Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tình hình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới đang được đẩy mạnh triển khai.
Phiên đàm phán lần thứ 17 FTA Việt Nam - EFTA sẽ diễn ra tháng 11 tới
Với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (FTA Việt Nam - EFTA), cho đến nay, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn và cấp kỹ thuật.
Trên cơ sở lời mời của Thụy Sỹ, vào ngày 10 và 11/5/2023, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp cấp cao giữa Việt Nam với Bộ Kinh tế Thụy Sỹ (SECO) và Ban Thư ký EFTA tại Genève, Thụy Sỹ để trao đổi về định hướng đàm phán Hiệp định này trong thời gian tới.
Buổi làm việc đã đạt được kết quả tích cực với việc hai bên thống nhất được cách tiếp cận và định hướng lớn để giải quyết thỏa đáng tất cả các vấn đề, vướng mắc chính trong đàm phán hiện nay. Các định hướng này bảo đảm sự cân bằng về lợi ích giữa hai bên, đáp ứng được các lợi ích thực chất của ta.
Tiếp sau đó, hai bên cũng đã tổ chức phiên họp trực tuyến cấp Trưởng đoàn vào ngày 19/6/2023 để thảo luận về việc triển khai cụ thể các nội dung tại buổi làm việc nêu trên. Trong thời gian tới, hai bên sẽ nối lại các cuộc đàm phán để sớm kết thúc việc đàm phán FTA này.
Dự kiến, phiên đàm phán lần thứ 17 FTA Việt Nam - EFTA sẽ diễn ra vào tháng 11/2023 tại Genève, Thụy Sỹ.
VIFTA - Mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường Trung Đông
Với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA), ngày 02/4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA giữa hai nước sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Ngày 25/7/2023, tại Văn phòng Thủ tướng Israel, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel ký kết Hiệp định VIFTA.
Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.
Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại thị trường Tây Á. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang thị trường Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong Hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai Bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Sớm kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và UAE
Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam (FTA) và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), ngày 06 tháng 4 năm 2023, trong khuôn khổ chương trình đoàn công tác thăm và làm việc tại UAE, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc tiến tới khởi động đàm phán Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE.
Trên cơ sở thống nhất giữa hai bên, Phiên thảo luận đầu tiên về CEPA giữa Việt Nam và UAE đã được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 7/6/2023. Hai bên đã thống nhất Điều khoản tham chiếu (TOR) xác định phạm vi của CEPA, trao đổi định hướng thảo luận chung cũng như định hướng thảo luận trong các lĩnh vực cụ thể, bao gồm các nội dung như: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, thương mại điện tử, hợp tác hải quan, phòng vệ thương mại...
Tại Văn bản ngày 20/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã cho phép chính thức khởi động đàm phán CEPA với UAE, đồng thời giao Bộ Công Thương phối hợp với Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế thành lập Đoàn đàm phán CEPA với UAE. Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1542/QĐ-BCT ngày 26/6/2023 chính thức thành lập Đoàn đàm phán CEPA với UAE.
Hiện hai bên đang tích cực thảo luận, đàm phán để có thể sớm kết thúc được đàm phán Hiệp định này theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo hai nước.
Về việc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, trên cơ sở đơn xin gia nhập của UK, vào ngày 02/6/2021, các Bộ trưởng CPTPP đã thông qua Quyết định khởi động quá trình đàm phán gia nhập với Vương quốc Anh. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước CPTPP trong quá trình đàm phán với Vương quốc Anh để bảo đảm duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Trong quá trình này, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã nỗ lực rất lớn để hoàn tất quá trình đàm phán với kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam.
Ngày 16/7/2023, trong khuôn khổ Phiên họp Hội đồng Hiệp định CPTPP cấp Bộ trưởng lần thứ 7 tại New Zealand, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã diễn ra lễ ký kết văn kiện gia nhập Hiệp định của Vương quốc Anh, qua đó giúp Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định. Về phía Việt Nam, được sự phê duyệt và ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia ký kết văn kiện.
Đối với các Hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).
Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định AANZFTA hướng tới mục tiêu cùng các nước ASEAN và Australia, New Zealand cùng ký Nghị định thư trong năm 2023.
Bên cạnh đó, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp triển khai nhiều sự kiện, hoạt động khác trong khuôn khổ ASEAN. Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tham dự 02 phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada theo hình thức trực tuyến vào tháng 4 và tháng 6/2023. Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tham gia 02 phiên đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc tại Thái Lan vào tháng 4 và tại Trung Quốc vào tháng 6/2023. Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tham dự 02 phiên đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tại Indonesia vào tháng 2 và tháng 5/2023.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.