Thanh long ruột đỏ ghi dấu trên đất Hải Dương
18/11/2023 lúc 09:00 (GMT)

Thanh long ruột đỏ ghi dấu trên đất Hải Dương

 

Từ khi được trồng thử nghiệm đến khi nhân rộng mô hình, trái thanh long ruột đỏ trên đất Hải Dương đã mang lại thu nhập cho người dân hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

thanh long

Hải Dương là tỉnh có hơn 10 dân tộc thiểu số như Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơ me, Mường, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu.... sinh sống, chủ yếu tại Thành phố Chí Linh và huyện Kinh Môn. Hiện toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 200ha thanh long, được trồng chủ yếu tại 2 địa phương này. Những năm qua, cây thanh long đã trở thành một trong những loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là cây thanh long ruột đỏ.

Thanh long ruột đỏ còn có tên gọi khác là thanh long nữ hoàng, có vỏ dày và kích thước nhỏ hơn thanh long ruột trắng. Cây thanh long ruột đỏ thuộc họ xương rồng. Thân chia thành bao khía mọng nước. Trụ giữa thân cứng như gỗ. Cây mọc theo bụi khi trồng thường có trụ hoặc giàn đỡ. Hoa cây Thanh Long ruột đỏ màu trắng. Quả có vỏ màu hồng và có chút lá ngắn màu xanh, ruột đỏ hạt nhỏ giống hạt vừng đen.

thanh long

Cây thanh long ruột đỏ có khả năng chịu hạn khá tốt, phù hợp với khí hậu và đồng đất tại nhiều nơi trong đó có Hải Dương. Dù có kích thước nhỏ nhưng hàm lượng dinh dưỡng của thanh long ruột đỏ được đánh giá cao hơn thanh long trắng. Giống thanh long ruột đỏ có chứa Lycopene, là một chất chống oxy hoá thiên nhiên, có thể chống ung thư, bệnh tim và làm giảm huyết áp. 

Với các chỉ số Vitamin C12 - 6, Protid 1,30 - 1,08, Vitamin A, Glucid, Lipit thì thanh long ruột đỏ mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao. Trái thanh long ruột đỏ cũng được chế biến thành nhiều món ăn cũng như đồ uống rất hấp dẫn.

Thanh long ruột đỏ thường được thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu. Ngày nay, dưới sự phát triển của khoa học, kỹ thuật người ta có thể trồng thanh long ruột đỏ cho ra quả quanh năm.

thanh long 1
thanhlong
tahnh long 3
thanh long 4
thanh long 5

 

thanh long

 

Được đưa vào trồng ở vùng đất rừng Chí Linh (Hải Dương), cây thanh long ruột đỏ đã từng bước khẳng định thành công khi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gần đây, nhiều người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng đất đồi khô cằn thành những vườn thanh long xanh mướt.

Từ bước đầu thử nghiệm

Năm 2010, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh được thử nghiệm triển khai mô hình "Sản xuất thử thanh long ruột đỏ". Mỗi hộ nông dân đăng ký tham gia được giảm 50% tiền giống.

Trong 2 năm đầu thực hiện mô hình năng suất còn thấp do cây thanh long chưa phát triển. Năm 2012, cây thanh long đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với 300 trụ thanh long cho thu hoạch sản lượng đạt hơn 1 tấn, trừ chi phí, người dân thu lãi từ 40 - 45 triệu đồng. Chất lượng quả thơm, ngọt, trọng lượng bình quân đạt 700-800 gam/quả, tỷ lệ đậu quả đạt 75-80%. Thanh long ruột đỏ loại đẹp đang được bán với giá 50 nghìn đồng/kg, loại vừa 40 nghìn đồng/kg (giá gấp đôi so với thanh long ruột trắng).

thanh long ruot do hai duong

Từ năm 2013, Dự án được tiếp tục thực hiện với mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Tân Dân, Bắc An, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Hoàng Tân (Chí Linh) với tổng diện tích 8 ha. Thanh long ruột đỏ đang được bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg, cao hơn thanh long ruột trắng từ 10.000-15.000 đồng/kg, thương lái đến tận vườn thu mua

Tính đến năm 2015, với giá bán trung bình từ 25-30 ngàn đồng/kg. Năng suất/ha/năm của giống Thanh long ruột đỏ năm thứ 3 là 10-11 tấn/ha. Sau khi từ chi phí, Thanh long ruột đỏ sau năm thứ 3 đầu tư đạt 50.000 triệu đồng/ha/năm.

Đến nhân rộng mô hình

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ tại thị xã Chí Linh, năm 2015, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình với diện tích 2 ha tại xã Bến Tắm và Bắc An, quy mô 2.000 trụ, 8.000 hom giống.

Mô hình thử nghiệm đã cho hiệu quả cao. Hiện ở Bến Tắm, thanh long ruột đỏ đã trở thành cây trồng chủ lực Diện tích trồng thanh long ngày càng được mở rộng và mang lại giá trị kinh tế cao, nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng/ha. Hiện Bến Tắm có khoảng 20ha trồng thanh long.

thanh long 4
thanh long 5

Khác với thanh long trồng ở các địa phương khác, thanh long Bến Tắm được trồng bằng kỹ thuật mới, leo thành giàn và ứng dụng hệ thống tưới nước tự động. Một số hộ đã lắp thêm bóng đèn để kích thanh long ra hoa trái vụ. Phương pháp trồng giàn giúp tận dụng tối đa diện tích sản xuất, thuận lợi trong chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch quả và tiết kiệm nguồn nước tưới. Năng suất thanh long đạt từ 35-40 tấn/ha, tăng từ 1-1,5 lần so với cách trồng trên trụ cũ, thu nhập của người dân cũng tăng cao.

thanh long ben tam
          

Tháng 10/2022, sản phẩm thanh long ruột đỏ Bến Tắm đã được tỉnh Hải Dương cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

          
xay dung gia tri

 

thanh long

Từ hiệu quả của mô hình trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ, đến nay toàn thành phố Chí Linh  (ngày 1/3/2019, huyện Chí Linh chính thức trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh Hải Dương) đã phát triển và nhân rộng lên trên 30 ha, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của thị xã và phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Đầu tháng 11/2023, thành phố Chí Linh đã tổ chức tổng kết mô hình điểm "Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ thanh long an toàn" được triển khai từ tháng 5/2023. Kết quả cho thấy, trong số 20 hộ tham gia mô hình điểm có 12 hộ thu lãi 15 triệu đồng/sào/năm, 5 hộ lãi từ 10-15 triệu đồng/sào/năm, còn lại là thu nhập dưới 10 triệu đồng.

thanh long
thanh long 7

Các hộ được tập huấn, trang bị kiến thức sản xuất, trồng, chăm sóc thanh long theo hướng an toàn nên đã thay đổi đáng kể trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng. Các hộ tham gia được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói, hướng dẫn ghi tem nên thuận tiện trong việc tiêu thụ.

Với mức giá bán từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg, người trồng Thanh Long trên địa bàn thành phố Chí Linh thu lãi gần 200 triệu đồng/ha.

Hiện thanh long ruột đỏ Hải Dương được trồng chủ yếu ở thành phố Chí Linh và huyện Kinh Môn với diện tích khoảng 50ha, cung cấp cho thị trường trong nước khoảng hơn 100 tấn một năm.

thanh long 1
thanh long 2
nâng gia tri

Là 1 trong 2 vùng trồng thanh long của Hải Dương, xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn từ lâu đã nổi tiếng là vựa sản xuất thanh long lớn của tỉnh. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên diện tích thanh long ở đây không ngừng được mở rộng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp canh tác nên thanh long ruột đỏ của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng nhanh chóng tạo được thương hiệu trên thị trường. Hiện thanh long ruột đỏ của HTX đã được dán tem truy xuất nguồn gốc và có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị, sàn giao dịch điện tử trong nước.

Năm 2020, thanh long của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng được tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng trong nông nghiệp Việt Nam.

nong san bach dang

 

Năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã lấy mẫu quả thanh long tại đây để kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy thanh long ở đây bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu khi gần 800 hoạt chất đều ở ngưỡng cho phép. Từ kết quả đó, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3 mã vùng trồng cho 10 ha thanh long ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng xuất khẩu đi Australia, Mỹ và Trung Quốc. Việc được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu là tín hiệu vui cho người trồng thanh long Hải Dương, mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cho loại cây ăn quả này trong thời gian tới.

Tính đến nay, HTX có 60 ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó gần 12 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mùa vụ năm 2022, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thanh long ước đạt 50 tấn/ha, tăng khoảng 2 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, HTX đã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã với diện tích khoảng 40 ha.

nong san bach dang

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, trong những năm qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, gắn mã truy xuất nguồn gốc và hình thành mô hình chuỗi liên kết…

Hiện Hải Dương có khoảng 125.000 ha trồng lúa, sản lượng 750.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 60% là lúa gạo chất lượng cao. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh trên 21.000 ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm, với các loại quả như vải thiều, nhãn, ổi, na, thanh long, cam…

Hải Dương hiện có 8 nhóm nông sản chủ lực và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.

Thời gian tới, Sở Công Thương Hải Dương sẽ chú trọng xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế xuất khẩu; các mặt hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội và môi trường…

thanh long

 

          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí