Thạch An là huyện nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 39 km. Huyện có 5 dân tộc chính là: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh cùng sinh sống. Người dân huyện Thạch An chủ yếu sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp.
Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Thạch An là vùng đất phù hợp để thạch đen trưởng và đẩy mạnh hướng phát triển có thể đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hiện nay, huyện Thạch An có nhiều cơ sở sản xuất thạch đen chất lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các cơ sở không ngừng đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm tới khách hàng và đối tác trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm từ thạch đen được sản xuất và đóng gói theo quy trình hiện đại. Môt số sản phẩm thạch đen của các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao.
Cây thạch đen còn có tên gọi là cây Tiên Thảo hay Sương Sáo, là loại cây thân cỏ, chiều cao trung bình từ 40-60cm. Đây là giống cây trồng ngắn ngày, chỉ 4 tháng là có thể thu hoạch. Trồng thạch đen không quá khó, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật, chịu khó chăm bón là cây sẽ phát triển tốt.
Cây dễ trồng ở nhiều địa hình khác nhau, có thể trồng dưới ruộng, trên nương, bìa rừng hoặc xen canh với các cây trồng khác nhau. Cây có thể thu hái quanh năm, nhưng thời điểm thu hái tốt nhất là vào mùa mưa. Cây thạch được thu hoạch khi thân cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn, bà con sẽ cắt phần thân và lá thu về phơi nắng.
Thạch đen chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Theo đó, trong 100g thạch đen sẽ có các thành phần: 0.15g protein, 0.02g lipid, 69.95g Carbs, 0.12g tro, 29.77g nước, 1g chất xơ, 7mg canxi, 0.19mg sắt, 6mg magie, 6mg phốt pho, 65mg kali, 30mg natri, 0.03mg kẽm, 0.011mg, 0.132mg mangan. Bên cạnh đó, thạch đen còn chứa hàng loạt các vitamin như Vitamin A, B1, B6, C..
Theo Đông y, thạch đen có vị ngọt, tính mát và không có độc. Tác dụng của cây Thạch đen là giải thử và thanh nhiệt. Thường được dùng để chữa các bệnh như viêm khớp cấp, cảm mạo, đái tháo đường và huyết áp cao. Thạch đen được sử dụng ở dạng sắc là chủ yếu.
Ngoài ra thảo dược này còn được dùng để chế biến thạch ăn vào mùa hè. Người Cao Bằng nấu thạch đen bằng cách rửa sạch cành lá cây thạch khô rồi cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước bỏ bã. Sau đó, đổ bột gạo hoặc bột sắn vào nấu cho hỗn hợp sôi đến khi đặc quánh lại thì đổ vào chậu, để nguội. Để cho thạch mau đông và giòn, người ta có thể cho thêm ít nước tro (tro rơm rạ) vào cùng với nước thạch đã lọc và bột gạo (hoặc bột sắn) trước khi nấu sôi lại. Thạch đen mềm, dai giòn, màu đen bóng, ăn vào có vị thơm nhẹ, thanh mát của lá thạch đen.
Để cây đặc sản trở thành hàng hóa
Trước đây, cây thạch đen chỉ mọc dại hoặc được người dân trồng để ăn và không có người thu mua. Từ năm 2016, theo chủ trương mở rộng diện tích của huyện, thạch đen dần được trồng nhiều hơn. Đến nay, cây thạch đen đã và đang trở thành cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thạch An cho biết: Nhiều năm qua, huyện xác định thạch đen là cây trồng chủ lực, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm rất tốt. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng, sản xuất các sản phẩm từ thạch đen.
Theo thống kê của huyện Thạch An, diện tích trồng Thạch đen năm 2022 của toàn huyện là 496,96ha, trồng chủ yếu ở các xã Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng, sản lượng đạt 2.500 tấn, với giá trung bình khoảng 40.000đ/kg, giá trị kinh tế đem lại từ cây thạch đen khoảng 80 - 100 tỷ đồng/năm.
Tại xã Đức Thông, từ tháng 4/2022 đã triển khai mô hình “Trồng cây thạch đen nhằm hỗ trợ tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị” có 8 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi. Kinh phí thực hiện mô hình là 243,8 triệu đồng, trong đó: Ngân sách hỗ trợ là 100 triệu đồng, các hộ đóng góp 143,8 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp thu mua.
Dự án nhằm phát huy lợi thế của địa phương trong sản xuất cây thạch đen, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp hội viên nông dân nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất tạo sản phẩm có tính năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng bước áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tìm thị trường ổn định cho sản phẩm
Hiện nay, thị trường tiêu thụ Thạch đen chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Một số khác được doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân thu về để chế biến Thạch đen thành phẩm, đóng hộp, xuất cho một số tỉnh miền xuôi. Sản phẩm Thạch đen cũng đã được phân phối rộng khắp cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ CHí Minh.
Tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho các sản phẩm liên quan đến cây thạch đen. Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến cây thạch đen trên địa bàn có thể dán tem, nhãn hiệu lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm từ cây thạch đen.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Thạch An đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng tổ chức Lễ công bố văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Thạch đen Thạch An - Cao Bằng” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, đến nay đã có 09 chủ thể chế biến sản phẩm từ cây Thạch đen được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.
Năm 2023, huyện tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bằng nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ nhân dân về giống, phân bón để tăng diện tích trồng cây thạch đen.
Một trong những cơ sở sản xuất thạch đen nổi bật tại Thạch An có thể kể đến hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng).
Chị Nông Thị Lệ Thùy (Chủ Cơ sở Sản xuất thạch đen Lê Thùy) cho biết, năm 2015, chị nhận thấy món ăn từ thạch đen đang được người tiêu dùng ưa chuộng nên chị đã quyết định xây dựng một cơ sở sản xuất thạch đen chuyên nghiệp để phân phối tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Nhờ sản xuất thạch đen, kinh tế gia đình chị đã có bước phát triển rõ rệt, từ đó tiếp tục đầu tư và rộng quy mô gần 100m2, mang lại nguồn sản phẩm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn.
Để sản xuất số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, Cơ sở sản xuất Thạch đen Lê Thùy đã kết hợp các máy móc hiện đại với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để cho ra thành phẩm là thạch đen không dùng chất bảo quản, phẩm màu nhưng vẫn tạo được màu sắc, độ thơm ngon và dẻo dai. Nhờ áp dụng máy móc trong sản xuất thạch đen, năm 2022, Cơ sở sản xuất Thạch đen Lê Thùy đã bán ra thị trường khoảng 10 tấn thạch đen thành phẩm, doanh thu trừ chi phí đạt khoảng 100 triệu.
Năm 2020, sau tham gia chương trình OCOP, sản phẩm thạch đen được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận là sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Từ khi đăng ký tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm thạch đen Lê Thùy được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, tham gia các hội chợ, gian hàng quảng bá xúc tiến thương mại với tư cách là sản phẩm truyền thống chủ lực của địa phương.
Nhờ đó sản phẩm của cơ sở đã vượt khỏi phạm vi huyện, tỉnh, xác lập chỗ đứng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, thông qua hệ thống siêu thị, các đại lý phân phối rộng khắp, doanh số bán hàng của cơ sở đã tăng trưởng 25% so với trước khi tham gia Chương trình OCOP.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn