Nâng giá trị chanh rừng Mẫu Sơn
24/11/2023 lúc 14:00 (GMT)

Nâng giá trị chanh rừng Mẫu Sơn

 

Chanh rừng là sản vật đặc trưng của núi rừng Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Do có giá trị kinh tế cao, chanh rừng đã được đồng bào dân tộc Dao nhân rộng trong các vườn rừng nhằm tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

chanh rừng

 

Chanh rừng là sản vật đặc trưng của núi rừng Mẫu Sơn, nơi có độ cao từ 800 – 1541m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình rơi vào khoảng từ 15 đến 22 độ C. Điều này rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chanh. Chanh rừng là cây lâu năm, sinh trưởng chậm, lá nhỏ và có gai. Từ bao đời nay, người dân tộc Dao khu vực núi Mẫu Sơn thường sử dụng loại quả này như một loại gia vị làm tăng hương vị món ăn. Quả chanh rừng cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12 trong năm.

Hoa chanh rừng nhỏ màu trắng nở ở những kẽ lá cành cây mọc từ gốc đến tận ngọn. Không giống với các loại chanh khác, quả chanh rừng Mẫu Sơn khá nhỏ, kích thước chỉ như quả quất hoặc to hơn một chút, mỗi quả có từ 3-5 hạt.

chanh rừng
chanh rừng 2

Khi chanh chín, vỏ có màu vàng. Nếu ăn cả vỏ sẽ cảm nhận thấy vị ngọt bùi và rất thơm. Còn bóc vỏ ra, người dùng sẽ cảm nhận vị hơi chua. Với chanh rừng Mẫu Sơn, quả còn xanh vỏ sẽ có công dụng tốt hơn những quả đã to và chín vàng.

Phần vỏ quả chanh có chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng giảm ho, viêm họng, cảm cúm… Phần thịt quả chứa hàm lượng đáng kể axit xitric, giàu vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc…Mật ong là một chất ngọt tự nhiên, đặc sánh, thơm ngon, được dùng làm chất kháng khuẩn tự nhiên trong một số trường hợp. Kết hợp với đường phèn có vị ngọt thanh, tính mát, có công dụng chống ho, tan đờm.

gia vi chanh rung

 

Bà con dân tộc người Dao ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thường lấy quả chanh rừng ngâm với muối trắng hoặc mật ong có tác dụng tốt trong việc chữa trị viêm họng, chữa ho, chữa cảm lạnh. Ngoài ra, chanh rừng ngâm dùng làm món gia vị chấm thịt gà, vịt,... rất ngon. Ngoài ra, nhờ vị thơm đặc trưng nên mỗi gia đình người Dao ở đây đều có một lọ chanh rừng ngâm ớt để làm nước chấm.

Do có giá trị kinh tế cao, người dân đã ươm trồng chanh rừng, thay thế cây mọc trong tự nhiên như trước kia. Chanh rừng không cần chăm sóc nhiều, cây tự lớn là chính. Mỗi năm người trồng phải phát quang quanh gốc, nếu có điều kiện thì bón thêm ít phân là đủ. Cây trưởng thành có thể cho thu hoạch khoảng 20-50 kg quả mỗi vụ.

chanh rừng
canh rừng 8

Theo thống kê sơ bộ, vùng núi Mẫu Sơn có khoảng 55 ha chanh rừng, ước đạt trên 100 tấn quả tươi/năm. Trước đây, loại chanh này chủ yếu được bà con dân tộc người Dao thu hái từ những cây chanh mọc tự nhiên ở rừng. Mấy năm trở lại đây, người dân đã lấy giống đem về trồng nên số lượng giờ nhiều hơn trước. Những cây chanh trồng bằng hạt sẽ mất khoảng 4 năm mới cho ra quả, còn cây ghép thì chỉ cần 2 năm là có quả.

chanh rừng 7

Chính quyền khuyến khích người dân phát triển chanh rừng, hàng năm đều phân bổ hạt xuống các thôn để người dân ươm trồng. Nhờ có cây chanh rừng, mỗi vụ thu hoạch, người Dao ở Mẫu Sơn có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, gia đình anh Phương (Mẫu Sơn, Lạng Sơn) đã lấy giống về trồng tại vườn nhà. Đến nay, nhà anh cũng có khoảng 250 cây chanh rừng cả to và bé, trong đó, gần một nửa số cây đã cho thu hoạch khoảng 2 năm nay, mỗi năm cho thu hoạch khoảng trên dưới 500kg quả.

chanh rung

Nhằm tuyển chọn bổ sung cá thể tốt giúp phục tráng giống, bảo tồn dòng, giống tốt để khai thác vật liệu nhân giống, phục vụ mở rộng diện tích trồng, góp phần bảo tồn, khai thác và phát triển cây Chanh rừng trở thành vùng sản xuất hàng hoá đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và thúc đẩy việc phát triển kinh tế bền vững cho người dân tại vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn, ngày 02/2/2021, tỉnh Lạng Sơn đã giao Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên  cứu  bảo  tồn  và  phát  triển  nguồn  gen  cây Chanh rừng tại Lạng Sơn” trong giai đoạn 2021-2025.

chanh rừng

Đề tài dự kiến thực hiện trong 36 tháng (2021-2023) với mục tiêu: Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chanh rừng tại Lạng Sơn có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Kết quả đã lựa chọn 15 cây đạt tiêu chuẩn cây ưu tú tại Thôn Bó Pằm. Các cây ưu tú đạt tiêu chuẩn sẽ được phục vụ cho công tác nhân giống và phát triển bền vững cây Chanh rừng Mẫu Sơn.

Đại diện xã Mẫu Sơn cho biết, thời gian tới xã sẽ quy hoạch vùng trồng chanh rừng tại các thôn Bó Pằm, Nà Mò, Lặp Pịa nhằm phát triển theo hướng bền vững, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chanh rừng Mẫu Sơn.

chanh rừng
          

Dù kích thước quả rất nhỏ, giá cao gấp 5-6 lần loại chanh thường, nhưng loại chanh này vẫn được nhiều người đặt mua.

          

 

chanh rừng 2

Những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, một số bà con đã nhân giống trồng trên đất vườn đồi của gia đình. Hiện nay, trên địa bàn xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình có khoảng 56 ha cây chanh rừng gồm cả cây tự nhiên và người dân trồng, tập trung nhiều nhất tại 3 thôn: Bó Pằm, Nà Mò, Lặp Pịa… mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả tươi.

Nếu bán được với giá trung bình từ 40 - 50 nghìn đồng/kg thì cho người dân thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, đây cũng là một nguồn thu nhập đáng kể của người dân trong xã. Tuy nhiên, nếu qua chế biến, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.

chanh rừng a

Hiện người Dao bán chanh rừng Mẫu Sơn dạng quả với giá dao động từ 40.000 - 90.000 đồng/kg. Không chỉ “bán thô”, một số hộ người Dao ở Mẫu Sơn mới đây còn chế biến, sản xuất chanh rừng ngâm muối, ngâm mật ong, làm si-rô...

Nhằm nâng cao giá trị trái chanh rừng, năm 2020, xã Mẫu Sơn đã vận động thành lập được Hợp tác xã Nông trang sinh thái Mẫu Sơn với 16 hộ tham gia, hợp tác xã hướng tới chế biến quả chanh rừng thành nhiều sản phẩm khác.

Ngay khi thành lập, HTX đã chú trọng thực hiện các tiêu chí như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn mác, câu chuyện của sản phẩm… HTX đã chủ động trồng và chăm sóc chanh rừng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để sản xuất chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2020, HTX đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn từng thành viên trong HTX sản xuất theo đúng kỹ thuật. Đến nay, diện tích chanh VietGAP của HTX là 11,5 ha.

mứt chanh rừng

 

Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, từ quả chanh rừng HTX đã chế biến để đa dạng hóa sản phẩm như: ô mai chanh rừng, siro chanh rừng, chanh ngậm mật ong, chanh muối. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX tập trung xây dựng nhãn mác, bao bì để đáp ứng thị hiếu của thị trường. Đến này, toàn bộ các sản phẩm của HTX đều có mẫu mã, bao bì riêng.

Huyện Lộc Bình đã hỗ trợ tư vấn về thủ tục làm hồ sơ, đồng thời, trong năm 2021, đơn vị hỗ trợ trên 50 triệu đồng cho HTX để thiết kế logo, túi hộp đựng, in bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm…

mứt chanh

Nhờ đó, tháng 12/2020, HTX đã có sản phẩm chanh rừng Mẫu Sơn đạt 3 sao; đến tháng 3/2022, có sản phẩm ô mai chanh rừng đạt 4 sao. Từ khi các sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, giá cả ổn định, thị trường được mở rộng tiêu thụ trong và ngoài nước.

Riêng trong năm 2021, sản lượng chanh rừng tươi của HTX đạt trên 10 tấn, tiêu thụ được 4.000 hộp ô mai chanh rừng, 200 hộp siro chanh rừng, 200 lọ chanh ngâm mật ong và 150 lọ chanh muối…, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.

Thời gian tới, HTX tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng sao sản phẩm OCOP. Đồng thời, HTX đầu tư một số máy móc như: máy sấy, máy tách hạt… để phục vụ việc chế biến sản phẩm từ chanh rừng.

chanh rừng

 

          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí