Sâm Lai Châu  - Cây vàng dưới tán rừng Tây bắc
23/11/2022 lúc 10:00 (GMT)

Sâm Lai Châu - Cây vàng dưới tán rừng Tây bắc

Tỉnh Lai Châu cách Hà Nội khoảng 400 km; có 8 huyện, thị, 108 xã, phường, thị trấn, dân số trên 40 vạn người. Lai Châu là vùng đất có 20 dân tộc anh em gồm: Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Việt (Kinh), Mường, Khơ Mú, Mảng, Kháng, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La, Phù Lá, Lô Lô, H’Mông, Dao và Hoa. 

Với địa hình núi cao trên 1.000 m, tỉnh Lai Châu là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm, dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như sâm Lai Châu, thảo quả... Trong đó, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 m – 2.200 m so với mặt nước biển, cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) hay còn gọi là tam thất hoang Mường Tè, tam thất đen (tên địa phương) là loài cây thuộc chi nhân sâm (Panax L.), họ ngũ gia bì (Araliaceae) có phân bố hẹp ở Lai Châu. Sâm Lai Châu là loại cây thuốc rất quý hiếm về giá trị nguồn gen cũng như về giá trị sử dụng; được xếp hạng ở mức độ nguy cấp, đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển ở Việt Nam.

la sam
sam lai chau

 

Theo những tài liệu đã công bố tại Việt Nam, cây sâm Lai Châu mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Sâm Lai Châu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận (Mường Tè và Tây Sìn Hồ, giáp biên giới với Trung Quốc) và dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường với TP.Lai Châu.

Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ sâm Lai Châu có saponin "MR2" chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh. 

Thành phần có trong Sâm Lai Châu

Củ sâm Lai Châu có thành phần saponin phong phú với 52 loại hoạt chất quý hiếm.

Các kết quả định lượng cho thấy hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu đạt khoảng 20%, kết quả định lượng saponin tổng số của sâm Lai Châu và tăng dần khi tăng số tuổi, đồng thời mẫu thu được ở tự nhiên có hàm lượng saponin tổng số (trung bình khoảng 23%) cao hơn mẫu trồng (trung bình khoảng 18,47%).

sam
Nhập chú thích ảnh

Đặc điểm của sâm Lai Châu

Sâm Lai Châu có hình thái tương tự Sâm Ngọc Linh, thân củ có mắt đốt so le nhau, lá tròn không xẻ thùy hai mặt lá có lông, hạt có 1 chấm đen. Sâm có mùi thơm đặc trưng có vị đắng ngọt vị lưu lại rất lâu khi ăn. 

Tùy vào thổ nhưỡng, vùng miền địa lý mà ra nhiều hay ít đốt. Có cây sâm mọc củ, vài năm sau mới bắt đầu ra đốt, có cây mỗi năm củ mọc 2-3 đốt, có củ còn mọc thành nhiều nhánh, mỗi nhánh ra vài đốt một năm.

Hình dáng của quả Sâm có hình giống quả thận khi chín có màu hồng hay màu cam hoặc vàng. Quả Sâm cũng có nhiều tác dụng chữa bệnh.

Công dụng của Sâm Lai Châu

Theo một số tài liệu nghiên cứu, tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần. Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm.

Sâm Lai Châu còn giúp tăng nội tiết tố sinh dục, tăng tạo hồng cầu, điều hòa nhịp tim, bình ổn huyết áp, tăng trí lực, thị lực. Giúp người sử dụng thêm minh mẫn; chống lão hóa, chống oxy hóa, tăng cường dẻo dai, cải thiện sự suy nhược thần kinh.

Hỗ trợ rất tốt với thuốc chữa ung thư, tăng sức đề kháng phòng các căn bệnh nguy hiểm, giúp người bệnh giảm đau đáng kể trong quá trình điều trị…

Sâm Lai Châu còn là bài thuốc chăm sóc tuyệt vời cho da: Cung cấp độ ẩm, tái tạo tế bào da, loại bỏ da chết, giúp tăng cường lưu thông máu… Được các chuyên gia nghiên cứu và đông y đánh giá là Sâm quý và giá trị hàng đầu thế giới. Phương pháp bảo quản tốt nhất với sâm củ là ngâm trong mật ong để đảm bảo chất lượng.

 

sam lai chau 2

 

TẬP TRUNG ĐẦU TƯ

phát triển Sâm Lai Châu

Theo báo cáo hiện trạng, tiềm năng chính sách hỗ trợ và kế hoạch, định hướng phát triển Sâm Lai Châu, trải qua gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh Lai Châu đã thực hiện bảo tồn được ba vườn cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây giống được trên 21 nghìn cây giống đầu dòng.

Sâm Lai Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Tỉnh Lai Châu đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc thu hoạch, sơ chế và bảo quản Sâm Lai Châu, xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Sâm Lai Châu cho sản phẩm củ tươi trồng tại địa phương…

Sâm Lai Châu là cây bản địa chỉ phân bổ tự nhiên trên địa bàn tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Lai Châu trên 30 nghìn ha diện tích có độ cao, khí hậu phù hợp phát triển cây sâm, tập trung tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm, kiến thức bản địa trong việc canh tác nuôi trồng dược liệu, thị trường tiêu thụ của cây sâm rất tiềm năng…

Về chính sách, ngoài những chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ phát triển nuôi trồng khai thác dược liệu, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… của trung ương; tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển vùng dược liệu như: Chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu, hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

 
lai chau d
sam lai chau e

Theo kế hoạch đến năm 2030, 100% diện tích sâm tự nhiên của Lai Châu sẽ được quản lý bảo tồn. Tỉnh đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất giống với 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, phát triển vùng sâm tập trung trên 3 nghìn ha, xây dựng một nhà máy chế biến chuyên sâu… đến năm 2045, mở rộng vùng trồng lên trên 10 nghìn ha, xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm chế biến sâu khoảng 30% sản lượng sâm hàng năm…

Theo đó, quá trình phát triển sâm Lai Châu cần phải phù với xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, phát triển sâm phải gắn với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội khác liên quan; cần đưa chuỗi giá trị vào để sâm Lai Châu phát triển được bền vững.

Hiện Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Sâm Lai Châu và một số công ty, tập đoàn lớn chuyên về dược liệu của Việt Nam. Một số địa phương của Lai Châu cũng đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về đầu tư phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn.

dau tu

Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: "Cây Sâm Lai Châu được phát hiện vào năm 2013, trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh Lai Châu đã tổ chức liên kết được nhiều Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, bảo tồn, hình thành được vùng Sâm tại các huyện. Theo khảo sát thị trường dược liệu trong và ngoài nước nhu cầu đối với các sản phẩm từ Sâm là rất lớn trong đó có Sâm Lai Châu.

Tuy nhiên thực tiễn việc nhân giống, bảo tồn, phát triển cây Sâm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nguồn lực nội tại của tỉnh chưa đủ mạnh để huy động đầu tư, mở rộng vùng trồng để đưa sản phẩm Sâm Lai Châu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh Sâm Lai Châu vươn ra Việt Nam và quốc tế; gửi tới các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp trong và ngoài nước sự cam kết Tỉnh Lai Châu sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để các Doanh nghiệp phát triển Sâm Lai Châu, dược liệu thành công tại Lai Châu".

sao lao chau

Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí