Mãng cầu tại núi Bà Đen được coi là một đặc sản ở Tây Ninh, chiếm hơn 40% thị phần cả nước. Đây là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn của địa phương.
Nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 99km về phía Tây, Tây Ninh là cửa ngõ kết nối vùng cao nguyên Nam Trung Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi sinh sống của 29 dân tộc như người Khmer, người Chăm, người Xtiêng…
Đã từ lâu, Tây Ninh nổi tiếng với trái mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na), ngon nhất là loại mãng cầu được trồng ở quanh khu vực núi Bà Đen. Vùng đất này quanh năm khí hậu ôn hòa, ban ngày nhiều nắng nhưng không quá gay gắt, đêm kéo dài và nhiệt độ thấp tạo sự kích thích và thúc đẩy ra hoa. Bên cạnh đó, vùng núi Bà Đen có đất xám trên nền phù sa cổ, cùng với địa hình triền núi dốc thoai thoải không úng nước rất thích hợp để trồng mãng cầu - loại cây không chịu được ngập.
Từ khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hình thái và chất lượng trái mãng cầu nơi đây có nhiều khác biệt. Trái mãng cầu Bà Đen có hình khối cầu dạng trái tim tròn, đường kính khá đồng đều, trung bình từ 7 đến 8cm, mỗi trái có trọng lượng trung bình vào khoảng 179,6g. Trước khi chín có màu xanh lục, khi chín màu xanh sáng hơi vàng. Vỏ ngoài trái có nổi nhiều múi núm chỏm hoặc lì, giữa các núm có khe, khi chín thì nở lớn ra thành các rãnh màu trắng.
Một trong những yếu tố rất đặc trưng là mãng cầu trồng nơi vùng núi Bà Đen có thể cho ra trái hai vụ một năm, không phải nơi nào cũng có được kết quả này. Trái mãng cầu Bà Đen có vị thơm ngon, hoàn toàn khác biệt so với các loại mãng cầu trên thị trường. Phần thịt của mãng cầu Bà Đen cũng dai hơn so với những loại khác, hạt nhỏ, vị ngọt và mùi thơm dễ chịu.
Loại quả này còn có hàm lượng protein, đường, năng lượng (calories) cao hơn trung bình rất nhiều. Điều đặc biệt là cùng một giống Mãng cầu Tây Ninh tại Bà Đen mà mang chiết rồi trồng ở nơi khác thì cũng không thể cho ra trái thơm ngon như vậy. Chính đặc điểm này đã làm nên thương hiệu Mãng cầu Bà Đen.
Những năm gần đây, nhờ có chính sách bảo tồn và phát triển giống cây nông nghiệp quý của Nhà nước nên mãng cầu Bà Đen đã có nhiều cơ hội phát triển hơn. Nhờ vậy, người dân cũng đầu tư mạnh để nhân giống và chăm sóc cây trồng một cách bài bản, tạo ra loại mãng cầu ngon nhất phục vụ thị trường.
Các xã được trồng phổ biến cây mãng cầu xung quanh núi Bà Đen gồm: Thạnh Tân, Tân Bình, phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng trên 50.000 tấn trái/năm.
Hiện sản phẩm mãng cầu Bà Đen - Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Ðen, giúp trái mãng cầu ở đây khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng cơ sở pháp lý giúp nông dân và doanh nghiệp trồng mãng cầu yên tâm hơn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau khi sản phẩm trái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh được Cục sở hữu trí tuệ quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa địa lý (Giấy chứng nhận thương hiệu “Mãng cầu Bà Đen”) vào tháng 8/2011, tỉnh Tây Ninh đã chủ trương cho xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng.
Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ tiến hành thực hiện nghiên cứu sản xuất trái mãng cầu ta an toàn theo hướng VietGAP. Hộ sản xuất Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, Thị xã Tây Ninh) được chọn triển khai mô hình VietGAP đối với cây mãng cầu. Sau nhiều năm trồng mãng cầu theo kiểu truyền thống, ông Chiêu được hướng dẫn trồng hơn 5 ha mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 8/2012, mô hình sản xuất thử nghiệm của ông Huỳnh Biển Chiêu đã được cấp chứng nhận tuân thủ theo quy trình này.
Đây là mô hình sản xuất mãng cầu ta đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trồng mãng cầu theo mô hình năng suất trái tăng cao hơn trước, bình quân đạt 9- 10 tấn/ha; trái mãng cầu to, đẹp hơn và bảo quản được lâu hơn so với trước khi trồng theo mô hình VietGAP.
Năm 2016, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp thành lập các tổ liên kết, xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGap. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, cấp giấy chứng nhận (80 triệu đồng) và 30% kinh phí mua vỏ sinh học bao trái (6 triệu đồng/ha) để chống ruồi vàng; đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng liều lượng, chủng loại. Qua hơn 1 năm triển khai sản xuất mãng cầu theo mô hình VietGap đã có 54 ha đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận, tiết kiệm khoảng 20% chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, tăng năng suất cây trồng.
Hiện tại, các xã ven chân núi Bà Đen và vùng phụ cận đã trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước. Người dân địa phương cũng đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, bắt tay nhau liên kết sản xuất. Các tổ hợp tác, hợp tác xã lần lượt ra đời. Trong đó, hợp tác xã Mãng cầu Thạnh Tân là một trong HTX tiên phong tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đưa sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Nhờ đẩy mạnh liên kết, sản phẩm của hợp tác xã đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Với sự hiệu quả của mô hình sản xuất, hợp tác xã đã thu hút được 18 thành viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác 90 ha. Là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác. Nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1 ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm.
Xác định Mãng cầu là một trong những sản phẩm chủ lực, do vậy nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất và chế biến mãng cầu, các sản phẩm từ mãng cầu. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ liên kết sản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2015. Tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể lựa chọn một trong số các chính sách trên để đăng ký thụ hưởng.
Hiện bên cạnh việc bán quả mãng cầu tươi, trên địa bàn tỉnh dần phát triển hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mãng cầu. Năm 2021, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, qua đó đánh giá xếp loại được 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Trong đó, 3 sản phẩm từ trái mãng cầu gồm trái mãng cầu, rượu mãng cầu và nước ép mãng cầu được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá đạt hạng 4 sao.
Đến nay Tây Ninh đã xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dựa trên 9 sản phẩm chủ lực, trong đó có mãng cầu. Trên địa bàn hiện có hơn 200ha mãng cầu được liên kết tiêu thụ với Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (TP Tây Ninh) và Công ty CP Natani.
Với vùng nguyên liệu liên kết mãng cầu được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 100 ha, tại các xã Tân Bình, Thạnh Tân (TP. Tây Ninh), xã Phan (huyện Dương Minh Châu) và khu vực quanh núi Bà Đen. Công ty cổ phần Natani đã chế biến sâu sản phẩm nâng cao giá trị trái mãng cầu địa phương.
Do trái mãng cầu chín quá nhanh nên khó bảo quản, vận chuyển. Trong khi thị trường có nhu cầu nhưng công ty chỉ cung cấp trái cây tươi. Do đó, sản xuất được nhiều sản phẩm từ trái mãng cầu để tăng giá trị thì sẽ có một thị trường tiềm năng rất lớn, là một hướng phát triển mới trong thời gian tới.
Chiến lược phát triển của công ty là trái cây tươi chiếm khoảng 30% sản lượng, còn 70% sẽ đưa qua những sản phẩm chế biến sau thu hoạch như mứt, nước ép, rượu vang… để đa dạng hoá sản phẩm cũng như nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững trái mãng cầu Tây Ninh.
Để làm được điều này, công ty đã hợp tác với Trường đại học Bách Khoa, Đại học Cần Thơ… chuyển giao những công nghệ chế biến rau, quả sau thu hoạch. Năm 2019, công ty bắt đầu sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay, sản phẩm mãng cầu của công ty đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Aeon (Nhật), E-mart (Hàn Quốc), BigC, Co.opMart; các chuỗi cửa hàng tiện ích như Bách Hoá Xanh, VinMart… cùng thị trường một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài thị trường trong nước, một số công ty đang hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của NATANI để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga và các nước Trung Đông.
Bài: Hà Đan
Trình bày: An Nguyễn