Thay đổi đột phá
May Đức Giang đã có gần 20 năm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, do tổ chức Quacert đánh giá và cấp chứng chỉ; hệ thống quản lý ISO 14000, SA 8000. Bắt đầu từ năm 2011, Công ty bắt đầu triển khai 5S và tháng 8/2012, Công ty chính thức triển khai thêm LEAN trong toàn hệ thống.
Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng LEAN, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty cho biết, khó nhất là công tác tư tưởng, đào tạo cho người lao động, làm sao để từ cán bộ đến công nhân lao động phải nhận thức được cần sự thay đổi. Năng suất nhiều năm nay đã ở mức cao nhất rồi, muốn cao hơn phải có sự thay đổi đột phá. Thế là một kế hoạch chi tiết được vạch ra với lộ trình rõ ràng, nhằm thay đổi tư duy của tất cả CBCNV.
Đầu tiên, cán bộ phụ trách đi tới từng phân xưởng, triệu tập toàn bộ công nhân, chiếu video clip phân tích rõ tại sao lại phải làm LEAN. LEAN góp phần tăng năng suất và tăng thu nhập, tạo môi trường thông thoáng gọn gàng ngăn nắp, tạo tinh thần thoải mái cho người làm việc. Thay vì trước kia cứ sản xuất bừa bãi thì nay không có gì thừa.
Sau đó tiếp tục quay clip, bấm giờ của người công nhân trên chuyền, cụ thể như may một mangsec hết bao nhiêu giây. Tính thêm thời gian hao phí của người lao động sẽ ra số giờ để máy 1 mangsec, tính được năng suất trong 1 ca sản xuất, nhân ra được bao nhiêu tiền. Trong khi đó lương thực tế chỉ được bao nhiêu. Phần chênh lệch chính là những dư thừa trong sản xuất do thiếu gọn gàng, ngăn nắp. Qua đó giúp người lao động có cái nhìn chuẩn hơn, là minh chứng tốt nhất để họ ý thức được sự cần thiết phải thay đổi.
Công nhân tập thể dục.Dòng chảy liên tục
Kể về những thay đổi do LEAN mang lại, ông Tuấn ví LEAN như một dòng chảy liên tục, nó như giao thông vậy, nếu chỗ nào bị dồn lại một chút là cả chuyền bị ách lại, người lao động buộc phải cuốn theo guồng. Trước kia làm theo dây chuyền đẩy, người đầu cứ làm, có khi tồn đọng cả vài trăm chi tiết. Nhưng nay Công ty thực hiện LEAN 5, nghĩa là mỗi vị trí chỉ được phép giữ tối đa 5 chi tiết. Hàng làm đến đâu chuyển đi đến đó, liên tục lưu thông, công nhân không có thời gian nhàn rỗi đi lại, nhắn tin, nói chuyện, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn vì liên tục bị kiểm soát.
Trong chuyền sản xuất LEAN luôn có bộ phận phân tích, đo năng lực của từng người, nhằm cân bằng chuyền, người nhanh đỡ cho người chậm sao cho hàng chạy liên tục. Trong một đường chuyền lại có 2 công nhân “thợ nhảy”, nghĩa là công nhân có trình độ cao, chỗ nào tắc thì nhảy vào hỗ trợ. Tất cả các thông số liên quan trên chuyền đều hiện trên bảng điện tử và bộ phận giám sát liên tục theo dõi, vị trí nào trên chuyền chưa tốt sẽ được hỗ trợ ngay khi phát hiện. Ngược lại, nếu máy hỏng, hoặc thiếu hàng, người công nhân chỉ cần bấm nút báo ngay trên đầu máy, bộ phận kỹ thuật, giám sát sẽ hỗ trợ chứ không cần đứng lên đi gọi như trước kia, giảm thời gian nhàn rỗi trên chuyền. Ý thức người lao động nhờ đó cũng được tăng lên rất nhiều so với trước, mọi thứ trở nên nhuần nhuyễn và nhịp nhàng hơn.
Tinh gọn để tăng sức cạnh tranh
Khi được hỏi, hiệu quả sau khi áp dụng LEAN, ông Tuấn đưa ra một ví dụ rất cụ thể, với một mã hàng lặp lại, LEAN đã giúp Công ty ông tăng 30% năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Công ty vẫn đảm bảo được đời sống cho người lao động ở mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Có những công nhân năng suất lao động cao có thể đạt hơn 8 triệu đồng/tháng.
Chị Vũ Thị Hải Yến – quản lý dây chuyền 9, tổ jacket, phân xưởng 4 cho biết, khi chưa áp dụng LEAN, người lao động chỉ biết cố gắng làm thật nhanh thật tốt, nhưng vẫn lôi thôi. Với một mã hàng để vét được chuyền phải mất vài ngày, khi rải chuyền mã hàng mới cũng phải mất 1-2 ngày mới ổn định chuyền, nhưng khi làm 5S, rồi LEAN, ý thức người lao động được nâng lên rõ rệt, tự nhận thức việc phải sắp xếp lại mặt bằng sản xuất các nguyên vật liệu, phụ liệu cho sạch sẽ, thoáng mát, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy. Mỗi người chỉ giữ 5 sản phẩm nên hạn chế sai hỏng hàng loạt, ra chuyền nhanh, chủ động giao hàng. Trong ngày có thể ra chuyền được 1-2 sản phẩm, trong khi trước phải 2-3 ngày sau mới ra được một sản phẩm. Chị Yến cũng cho biết thêm, thời gian đầu áp dụng sợ nhất là công nhân không theo kịp, nhưng đến lúc áp dụng thì mọi chuyện đều ổn, thậm chí công nhân còn làm rất tốt. Từ ngày áp dụng LEAN, thời gian rút ngắn, hầu như không phải giãn ca, làm thêm ngày chủ nhật, thu nhập tăng. Đó là điều mà những người lao động như chị cảm nhận rõ nét nhất.
Rời May Đức Giang, lướt qua các khu xưởng, đâu đâu cũng gọn gàng, ngăn nắp, niềm vui lấp lánh trên khuôn mặt của những người thợ khi kinh tế khó khăn vẫn có việc làm và thu nhập ổn định, tôi càng thấm thía bài học của sự thay đổi: Thay đổi để tạo sự đột phá.