Mitsubishi Materials sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Masan High-Tech Materials (MSR)

Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) vừa cho biết sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Masan High-Tech Materials (mã cổ phiếu MSR) – đơn vị phụ trách mảng khai khoáng trong hệ sinh thái của Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN).
Masan High-tech Materials
Masan High-Tech Materials là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp vật liệu vonfram, florit và bismut hàng đầu trên thế giới.

Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) vừa cho biết sẽ bán ra toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu MSR, tương đương 10% vốn, của Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Mitsubishi Materials Corporation hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Masan High-Tech Materials.

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 30/5 - 10/6/2024 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Sau khi giao dịch trên hoàn tất, Mitsubishi Materials Corporation sẽ không còn là cổ đông tại Masan High-Tech Materials.

Trên thị trường, kết phiên 24/5, thị giá cổ phiểu MSR đạt 17.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính Mitsubishi Materials Corporation có thể thu về 1.903 tỷ đồng.

Mitsubishi Materials Corporation là doanh nghiệp cốt lõi trong hệ sinh thái của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), hoạt động chủ yếu lĩnh vực sản xuất và cung cấp vật liệu cơ bản, ngoài ra còn tham gia vào lĩnh vực tái chế và năng lượng.

Trong khi đó, Masan High-Tech Materials là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp vật liệu vonfram, florit và bismut hàng đầu trên thế giới. Trong đó, sản phẩm vonfram của công ty đang được sử dụng trong các ngành công nghiệp như điện tử, hóa chất, ô tô, hàng không vũ trụ,... với khách hàng lớn đến từ Đức, Canada, Trung Quốc…

Masan High-Tech Materials là đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN). Hiện Công ty Cổ phần Tầm nhìn Masan - công ty con do Tập đoàn Masan nắm 99,9% vốn - đang chi phối 86,39% vốn của Masan High-Tech Materials.

Vào ngày 14/5 vừa qua, Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Corporation đã đạt thoả thuận khung.

Cụ thể, Mitsubishi Materials Corporation dự kiến mua lại 100% vốn tại H.C. Starck Holding (Đức) từ Masan High-Tech Materials. Đồng thời, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram.

Masan High-Tech Materials đầu tư vào H.C. Starck Holding năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững.

Cũng trong năm đó, Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Corporation đã ký kết hợp tác thiết lập liên minh chuỗi giá trị vonfram toàn cầu.

Giá cổ phiếu MSR Masan High-tech Materials
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSR của Masan High-tech Materials trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Masan (MSN): Chuỗi WinCommerce sẽ có 4.000 cửa hàng vào cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, do điều kiện pháp lý tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram để Masan High-Tech Materials hiện thực hóa chiến lược tái chế tại Việt Nam, do đó công ty sẽ chuyển nhượng cổ phần tại HC. Starck Holding cho Mitsubishi Materials Corporation để tập trung vào vận hành các mảng kinh doanh trong nước.

Đối với Mitsubishi Materials Corporation, thương vụ trên giúp phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị vonfram chế biện cận sâu và chế biến sâu. Thông qua việc mua lại H.C. Starck Holding, Mitsubishi Materials Corporation có thể tiếp cận với các cơ sở sản xuất của H.C. Starck Holding tại châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc cũng như nền tảng tái chế phế liệu vonfram toàn diện với 90 bằng sáng chế trên toàn thế giới và 53 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn đăng ký.

Một số tổ chức tài chính hiện đánh giá, loạt động thái gần đây cho thấy Tập đoàn Masan - công ty mẹ của Masan High-Tech Materials đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, nhằm dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.

Duy Quang