Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy
04/09/2024 lúc 11:57 (GMT)

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

Nội địa hóa chuỗi cung ứng là một xu hướng toàn cầu và cũng là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc chuyển dịch từ một nền kinh tế dựa nhiều vào nhập khẩu sang một nền kinh tế có chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ mang lại nhiều lợi ích, từ việc giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài đến việc tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đối với ngành công nghiệp xe máy, quá trình chuyển dịch việc sản xuất các linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm trung gian từ các nhà cung cấp nước ngoài về các doanh nghiệp trong nước đã đạt những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, xe máy nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

Hiện nay, thị trường xe máy Việt Nam có 05 nhà sản xuất lớn, chiếm trên 95% thị phần gồm: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM - đây cũng là 05 thành viên trực thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). 

Theo Kết quả kinh doanh năm tài chính 2024 (tháng 4/2023 - tháng 3/2024) do Honda công bố, doanh số bán hàng xe máy của Honda Việt Nam đạt mức 2,1 triệu xe trên tổng số lượng xe máy được bán ra bởi các thành viên VAMM đạt khoảng 2,5 triệu xe, chiếm khoảng 82.5% thị phần (tính trong VAMM).

Là ông lớn của ngành công nghiệp xe máy tại Việt Nam, Honda đã nỗ lực thực hiện các cam kết nâng cao tỷ lệ nội địa hóa giá trị sản xuất xe máy trong nước và các loại phụ tùng để thay thế phần giá trị nhập khẩu. Những năm qua, Honda Việt Nam đã tăng cường đầu tư, nâng cấp các dây chuyền sản xuất, lắp ráp; liên kết với các nhà cung cấp phụ tùng, cơ khí trong nước; khuyến khích, đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân, lao động.

Hiện, Honda Việt Nam vận hành 3 nhà máy sản xuất xe máy, 1 nhà máy sản xuất ô tô, 1 trung tâm đào tạo lái xe an toàn hiện đại nhất Việt Nam, cùng 1 phân xưởng piston và 1 trung tâm phụ tùng. 

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, lắp ráp, công ty đã liên kết với 140 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện hầu hết đã được sản xuất và cung ứng tại Việt Nam. Trong đó, có 100% linh kiện nhựa, cao su; 90% linh kiện kim loại; 80% linh kiện điện tử được cung ứng từ các công ty sản xuất trong nước và khoảng 20% linh kiện điện tử được mua thông qua các công ty thương mại. 

Honda Việt Nam đã thành công nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất xe máy đạt khoảng 96%.

Bên cạnh việc tập trung vào hoạt động kinh doanh trong nước, Honda Việt Nam cũng nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng sản lượng xuất khẩu xe máy nguyên chiếc (CBU) của Honda Việt Nam trong năm tài chính 2024 đạt 257.675 xe. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 536,1 triệu đô la Mỹ bao gồm cả xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng.

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

Một nhà sản xuất xe máy khác là Yamaha Motor cũng tích cực đẩy mạnh việc nội địa hoá. Sản phẩm của Yamaha Motor Việt Nam hiện có tỷ lệ nội địa hoá đạt hơn 95% với sự tham gia của các nhà cung cấp và bản thân các nhà máy của công ty tại Việt Nam. Doanh số xuất khẩu hiện bằng khoảng 30% doanh số dành cho thị trường nội địa về mặt sản lượng.

Không chỉ tập trung phát triển thị trường trong nước, nội địa hoá dây chuyền sản xuất đã đưa Yamaha Motor Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực.

Tháng 5/2023, Công ty Yamaha Motor Việt Nam chính thức khánh thành dây chuyền lắp động cơ cho xuất khẩu. Đây là một trong những dấu mốc đáng tự hào của Yamaha Motor Việt Nam, thay thế Thái Lan trở thành một trong những trung tâm cung cấp động cơ cho các thị trường khác trong khu vực (bên cạnh Indonesia).

Đại diện Yamaha Motor Việt Nam cho biết, trước đây, Thái Lan đảm nhiệm việc sản xuất động cơ nhưng hiện tại Yamaha Motor Việt Nam đã thay thế Thái Lan để sản xuất các động cơ này và xuất khẩu sang các thị trường khác. Trước đó, Indonesia cũng từng là cơ sở sản xuất của Yamaha Motor toàn cầu, còn hiện Việt Nam cũng đã sản xuất được xe máy để xuất khẩu sang các thị trường khác (trong đó có cả Indonesia).

 

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

 

Thành công nội địa hoá của ngành công nghiệp xe máy trong nước được lý giải bởi nhiều yếu tố. Trong đó, nhu cầu thị trường đóng vai trò rất quan trọng. 

Việt Nam có dân số đông và nhu cầu sử dụng xe máy rất cao, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Điều này tạo ra một thị trường nội địa khổng lồ và ổn định cho ngành công nghiệp xe máy. 

Theo MotorCycles Data, Việt Nam là thị trường xe hai bánh lớn thứ tư trên thế giới và lớn thứ ba về doanh số bán xe điện hai bánh. Motorcycles Data ước tính, hơn 2/3 số người dân sống ở Việt Nam sở hữu xe hai bánh và hơn 90% hộ gia đình có xe máy.

Đây là động lực cho việc hình thành một thị trường linh kiện, phụ tùng xe máy rất lớn. Từ đó, hình thành các chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất xe máy liên kết, hợp tác, cho phép đẩy nhanh quá trình nội địa hóa ngành công nghiệp này.

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách tài chính như ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong nước.

Đảm bảo nguồn vốn thông qua các chính sách vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, … Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác hợp tác; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ các sáng chế, mẫu thiết kế, …

Đây đều là những chính sách góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng đối với hàng hoá sản xuất trong nước. Từ đó, trực tiếp đẩy mạnh quá trình nội địa hoá của các doanh nghiệp.

Một yếu tố khác góp phần vào sự thành công của ngành công nghiệp xe máy chính là nỗ lực của các doanh nghiệp. Các nhà sản xuất xe máy đã đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chủ động tìm kiếm và hợp tác với các nhà cung cấp trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí sản xuất và tạo ra chuỗi cung ứng ổn định. Không ngừng nghiên cứu và phát triển các mẫu xe máy mới, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.

 

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

 

Ngành công nghiệp xe máy Việt Nam hiện nay phải đối mặt với một số thách thức như cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt. Về phía người tiêu dùng, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Xu hướng chuyển dịch sang các phương tiện giao thông xanh như xe điện cũng đặt ra những thách thức mới cho ngành công nghiệp xe máy truyền thống. 

Thị trường xe máy đang trải qua quá trình chuyển đổi sang các loại xe phát thải thấp, được Chính phủ thúc đẩy và hỗ trợ. Tại hội nghị thượng đỉnh COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, xanh hóa ngành giao thông là một trong những trụ cột quan trọng.  

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đang bị thách thức bởi chính các nhà sản xuất phụ tùng, thiết bị lớn, hiện đang chiếm lĩnh đa số thị phần xe máy. Các nhà sản xuất, lắp ráp xe máy truyền thống đã thành công nội địa hóa đạt trên 95%. Việc bỏ vốn đầu tư hoặc chuyển đổi hoàn toàn sang phát triển xe máy điện có thể là một ván cược rủi ro. Chi phí dành cho đội ngũ phát triển, sản xuất và thương mại sẽ tăng nhiều lần, làm giảm cơ hội cạnh tranh trên thị trường. Việc duy trì sản xuất xe chạy xăng, song song với việc chuyển đổi sang xe điện cũng vấp phải khó khăn về chi phí đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp có nguồn vốn lớn và phải chịu thay đổi.  

Việt Nam được đánh giá là thị trường xe máy điện tiềm năng, song các thương hiệu như Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM vẫn chưa có động thái chuyển hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Một số ông lớn đã ra mắt sản phẩm xe máy điện nhưng mới ở mức thăm dò thị trường. 

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

Trong khi đó, theo đánh giá của Motorcycles Data, VinFast, Yadea và Pega hiện là 3 thương hiệu hàng đầu về xe máy điện tại Việt Nam, cả về doanh số, chất lượng và uy tín đối với người tiêu dùng. 

Theo số liệu của VAMM, năm 2023, VinFast đã bán ra tổng cộng 72.469 xe máy điện, tăng 21% so với năm 2022 và chiếm gần 3% tổng doanh số xe máy cả năm tại Việt Nam. Nhà máy sản xuất chính của VinFast được đặt tại thành phố Hải Phòng. 

Một thương hiệu xe máy điện khác là Yadea đã gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2019,  hiện có 1 nhà máy lắp ráp tại KCN Quang Châu, Bắc Giang và 1 nhà máy mới tại KCN Tân Hưng, Bắc Giang. Hai nhà máy có tổng diện tích lên tới gần 300.000m² và có công suất lên đến 2 triệu xe/năm. 

Trong khi đó, Pega lại là thương hiệu quen thuộc đối với học sinh, sinh viên. Đây là thương hiệu có nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại Việt Nam từ năm 2012. 

Có thể thấy, sản phẩm đến từ các thương hiệu xe máy điện lớn tại Việt Nam chủ yếu được sản xuất và lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, với dòng xe điện nói chung và xe máy điện nói riêng, pin là “linh hồn”, là công nghệ lõi, chiếm tỷ trọng lớn trong giá bán cũng như đòi hỏi trình độ khoa học - công nghệ cao thì hiện Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào làm chủ công nghệ này. 

Tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia duy nhất có nhà máy sản xuất pin xe điện đã khánh thành vào tháng 7 vừa qua. 

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

 

Các chuyên gia dự báo, thị trường xe máy điện sẽ ngày càng mở rộng và chiếm thị phần lớn hơn trong tương lai, đặc biệt là chiến lược giảm phát thải CO2 của Chính phủ trong lĩnh vực giao thông và sự sụt giảm của thị trường xe máy truyền thống đang tạo ra cơ hội hiếm có để phát triển xe máy điện tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra như việc những hãng xe máy truyền thống chưa “nỡ” rời bỏ miếng bánh thị phần xe xăng do đã đầu tư dây chuyền, công nghệ hay mục tiêu nắm quyền chủ động về pin xe điện, tránh sự lệ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu vẫn chưa đạt được. 

Trước một thế giới không ngừng dịch chuyển, để tiếp tục duy trì tỷ lệ nội địa hóa cao, đòi hỏi ngành công nghiệp xe máy nâng cao năng lực nội tại và tính chủ động, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với thị trường. 

Nội địa hóa các ngành sản xuất: Nhìn lại câu chuyện của công nghiệp xe máy

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí