Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km về phía Bắc Tây bắc, gồm 22 xã và 01 thị trấn. Bá Thước là nơi sinh sống của ba dân tộc: Thái, Mường, Kinh, trong đó dân tộc Thái, Mường là chủ yếu.
Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khòong là giống vịt nhà bản địa có xuất xứ ở địa bàn xã Cổ Lũng thuộc huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Vịt Cổ Lũng là giống vịt quý hiếm, con giống di truyền có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển. Nhiều năm nay, vịt Cổ Lũng đã trở thành sản vật nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất Pù Luông - Bá Thước cũng muốn được thưởng thức.
Nhận dạng vịt Cổ Lũng
Nhìn bề ngoài, vịt Cổ Lũng gần giống như vịt bầu tuy nhiên, giống vịt Cổ Lũng có đặc điểm riêng mang tính nổi trội được coi là đặc thù của giống này đó là: Vịt Cổ Lũng có cổ rụt, chân nhỏ lùn, ngắn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, và có lông cổ xanh màu xanh ánh biếc, có ánh cườm biếc. Vịt Cổ Lũng nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu đẻ, trọng lượng tầm 3-4 tháng tuổi đạt 1,6-1,7 kg, sau 4 đến 5 tháng nuôi trung bình có thể đạt 1,5 – 2 kg, bình quân nuôi 4 - 5 tháng có thể đạt 1,6 – 2 kg.
Vịt Cổ Lũng thơm ngon, không ngậy và hôi như các loài vịt được nuôi ở các vùng khác. Sở dĩ vịt có chất lượng thịt tốt vì chúng được thả trên các khe suối để kiếm ăn, nguồn nước sạch chảy từ núi đá ra nên rất nhiều calci, điều kiện khí hậu mát mẻ, sáng thả vịt ra suối tự kiếm ăn, tối về cho ăn thêm ngô, lúa, sắn, nên thịt rất chắc, thơm ngon. Vịt Cổ Lũng không ăn thức ăn công nghiệp, ưa môi trường sạch sẽ, hay bơi lội tìm kiếm mồi tạp, khả năng kháng bệnh, chống chịu bệnh rất tốt, ít bị dịch bệnh rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Vịt chủ yếu được chăn nuôi ở dòng suối Nũa, con suối này nước vừa trong lại chảy xuôi liên tục và rất nhiều ốc cũng như các loại vi sinh, vịt Cổ Lũng thường bơi ngược dòng để đón cá con, bắt ốc nên thịt nhiều nạc lại săn chắc, thơm ngon vị thanh khiết.
Giữ gìn thương hiệu đặc sản địa phương
Nuôi vịt Cổ Lũng là mô hình làm giàu của dân tộc Thái xã Cổ Lũng, xã Lũng Niêm huyện Bá Thước, Thanh Hóa, không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu nhờ nuôi giống vịt đặc sản của địa phương. Vịt Cổ Lũng được người dưới xuôi xem là đặc sản, giá đắt gấp 3 - 4 lần các loại vịt khác.
Ở các xã Cổ Lũng, xã Lũng Niêm nhà nào cũng nuôi vài chục con để ăn thịt và làm quà biếu nhưng nuôi tập trung, quy mô lớn thì chưa có, thường người ta sẵn có con suối cạn, gánh đất, vần đá ngăn suối tạo mặt nước, quây vùng cho vịt ở, rồi đi mua gom giống vịt thuần chủng từ các hộ trong làng về nuôi thành đàn lớn. Sau chưa đầy 6 tháng, đàn vịt đã có thể xuất bán.
Tháng 11/2020 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng, Bá Thước. Khu vực địa lý, gồm xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).
Nhằm bảo tồn giống vịt Cổ Lũng và phát triển kinh tế cho nhân dân, từ năm 2016, UBND huyện Bá Thước đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt”. Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học.
Điển hình là các mô hình nuôi vịt sinh sản với 1.800 con; vịt thương phẩm gồm 3.000 con với trọng lượng 1,8 - 2 kg/con; ấp nở trứng vịt với 2 tổ có máy ấp tại 2 xã vùng dự án (Cổ Lũng, Lũng Niêm) để cung ứng đủ giống vịt cho địa bàn vùng dự án...
Hiện, các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa, TP. Thanh Hóa... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Việc phát triển con nuôi bản địa như vịt Cổ Lũng đã và đang trở thành biện pháp hữu hiệu góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi. Nhưng để việc gìn giữ và phát triển giống vật nuôi bản địa hiệu quả, bền vững, tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng những chương trình nghiên cứu tổng thể về nguồn gen, mức độ di truyền, chất lượng sản phẩm... Đồng thời, các địa phương cần hướng tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho đàn vật nuôi.
Khởi điểm với 120 con vịt Cổ Lũng giống gốc, sau 7 năm nghiên cứu, anh Trương Tiến Hải ở Thanh Hóa đã trở thành chủ trang trại vịt Cổ Lũng với hàng chục nghìn con thuần chủng, đem lại lợi ích kinh tế.
Với niềm đam mê đặc biệt bảo tồn và phát triển các loại gia cầm, thủy cầm đặc sản của Thanh Hóa, sau 7 năm tự bỏ tiền ra nghiên cứu, anh Trương Tiến Hải, phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng; qua đó, phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo chuỗi giá trị đem lại lợi ích kinh tế cao.
Nhận thấy giống vịt này được bà con đồng bào vùng cao ở Bá Thước thường chăn nuôi nhỏ lẻ ở sông suối và có nguy cơ mai một, anh Trương Tiến Hải quyết định sẽ tập trung nghiên cứu để phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều này.
Sau khi lai tạo được giống thuần chủng và cung cấp con giống ra thị trường, tháng 3/2016, anh Hải quyết định đầu tư, vay hơn 1 tỷ đồng thuê gần 4.000 m2 đất ở phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa để mở trang trại nuôi giống vịt Cổ Lũng đặc sản này.
Khởi điểm với 120 con vịt Cổ Lũng giống gốc, sau một thời gian dài nghiên cứu, chọn tạo, đến nay anh Hải đã là chủ của trang trại vịt Cổ Lũng với hàng chục nghìn con vịt thuần chủng.
Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống ra có màu sắc đồng nhất 95-97%, hình dáng cổ to và ngắn, chân ngắn, vịt trống có đầu màu xanh và có khoang cổ, vịt mái có màu sẻ và khoang cổ. Vịt có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng đạt 1,8kg, tăng 0,5kg so với giống vịt cũ.
Vịt Cổ Lũng được nuôi chăn thả 4 tháng là có thể xuất bán. Hiện nay, giá bán ra thị trường là 80.000- 95.000 đồng/kg, mỗi năm anh bán khoảng 8.000 con vịt thịt.
Ngoài ra, trang trại của anh Hải cũng cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 8.000-10.000 con vịt giống với giá 13.000-15.000 đồng/con. Hằng năm trừ chi phí anh Hải thu về khoảng 300-400 triệu đồng từ nuôi vịt Cổ Lũng.
Giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt đầy đủ.
Ngoài trang trại chăn nuôi tại phường Quảng, anh Hải còn thuê đất mở trang trại tại huyện Triệu Sơn và huyện Thạch Thành để chăn nuôi và trồng chuối, ngô chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết