khi Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan thông thường sẽ không áp đặt thêm các tiêu chí về xã hội và môi trường.

Đây là bất lợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam khi các đối thủ dệt may cạnh tranh lớn của chúng ta như Bangladesh, Campuchia, Haiti, Sri Lanka, Pakistan, Kenya, A Cập và El Salvador sẽ tiếp tục hưởng GSP mà không phải chịu các ràng buộc về xã hội và môi trường; đồng thời được hưởng quy định về xuất xứ dệt may đơn giản hơn.

Thách thức thứ ba đến từ chính khả năng của chúng ta đáp ứng với những tiêu chuẩn xuất khẩu mới, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất xanh, tiêu chuẩn bao bì, thuế chuyển dịch carbon xuyên biên giới.

          
Trần Thu Quỳnh

Bằng các quy định mới liên quan đến việc ghi nhãn và quy định về vấn đề bao bì nhựa/hàm lượng tái chế, Canada đã bắt đầu sử dụng các rào cản kỹ thuật và môi trường để làm “nản lòng” các nhà nhập khẩu, chưa kể đến xu hướng kêu gọi người dân ưu tiên sử dụng hàng Canada với danh nghĩa giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada

          

 

Đặc biệt, đối với nhóm hàng điện tử, trong tháng 6 vừa qua, Canada vừa công bố tham vấn người dân và các Hiệp hội về quy định buộc các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hàng điện tử phải có trách nhiệm hơn để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, để giảm lượng rác thải điện tử và thúc đẩy các nhà sản xuất đầu tư vào nghiên cứu đổi mới, các mặt hàng điện tử bán ra trong thời gian tới phải có chính sách bảo hành dài hơn, có độ bền dài hơn, có vật liệu/phụ kiện thay thế rẻ, dễ kiếm và có sẵn và có khả năng sửa chữa, nghĩa là trao quyền sửa chữa và sử dụng lâu dài cho người tiêu dùng để giảm lượng tác thải điện tử, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm ô nhiễm. Quá trình lấy ý kiến sẽ kéo dài đến tháng 9/2024 nhưng đã có tác động khiến các nhà nhập khẩu thận trọng hơn trong quyết định nhập hàng.

Một thách thức hiện hữu đó là khi nền kinh tế suy thoái, đời sống khó khăn, làn sóng bảo hộ cực đoan và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có nguy cơ ngày càng nhiều. Hiện nay, Canada đã khởi xướng 19 vụ việc phòng vệ thương mại trong các lĩnh vực mặt hàng khác nhau đối với Việt Nam và có tác động ngăn trở ngay lập tức đối với xuất khẩu các dòng sản phẩm này vào địa bàn.

triển vọng Canada

Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu công nghiệp nội địa của Việt Nam sang Canada chủ yếu là nhóm ngành hàng dệt may, đồ chơi và đồ gỗ nội thất (40% giá trị kim ngạch). Thương vụ Việt Nam tại Canada dự báo, nhóm mặt hàng này khó có khả năng giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và các năm tới.

Nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị và sản phẩm điện tử (50% tổng kim ngạch) là nhóm ngành hàng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung ứng hiện phụ thuộc mạnh về nguồn cung đầu vào của các sản phẩm và linh kiện trung gian. Hiện nay thị trường Canada đang có sự chững lại về nhu cầu và xu hướng dịch chuyển đối tác sang các nước đồng minh như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức.

Dự báo trong các năm tới, nhóm mặt hàng chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu tốt sang thị trường Canada là: da giày, sản phẩm từ da, sản phẩm mũ đội đầu. Nhóm các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như cao su, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu và hoá chất (5%)… có sự sụt giảm mạnh và tiềm năng tăng trưởng trở lại phụ thuộc vào tốc độ khôi phục các đơn hàng và tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Canada.

Các ngành hàng cơ khí hàng hải, ô tô, cơ khí chính xác và túi xách vẫn là những lĩnh vực duy trì được tăng trưởng và có lợi thế cạnh tranh. Đáng lưu ý, đây hầu như là những ngành hàng Trung Quốc chiếm thị phần khá lớn, trong khi xu hướng nhập khẩu của Canada thời gian qua tiếp tục thể hiện rõ nét việc thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc và tăng nhập khẩu từ các nước láng giềng, các nước đồng minh và các nước có cùng hiệp định thương mại tự do.

Đối với các lĩnh vực ngành hàng này (trừ túi xách), Việt Nam đều có thị phần chưa lớn. Vì vậy Việt Nam có nhiều lợi thế để được các doanh nghiệp Canada tìm đến như nguồn cung thay thế và hoàn toàn có tiềm năng mở rộng thị phần tại Canada trong thời gian tới.

thị trường Canada

Bài: Việt Hằng
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Hoàng Phương


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí