Người Thổ ở thị trấn Yên Cát, (Như Xuân, Thanh Hóa) hiện vẫn duy trì nghề làm hương bài truyền thống. Trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, cùng đôi bàn tay khéo léo, người Thổ ở Yên Cát đã làm ra những cây hương đẹp, tròn đều, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Là huyện miền núi cao thuộc tỉnh Thanh Hóa, Như Xuân là địa bàn sinh sống lâu đời của 4 dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, đồng bào dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và một số xã như: Hóa Quỳ, Cát Tân, Cát Vân, Xuân Bình, Bãi Trành.
Nghề làm hương bài có nguồn gốc từ đồng bào dân tộc Thổ ở làng Trầu, thôn Cát Tiến, xã Yên Lễ (nay sáp nhập vào thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân). Suốt bao năm qua, những người làm nghề ở làng hương Yên Cát vẫn lưu giữ nghề sản xuất hương truyền thống.
Trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, cùng đôi bàn tay khéo léo, người Thổ Yên Cát đã làm ra những cây hương đẹp, tròn đều, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cứ thế, nghề làm hương gắn bó với đồng bào dân tộc nơi đây và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để làm nên những cây hương bài trứ danh Yên Cát là cả quá trình sản xuất tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật se hương, phơi sấy...đặc biêt là nguồn nguyên liệu phải đảm bảo hoàn toàn tự nhiên. Trước đây, nguyên liệu chính để làm hương là rễ cây trầm; bây giờ, rễ trầm khan hiếm nên được thay thế bằng bột trám, bột bài và than của các loại cây thân nhẹ như: lạc, mía. Ba loại nguyên liệu trộn với nhau theo tỷ lệ, để thành hỗn hợp chất làm hương bài. Công đoạn làm hương bài cũng khá công phu, vất vả.
Nhựa trám được cho vào máy lọc lấy nước nguyên chất, sau đó trộn vào than cây mắc khẻn rồi cho vào máy xay đều. Hỗn hợp xay xong đem ra xe vào chân cây hương rồi lăn vào bột cây hương bài. Lăn đều bột xong đem ra phơi khô, nếu trời nắng thì chỉ cần phơi một ngày, trời mát thì 2 đến 3 ngày là dùng được. Tiếp đó lấy hương vào đóng gói ni lông bảo quản để tránh bị ẩm mốc.
Cây hương đạt chuẩn là phải thẳng, tròn, đều và có màu vàng nâu. Tùy theo công thức pha chế của mỗi cơ sở mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau. Hương bài Yên Cát được làm thành nhiều loại kích cỡ, được người tiêu dùng đánh giá là sản phẩm có mùi thơm dịu nhẹ rất đặc trưng, cháy đều, lâu và ít khói.
Theo thời gian, nghề làm hương bài ở Yên Cát tuy trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đây vẫn luôn là nghề nuôi sống nhiều gia đình bà con dân tộc Thổ. Nhờ làm hương bài, bà con có thêm thu nhập ổn định, đặc biệt những tháng giáp Tết, nghề làm hương đem lại nguồn thu cao hơn nhiều.
Ông Lê Văn Thắng, một trong những hộ làm hương bài, cho biết: Nghề làm hương bài truyền thống ở đây được gia đình ông và các hộ dân duy trì làm quanh năm, nhưng làm nhiều là những tháng giáp tết và rằm tháng bảy. Thời điểm này ngoài 5 lao động trong gia đình, ông còn thuê thêm 14 lao động trong thôn. Trung bình mỗi năm gia đình ông sản xuất được 4 triệu que hương bài các loại, doanh thu ước đạt 1,2 tỷ đồng.
Nghề làm hương bài đã tạo việc làm cho người lao động không chỉ trong thôn, trong xã, mà còn tạo việc làm cho lao động các địa phương lân cận. Trước đây, làm hương rất vất vả vì tất cả các công đoạn đều phải dùng tay và sức lao động. Ngày nay, nhiều hộ gia đình ở Yên Cát đã trang bị máy móc, như: máy sấy, máy giã, máy trộn nguyên liệu.... Công việc dễ dàng hơn và sản phẩm làm ra đạt năng suất cao hơn.
Từ khi có máy móc hỗ trợ, thu nhập của người làm nghề theo đó cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình ở thị trấn Yên Cát có doanh thu đạt trên dưới 1 tỷ đồng/năm từ nghề làm hương bài.
Nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, huyện Như Xuân có chủ trương đẩy mạnh mở rộng vùng trồng cây hương bài, trong đó xã Bình Lương là đơn vị trồng đầu tiên. Cùng với đó là xã Tân Bình cũng đã mạnh dạn chuyên đổi sang trồng cây hương bài.
Năm 2022 xã Tân Bình đưa vào trồng được 3,5 ha cây hương bài, trong những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn xã đã trồng được 1,7 ha cây hương bài. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu cung cấp ổn định cho bà con làm hương Yên Cát. Cùng với 2 xã Bình Lương và Tân Bình, huyện Như Xuân cũng đã phát triển trồng cây hương bài nguyên liệu tại thị trấn Yên Cát, trong đó HTX Dịch vụ nông nghiệp Hương bài Yên Cát đăng ký trồng 20 ha.
Để phát triển nghề làm Hương bài truyền thống của địa phương, năm 2023, huyện Như Xuân vẫn tiếp tục đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây hương bài. Đồng thời, huyện phối hợp mở các lớp dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ để vừa mang lại thu nhập vừa giữ được nghề truyền thống.
Đại diện thị trấn Yên Cát cho biết, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thổ ở Yên Cát, nghề làm hương không chỉ là nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc, đó còn là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Sản phẩm được phân phối rộng rãi trong nước và quốc tế chính là cơ hội để hương bài Yên Cát khẳng định được thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, thị trấn Yên Cát đã vận động các hộ dân thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hương bài Yên Cát, với 16 thành viên; đồng thời hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và một phần bao bì, nhãn mác cho các hộ dân. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sản xuất được 5 đến 6 vạn thẻ hương, tạo việc làm cho 32 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu sản xuất, cung ứng sản phẩm Hương Bài Yên Cát an toàn cho người tiêu dùng, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hương Bài Như Xuân đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện cung cấp nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên như nhựa cây trám, rễ cây hương bài, than hoa để sản xuất Hương Bài.
Năm 2021, Sản phẩm hương bài của Hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm hương bài của Hợp tác xã Hương Bài Yên Cát được nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Sản phẩm sau khi đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP, giá trị sản phẩm cũng tăng hơn. Nếu trước đây bình thường 1 bó hương bán được 20 đên 30 nghìn đồng, nhưng sau khi có thương hiệu, sản phẩm đã tăng giá trị sử dụng, giá bán có thể tới 40 đến 50 nghìn đồng.
Sau khi đạt chuẩn, sản phẩm đã được tiêu thụ trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, sản lượng bán hàng tăng 15%, doanh thu tăng 20% so với trước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao của thị trường, Hợp tác xã đã đầu tư thêm máy lọc, máy xay, lò sấy… đặc biệt hiện nay sản phẩm hương bài, ngoài thành phần được làm từ nhựa cây trám, cây hương bài và than hoa, Hợp tác xã đã nghiên cứu và đưa thêm thành phần cây thảo dược Xuyên tâm Liên vào làm hương. Đây là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe cũng như đường hô hấp của con người khi sử dụng sản phẩm hương bài.
Tính đến hết tháng 12/2022, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hương bài Yên Cát sản xuất được trên 650 vạn hương, tạo việc làm thường xuyên cho trên 25 lao động, với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, năm 2022 Hợp tác xã có doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.
Sản phẩm hương bài Yên Cát không chỉ được bán rộng rãi trong thị trường cả nước, còn được xuất đi nhiều nước ở châu Á, châu Âu để phục vụ kiều bào xa Tổ quốc và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, huyện Như Xuân sẽ tập trung cho 2 nhóm sản phẩm: Đối với các sản phẩm đã được công nhận, huyện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng để hỗ trợ chủ thể sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đối với sản phẩm tiềm năng, huyện Như Xuân sẽ ưu tiên các sản phẩm có ý tưởng mới, các sản phẩm chế biến, chế biến sâu và các sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương. Từ đó, tập trung hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị.
Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận với nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề, từ đó nâng cao năng lực cho các chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP, đem lại giá trị thu nhập cao.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn