Sơn La là tỉnh thiên về nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện gồm 1 thành phố và 11 huyện đều nằm trong danh sách có các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo Quyết định 861/QĐ-CP của Chính phủ. Hàng năm, Sơn La vẫn chưa tự cân đối được ngân sách, phải nhờ nguồn vốn từ ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với các xã theo Quyết định 861/QĐ-CP.
Với quyết tâm vươn lên, phấn đấu trở thành tỉnh tự cân đối được ngân sách, có khả năng sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ đồng bào khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; và nhận thức tầm quan trọng của ngành công nghiệp, thương mại trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thời gian qua, Sơn La đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện tại, tỉnh Sơn La có 2 khu công nghiệp (KCN) bao gồm khu công nghiệp Mai Sơn và khu công nghiệp Vân Hồ. Khu công nghiệp Mai Sơn nằm trên địa bàn xã Mường Bon và Mường Bằng, huyện Mai Sơn. Hai xã này đều thuộc danh sách các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-CP của Chính phủ. Khu công nghiệp Mai Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 với tổng diện tích 150 ha chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô 63,7 ha, giai đoạn 2 có quy mô 86,3 ha. Diện tích đất KCN Mai Sơn giai đoạn 1 có tỷ lệ lấp đầy đạt 71%. Mục tiêu là trung tâm phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh, là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Hiện nay KCN Mai Sơn đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào hoạt động. Có thể kể là Chi nhánh Tổng Công ty gas Petrolimex, với dự án sang chiết gas LPG loại bình 12 kg và 48 kg nằm trên diện tích 9.000 m2. Bình quân mỗi năm Chi nhánh cung cấp khoảng trên dưới 100.000 bình gas cho Chi nhánh Xăng dầu Sơn La và Công ty Xăng dầu Điện Biên, tổng doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng.
Một điểm nhấn trong KCN Mai Sơn là dự án của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La. Dự án có công suất 200 tấn sản phẩm tinh bột và 50 tấn sản phẩm bã sắn, sử dụng 800 tấn sắn tươi/ngày. Đối với cây sắn, Sơn La có định hướng quy hoạch đến năm 2020 diện tích 25.500 ha, sản lượng đạt 637 nghìn tấn sắn củ tươi nhưng thực tế qua khảo sát hiện có 31 nghìn ha sắn. Hiện Công ty có vùng nguyên liệu chính tại các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp với sản lượng 200.000 tấn củ tươi/năm. Đây đều là những vùng bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, có nhà máy chế biến sắn thì đời sống bà con nâng lên rõ rệt, hơn nữa, làm giàu từ cây sắn còn giúp bà con không còn phải du canh, du cư, đốt rừng làm nương. Để hỗ trợ bà con nông dân trồng sắn hiệu quả hơn, Công ty đã cung cấp miễn phí hàng chục nghìn hom sắn giống mới cho các hộ dân và ký thỏa thuận bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Công ty cũng đã mời các chuyên gia nông nghiệp tập huấn kỹ thuật, đồng thời triển khai trồng thử nghiệm giống sắn mới tại Sơn La, cho kết quả khả quan: năng suất đạt 38 tấn/ha đối với vùng đất bằng và 15 tấn/ha đối với vùng đồi núi (hiện bình quân đạt 8-10 tấn/ha),
Tại Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc bộ năm 2020, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, 14 tỉnh ở vùng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đây còn là vùng quan trọng về an ninh năng lượng, là vùng liên quan đến an ninh nguồn nước, bởi toàn bộ tuyến hệ thống lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đều lệ thuộc vào hệ thống lưu vực ở đây. Trong tái cơ cấu kinh tế cần định rõ hướng đi để khai thác tối đa tiềm năng. Đó là kinh tế rừng, lâm nghiệp; sản phẩm Ocop có lợi thế; phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc. Khi nói tới điển hình tái cơ cấu thành công, đặc biệt là trong chuyển đổi cây trồng ở Sơn La, nguyên Bộ trưởng gọi đây là "hiện tượng Sơn La": Sơn La từ một tỉnh đi bán sắn, bán ngô nhưng chỉ sau mấy năm đã trở thành trung tâm chế biến, sản xuất nông sản lớn nhất Tây Bắc; cứ đà này, một thời gian ngắn nữa, Sơn La có thể xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, trở thành tỉnh giàu có, nông dân giàu có.
Với KCN Mai Sơn giai đoạn 2, sẽ mở rộng thêm 86,3 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 62,77 ha. Hiện đã có nhà đầu tư đăng ký diện tích đất 50 ha và được tỉnh Sơn La đồng ý cho khảo sát, bổ sung quy hoạch. Hiện các nhà đầu tư đã quan tâm, tiến hành khảo sát và đều có cam kết ứng trước tiền giải phóng mặt bằng, tự bỏ vốn san mặt bằng để đầu tư vào KCN. Tháng 4/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua “Đề án quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030”.
Theo đó, tỉnh sẽ mở rộng KCN Mai Sơn lên 312 ha và thành lập mới Khu công nghiệp Vân Hồ, quy mô 240 ha thuộc bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ. Còn KCN Vân Hồ đã có CTCP Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng đề nghị được tỉnh Sơn La chấp thuận cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà máy cung cấp nước sạch. Khu công nghiệp Vân Hồ có tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng để xây dựng toàn bộ hạ tầng trong khu công nghiệp. Nhà nước dự kiến hỗ trợ gần 900 tỷ đồng đầu tư tuyến đường giao thông kết nối quốc lộ 6 vào khu công nghiệp và bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Khu công nghiệp Vân Hồ được xây dựng với đa dạng ngành nghề có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước như: sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử, chế biến dược liệu, nông-lâm sản xuất khẩu bằng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời cũng phát triển với đầy đủ chức năng bao gồm: các khu xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật hành chính, dịch vụ, khu dân cư và hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe...
Với những ngành nghề kể trên ở cả KCN Mai Sơn giai đoạnI, giai đoạn II và KCN Vân Hồ, có thể thấy, các dự án sẽ sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu là những thế mạnh ở những vùng đất có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sự phát triển của các KCN mở ra những cơ hội về việc làm, thị trường cho bà con.