Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng chè nổi tiếng Tân Cương, nhiều thế hệ trong gia đình gắn bó với cây chè, bà Đào Thanh Hảo cùng chồng ngay từ buổi đầu đã chăm chỉ bạt đồi trồng sắn, chè. Tuy làm lụng vất vả nhưng cái đói vẫn theo đuổi cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Sau đó, bà Hảo chọn cách vào xóm thu mua chè của người dân rồi đem ra chợ bán lấy lãi.
Đến năm 1996, thấy khâu dịch vụ chế biến mang lại một phần chênh lệch đáng kể, vợ chồng bà bỏ việc chạy chợ, dành tiền vốn mua thêm máy móc, thiết bị chế biến chè. Vốn có nền tảng kiến thức về sao sấy, chế biến chè nên chè của vợ chồng bà làm ra được nhiều người ưa chuộng, vào tận nhà thu mua. Thậm chí nhiều người ở xa còn còn lặn lội đến tận nơi để mua dù chỉ 1, 2 lạng chè. Nhờ đó, kinh tế của gia đình bà dần khá lên.
Đến đầu những năm 2000, phong trào trồng chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nở rộ, các thương lái vào tận vườn thu mua chè tươi của người trồng. Tuy nhiên, nhiều thương lái chỉ mua vào thời điểm giá chè thành phẩm trên thị trường đang lên cao, khi chè mất giá liền quay lưng lại, khiến người trồng chè bị thiệt hại nhiều.
Ngoài ra, thu nhập của người dân làm chè trên địa bàn cũng chưa cao do cách làm riêng lẻ, kỹ thuật chế biến không đồng đều, thị trường lại không ổn định. Đau đáu nỗi niềm đó, năm 2007, bà Đào Thanh Hảo đứng ra vận động một số chị em trong xóm thành lập tổ hợp tác để liên kết sản xuất chè với mong muốn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường.
Đến năm 2016, dưới sự vận động của chính quyền địa phương, cũng như sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, tổ hợp tác của bà Hảo đã phát triển thành HTX Chè Hảo Đạt với 8 thành viên, quy mô vùng nguyên liệu 52.000 m2.
HTX ký kết hợp đồng với hơn 50 hộ trong vùng cung cấp chè tươi cho HTX. Các hộ trong vùng khi ký kết hợp đồng với HTX đều được HTX hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón… không lãi.
Cán bộ HTX còn thường xuyên đến từng hộ gia đình giúp người dân kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật thu hái và chế biến chè. Bằng cách này, người nông dân có sản phẩm chè búp tươi an toàn, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm của HTX.
Đến nay, HTX Hảo Đạt đã có trên 30 thành viên với vùng chè nguyên liệu hơn 10 ha. Doanh thu hàng năm của Hợp tác xã tăng trưởng đều đặn, trung bình đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 – 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6,0 triệu đồng/ người/ tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Nhờ đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chè sạch, không sử dụng chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX đã cung cấp ra thị trường các loại chè sạch, chè an toàn. Các dòng sản phẩm chè Hảo Đạt đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.
Các dòng sản phẩm chính của HTX là trà Đinh, chè tôm nõn, chè móc câu, chè Bát Tiên… có giá bán dao động từ 250.000 đồng/kg đến 2.500.000 đồng/kg.
Trong đó, sản phẩm chè tôm nõn của Hợp tác xã chè Hảo Đạt được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia; 02 sản phẩm chè Móc câu, chè Đinh được xếp hạng đạt OCOP 4 sao.
Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu chè đầu vào của Hợp tác xã luôn đạt chất lượng cao, cũng như các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Đào Thanh Hảo Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt chia sẻ, từ 5 năm về trước Hợp tác xã đã ý thức được việc đưa khoa học công nghệ vào vườn chè để sản xuất, thí dụ như ứng dụng tưới tự động, tiết kiệm cho cây chè, vừa tiết kiệm nước, vừa giúp cây sinh trưởng tốt hơn, vừa giảm công lao động… Đến việc sao chè cũng đưa máy móc vào công đoạn này để bán tự động, chất lượng không ảnh hưởng mà số lượng được nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Theo đó, HTX đã đầu hơn 4 tỷ đồng cho máy sao chè bằng ga của Đài Loan; máy đóng gói hút chân không…
HTX cũng đầu tư nâng cấp hai nhà xưởng nâng tổng diện tích lên trên 2.000m, dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70%. Công đoạn sản xuất với các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.
Công suất sản xuất đạt từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã chế biến được từ 1.350 đến 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 250 đến 300 tấn chè búp khô.
Tất cả các sản phẩm chè Hảo Đạt đều có mã QR và việc quản lý chất lượng sản phẩm chè cũng được ứng dụng chuyển đổi số.
Ngoài ra, HTX Chè Hảo Đạt còn lên kế hoạch lâu dài trong việc giúp đỡ các hộ dân trong xã về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến chè đặc sản,… góp một phần phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương góp phần ổn định an ninh, kinh tế và chính trị trên địa bàn hoạt động.
Ngoài việc trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm ngay tại nơi sản xuất, giới thiệu, quảng bá trên các trang website, HTX Chè Hảo Đạt còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đến các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Các dòng sản phẩm chè Hảo Đạt đã khẳng định uy tín thương hiệu ở thị trường trong nước và một số nước như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),… bởi chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
HTX Hảo Đạt đã áp dụng việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, ngay cả khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, doanh thu của Hợp tác xã không bị ảnh hưởng mà thực tế còn tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thông qua chuyển đổi số sản phẩm giúp HTX Chè Hảo Đạt có những góc nhìn và tiếp cận rộng rãi hơn với khách hàng thông qua không gian mạng.
Với mong muốn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hơn nữa, HTX Chè Hảo Đạt rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ngành có liên quan, đặc biệt là sự đồng hành giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh Thái Nguyên trong việc tư vấn, định hướng giúp HTX Chè Hảo Đạt đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Với tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng mà còn tạo thêm giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thăm quan trải nghiệm về truyền thống, văn hóa, đặc sản của vùng miền, năm 2019, HTX Hảo Đạt chính thức triển khai làm du lịch.
Khi đó, hoạt động du lịch mới chỉ gói gọn trong không gian văn hóa trà với căn nhà gỗ năm gian, được bố trí những bộ bàn ghế tràng kỷ dành cho khách đến thăm quan mua sắm. Thêm không gian trải nghiệm sao chè truyền thống, những bộ trang phục dân tộc và một số đồ dùng vật dụng để du khách trải nghiệm cùng bà con… Đến năm 2021, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt tiến hành mở rộng quy mô sản xuất và đưa chương trình du lịch sinh thái vào hoạt động như: Đưa khách hàng đến trải nghiệm không gian thanh bình của vùng chè đặc sản Tân Cương, tại đây ngoài được tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè, thăm quan quy trình trồng và chăm sóc chè, thăm quan đồi chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, khách du lịch được tự tay hái chè, sao chè bằng tay, pha trà, đóng chè.., thưởng thức những chén trà xanh sóng sánh với mùi thơm dịu nhẹ, vị đắng chát nhưng ngọt hậu của vùng chè đặc sản Tân Cương. Nhân viên của HTX được tham gia tập huấn về hướng dẫn viên tại điểm nên rất tự tin giới thiệu và hướng dẫn cho du khách đi tham quan các hạng mục tại điểm du lịch. Thậm chí có những nhân viên còn có thể nói được ngoại ngữ khá tốt để giới thiệu cho khách quốc tế khi đến thăm. Đến nay, Hợp tác xã đã ngày một hoàn thiện và tạo được những dấu ấn với nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Lựa chọn mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là cách làm sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ đó giải quyết thêm nhiều việc làm cho thành viên và người lao động của các Hợp tác xã; đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp, điều đó không chỉ khẳng định thương hiệu của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt mà còn mở ra hướng đi mới cho bà con vùng chè đặc sản Tân Cương. Với những sản phẩm độc đáo, chất lượng, qua đó để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, giúp người nông dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh doanh dịch vụ, tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả bền vững và cũng là góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của thành phố Thái Nguyên cũng như toàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Trong chuyến thăm vùng chè tỉnh Thái Nguyên hồi tháng 1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham quan vùng nguyên liệu và khu chế biến chè, cùng trải nghiệm hái chè với các công nhân của Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao mô hình du lịch gắn với nông nghiệp mà Hợp tác xã đang triển khai góp phần phát huy được thế mạnh của địa phương.
Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Thanh Hải