Cao Bằng thì được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc. Còn Lan's Homestay thuộc làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh thì được ví như một viên ngọc quý đầy triển vọng trong hệ thống du lịch cộng đồng thuộc tuyến du lịch "xứ sở thần tiên" tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.
Vì lẽ đó nên Lan’s Homestay là homestay duy nhất của đạt 4 sao OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn tại Cao Bằng là chuyện không quá bất ngờ. Mà chỉ vui thôi!
Vui là bởi vì nhìn thấy con đường đi của Lan’s homestay rất bền bỉ và quả là theo đúng kế hoạch “khắc đi khắc đến” mà người lập ra nó đã đề ra.
Chủ homestay là chị Hoàng Thị Lan, một người phụ nữ dân tộc Nùng được sinh ngay tại làng Háng Thoang. Gọi Hoàng Thị Lan là một “nữ cường” cũng không sai vì tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, nháy bén, rất thị trường. Nhưng trên hết, Hoàng Thị Lan là một người Nùng luôn tự hào về dân tộc của mình, đồng thời, yêu tha thiết non nước Cao Bằng.
Trước khi trở về quê hương mở homestay, cô cử nhân Trường Sư phạm ngoại ngữ Hoàng Thị Lan làm phiên dịch viên. Với vốn ngoại ngữ và sự xông xáo, mạnh mẽ, Lan đi rất rất nhiều nơi trên thế giới, càng đi chị càng nhận ra một điều: Đất nước Việt Nam quá đẹp! Cao Bằng của chị quá đẹp! Và chị quyết tâm trở về “làm một cái gì đó” ngay tại nơi mình sinh ra!
Người phụ nữ dân tộc Nùng đã nói là làm. Hoàng Thị Lan đã dùng kiến thức, kinh nghiệm của bấy nhiêu năm đi khắp đó đây để bắt tay vào làm homestay cho chính mình. Trên mảnh đất 4000m2 của gia đình và người thân, chị Lan cải tạo, xây dựng hai dãy nhà sàn truyền thống, một nhà đá cổ. Phía trước nhà là dòng sông Quây Sơn xanh mát chảy qua, xung quanh là ruộng, vườn, núi đồi - tạo nên vẻ đẹp hữu tình.
Chính địa hình, địa chất đặc biệt ở Cao Bằng đã làm nên một không gian văn hóa, du lịch rất nguyên sơ, đa mầu sắc, đầy huyền bí, hấp dẫn. Năm 2018, xây dựng Lan’s Homestay, Hoàng Thị Lan đã vạch ra những ý tưởng rất rõ ràng cho homestay của mình.
Về hoạt động dịch vụ, việc quan trọng nhất là tận dụng tối đa tài nguyên của non nước Cao Bằng. Hiện tại, một tour tại homestay này du khách có thể thoải mái tận hưởng mọi trải nghiệm về với thiên nhiên khi mà có thể đi dạo để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, chèo thuyền ngắm sông Quây Sơn, đạp xe hay đi xe máy tới thăm các địa danh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, thượng nguồn sông Quây Sơn tại xã Ngọc Côn, chợ phiên… Đặc biệt, du khách có thể hòa mình vào cuộc sống người dân tộc Nùng tại địa phương: mặc trang phục truyền thống, cùng bà con làm vườn, trồng lúa, cưỡi ngựa, chế biến các món ăn truyền thống như thịt gà, thịt lợn đen, xôi nếp nương, cá sông, rau rừng, bánh cuốn…
Về định hướng phát triển homestay, Hoàng Thị Lan rất chú trọng tận dụng mọi cơ hội để quảng bá uy tín, chất lượng phục vụ của Lan’s homestay tới cộng đồng, trong đó có việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Bởi hơn ai hết, Hoàng Thị Lan hiểu rằng, được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho Lan’s Homestay trong việc đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm dịch vụ nhà nghỉ cũng theo tiêu chí OCOP, nhờ uy tín đó mà kéo theo cả những uy tín đối với các sản phẩm, dịch vụ khác được sử dụng tại Lan’s Homestay, nhất là các nông sản đạt OCOP của địa phương, như: gạo nếp Ong, hạt dẻ…
Tiêu chuẩn OCOP giúp nâng cao giá trị của điểm đến, giúp sản phẩm du lịch phát triển bền vững hơn và trở thành địa chỉ tin cậy cho khách du lịch. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh Cao Bằng nói riêng, các tỉnh thành khác nói chung phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế bản sắc văn hóa, khí hậu, cảnh quan, các sản phẩm đặc hữu của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững. Thông qua du lịch nông thôn sẽ phát huy các giá trị và thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.
Với chị Hoàng Thị Lan, việc phát triển Lan’s Homestay còn mang một ý nghĩa đơn giản mà thiết thực hơn. Đó là tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân bản địa!
Hiện Lan’s Homestay có thể đón tối đa 70 khách/ngày. Công suất phòng ngày cuối tuần thường xuyên đạt tới 85 - 90%, thu hút du khách tới từ khắp cả nước và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Với năng lực như vậy, chị Hoàng Thị Lan đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 người dân bản địa trong homestay của mình.
Nhưng không chỉ vậy, với mô hình du lịch cộng đồng mà mục tiêu là giúp du khách cùng trải nghiệm thật nhiều hoạt động sinh hoạt với bà con nông dân vùng cao, chị cùng bà con địa phương kết hợp trồng lạc, ngô, gạo… hữu cơ để khách được làm cùng, sau đó nếu thích có thể thu mua để hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Chị Lan cũng phối hợp chính quyền xã, huyện tổ chức các buổi hướng dẫn, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, học ngoại ngữ để đưa du khách trải nghiệm leo núi, đi thuyền trên sông…
Tất cả những hoạt động này đều nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của bà con bởi nhờ Lan’s Homestay mà họ có thêm công ăn việc làm, có thêm những cơ hội để được tiếp cận với những nền văn hóa mới, mở ra cho họ những chân trời kiến thức và khiến họ thấy cuộc sống thú vị hơn.
Không những vậy, Hoàng Thị Lan còn say sưa phác thảo những kế hoạch cho tương lai: "Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo, bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống bản địa bằng các giải pháp cụ thể, trong đó có việc duy trì tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian và truyền dạy cho thế hệ trẻ, tập hợp sản phẩm bản sắc văn hóa của người Tày, Nùng để giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa truyền thống", chị Lan cho hay.
Bài: Thủy
Ảnh: Su Ta
Thiết kế: Hồ Yến