Lạc đỏ - Cây xóa nghèo trên vùng đất Na Son
10/10/2024 lúc 13:30 (GMT)

Lạc đỏ - Cây xóa nghèo trên vùng đất Na Son

 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng giống lạc đỏ theo hướng hàng hóa, đời sống đồng bào dân tộc Thái ở xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên ngày càng càng được nâng cao.

…•…•… •…•…•…•…•…•…

 

Lạc là cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ, và đã sớm được trồng tại các quốc gia thuộc vùng nhiệt đới của thế giới. Hạt lạc là loại thực phẩm dinh dưỡng đậm đặc, giàu chất đạm và chất béo.

Ở Việt Nam, lạc cũng là loại cây rất quen thuộc và có giá trị kinh tế cao. Cây được trồng rộng rãi ở các tỉnh, từ đồng bằng đến miền núi (trừ vùng núi có độ cao trên 1500 m). Là một loài cây trồng có lịch sử lâu đời, ngay ở Việt Nam cũng có nhiều giống lạc phù hợp với các vùng sinh thái và cho năng suất hạt cũng khác nhau.

lạc đỏ 1

Cây lạc có các đặc điểm sinh thái là loại cây ngắn ngày, ưa sáng, ưa ẩm và không chịu được ngập úng. Nhiệt độ thích hợp cho lạc sinh trưởng phát triển tốt tùy thuộc từng giống lạc khác nhau, song nhìn chung từ 22° đến 30°C.

lạc 1
lạc đỏ
lạc đỏ 5

Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Na Son đã chú trọng phát triển cây lạc đỏ thành cây chủ lực mũi nhọn để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

So với trên cùng một đơn vị diện tích, cây lạc đỏ mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các cây trồng khác, trở thành cây trồng chủ lực. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng giống lạc đỏ theo hướng hàng hóa mà đồng bào dân tộc Thái xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình ông Lò Văn Dinh ở bản Na Lanh, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lạc đỏ. Đến kỳ thu hoạch, lạc tươi bán tại chỗ cũng được gần 20.000 đồng/kg.

lạc đỏ 2

Cây lạc được trồng tập trung chủ yếu tại các bản như: Na Lanh, Sư Lư, Lọng Chuông,... Giống lạc đỏ Na Son được trồng 2 vụ trong năm. Cứ vào khoảng tháng 1-2 và tháng 7-8 hằng năm, người dân tận dụng những thửa ruộng cao không chủ động nước, khu vực nương, vườn, đất bãi ven suối để trồng lạc đỏ. Sau khoảng từ 110 - 130 ngày là vào mùa thu hoạch lạc.

Lạc đỏ Na Son có đặc trưng riêng, được gieo trồng ở vùng đất giàu khoáng chất, nơi nguồn nước tinh khiết và điều kiện tự nhiên thuận lợi phù hợp, kết tinh vào hạt lạc rắn chắc, to đều lại vừa có vị bùi, béo ngậy, thơm, khác hẳn lạc ở miền xuôi và các vùng đất khác. Cây lạc được người nông dân chăm sóc tỉ mỉ, tất cả quá trình đều được thực hiện bằng phương thức truyền thống để giữ hương vị đặc trưng. Đến khâu thu hoạch, lạc được người dân đem về tách củ hoặc tách hạt phơi khô, tích trữ hút chân không dùng để ăn dần quanh năm và lưu giống trồng vụ sau.

lạc đỏ 4

Bà Lò Thị Mấng tại bản Sư Lư, xã Na Son chia sẻ: Bà đã trồng lạc trên diện tích đất nông nghiệp 3.000 m2 của gia đình mình. Từ khi chuyển đổi diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây lạc đỏ, làm đất cũng tương tự như nhau, nhưng mang lại kinh tế cao, thu nhập của gia đình bà được cải thiện đáng kể.

Hiệu quả kinh tế mang lại nhiều hơn cây lúa và các cây trồng khác gấp 3 - 4 lần. Trồng lạc không lo bị tiểu thương ép giá như các mặt hàng nông sản khác. Hơn nữa cây lạc hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại không phụ thuộc vào phân bón nên các gia đình đã giảm được chi phí sản xuất.

lạc 2
khơi nguồn
lạc đỏ 5

Giống lạc đỏ được bà con Na Son trồng từ nhiều năm trước nhưng theo kiểu tự phát, manh mún nên năng suất, sản lượng thấp. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Na Son đã chú trọng phát triển cây lạc đỏ theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - gọi tắt là Chương trình OCOP.

Để cây lạc đỏ thực sự phát huy hiệu quả, chính quyền huyện Điện Biên Đông đã hỗ trợ xã Na Son xây dựng quy hoạch, đưa loại cây trồng này trở thành cây chủ lực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Để cây lạc đỏ phát triển bền vững, chính quyền xã Na Son đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng lạc. Cùng với đó là mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào quá trình trồng và chăm sóc.

lạc đỏ a

Sản phẩm lạc đỏ Na Son được đánh giá là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, giúp đồng bào nâng cao thu nhập và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Với việc diện tích ngày càng được mở rộng và áp dụng tốt các biện pháp thâm canh, cây lạc đỏ đang bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực.

Năm 2023, toàn xã Na Son thu hoạch được 46,86 tấn lạc, ước tính thu về 937 triệu đồng. Củ lạc tươi được bán với giá khoảng 20 đến 22 nghìn đồng/kg, lạc khô bán 40 nghìn đồng/kg, có giá trị cao hơn hẳn lúa, ngô.

Ông Lò Văn Xương - Chủ tịch UBND xã Na Son, huyện Điên Biên Đông chia sẻ thêm: Hiện nay, toàn xã Na Son có hơn 30 ha diện tích đất trồng lạc với 200 hộ dân thuộc 5 bản tham gia, chủ yếu là bà con người dân tộc Thái. Địa phương phấn đấu theo chỉ tiêu kế hoạch Huyện đề ra, đó là trong thời gian tới sẽ tăng lên 50 ha trồng lạc đỏ.

lạc đỏ 7

Nếu trước đây, lạc sau thu hoạch chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình, thì nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng, giúp người dân có thêm thu nhập. Vào vụ thu hoạch được thương lái từ khắp nơi đến tận thôn, bản để thu mua.

Bên cạnh đó, để đầu ra sản phẩm được thuận lợi hơn, Tổ hợp tác Lạc đỏ Na Son (bản Sư Lư, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã được thành lập để liên kết với bà con nông dân thu mua lạc, giúp thực hiện mục tiêu thương mại hóa sản phẩm, nhân rộng sức lan tỏa ra thị trường và để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

lạc 3
ocop
lạc đỏ 10

Từ cây trồng truyền thống, phát triển nhỏ lẻ, cây lạc đỏ Na Son chính thức chuyển mình, khoác màu áo mới, trở thành cây hàng hóa từ khi xã Na Son thực hiện Chương trình OCOP. Năm 2019, sản phẩm “Lạc đỏ Na Son” đã chính thức được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là “tấm vé thông hành” để Lạc đỏ Na Son khẳng định thương hiệu và ngày càng phát triển.

Trong số các sản phẩm OCOP hiện nay của huyện Điện Biên Đông như lạc đỏ Na Son, bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn khô, thì sản phẩm Lạc đỏ Na Son được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Bởi vậy, chính quyền địa phương và huyện Điện Biên Đông đang quy hoạch vùng trồng để phát triển bền vững, mở rộng diện tích cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho cây lạc ở xã Na Son.

lạc đỏ

Theo một cán bộ của huyện Điện Biên Đông, trong giai đoạn 2021- 2030, Huyện sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu xây dựng và hoàn thiện hồ sơ cho từ 10 - 20 sản phẩm có thế mạnh đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và sẽ tiếp tục nâng hạng cho các sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao ở giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có sản phẩm “Lạc đỏ Na Son”.

Bên cạnh sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cũng có đã có nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt để trợ lực cho các địa phương, cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm nông nghiệp của Điện Biên đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tìm hiểu và sử dụng.

điện biên đông

Song để đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính, chuỗi siêu thị, thị trường bán lẻ lớn, yêu cầu sản phẩm cần phải được công nhận đạt chuẩn OCOP. Do đó, từ năm 2019 đến nay, cùng với việc chú trọng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, hàng năm, tỉnh Điện Biên đều quan tâm phân bổ kinh phí với mục tiêu khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo chuỗi giá trị bền vững.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt sao và phát triển các sản phẩm OCOP mới, có ít nhất 90 - 100 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc.

ocop
ocop 2

Hết năm 2023, toàn Tỉnh đã có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (2 sản phẩm OCOP 4 sao, 64 sản phẩm OCOP 3 sao và 6 sản phẩm đang trình nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao); 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách; huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ, bên cạnh đó đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để sản phẩm OCOP được giới thiệu rộng hơn tại các thị trường trong nước.

Với sự trợ lực tích cực của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện chương trình OCOP, cơ hội dành cho các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Điện Biên ngày càng rộng mở. Đây cũng chính là cơ hội để “Lạc đỏ Na Son” ngày càng khẳng định được giá trị và thương hiệu. Tận dụng tốt cơ hội, lạc đỏ sẽ thực sự trở thành cây trồng mang lại ấm no, hạnh phúc cho bà con trên vùng đất Na Son.

cây lạc

 

Bài: Hà An
Trình bày: My Nguyễn


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí