Một giờ trò chuyện với Thương vụ Việt Nam tại Úc

Nhân dịp ông Nguyễn Bảo - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Úc (trước khi đi nhận nhiệm vụ, ông đang giữ chức Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương - Bộ Công Thương) về nước để tham gia Đoàn

 TCCN: Trước hết, chúng tôi mong ông thông cảm vì đã “lấy” những giờ phút ít ỏi (được ở bên gia  đình) trong chuyến về nước công tác lần này. Ông có thể cho biết “sơ sơ” nội dung của chuyến “trở về” này là gì?

 Nguyễn Bảo: Như mọi người đã biết, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Úc là rất tốt. Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Úc đã có từ lâu. Theo thông lệ cứ 2 năm, Ủy ban họp một lần và được tổ chức luân phiên. Kỳ họp thứ 7 (JTECC 7) đã tổ chức tại Úc và kỳ họp thứ 8 này được tổ chức tại Hà Nội. 

 Trong kỳ họp này có rất nhiều vấn đề được đưa ra bàn, ngoài việc hai nước cùng đánh giá lại hiệu quả hợp tác hai năm kể từ sau kỳ họp JTECC 7, Kỳ họp còn tìm ra những hướng đi mới cho quan hệ hợp tác hai nước, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Tôi về nước để tham gia JTECC 8 với tư cách là thành viên của Đoàn Việt Nam.

 TCCN: Ông có thể cho bạn đọc Tạp chí Công nghiệp biết một số hoạt động của Kỳ họp lần này không?

 Nguyễn Bảo: Sáng 28/7 chính thức khai mạc Kỳ họp với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Crean. Chiều ngày 24/07/2009, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Úc Simon Crean.

 Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng điểm lại những thành quả đạt được trong phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp song phương, hợp tác giữa hai nước trong các khuôn khổ đa phương, đồng thời trao đổi với Bộ trưởng Simon Crean những đề xuất của phía Việt Nam giúp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp sẵn có giữa hai nước, đáng chú ý là một số đề xuất nhằm tăng cường hợp tác, dành sự hỗ trợ cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như: xúc tiến thương mại, khai thác than, khoáng sản, khí hóa lỏng; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tài trợ nghiên cứu xây dựng luật thương mại, cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực...

 Xin nói thêm, lần này đi theo Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Crean có một đoàn rất đông các doanh nghiệp sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội và họ không chỉ tiếp xúc với đoàn doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội mà còn vào Tp. Hồ Chí Minh để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp phía Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp bạn mong muốn mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác, như: ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính cũng như tham gia vào các dự án khai thác và chế biến khoáng sản...

 TCCN: Nhiều người nhận xét “Thương vụ” là cầu nối để giúp các doanh nghiệp vươn ra thế giới, ông có thể cho biết, Thương vụ Việt Nam ở Úc đã làm được thế chưa?

 Nguyễn Bảo: Thương vụ Việt Nam ở Úc không đóng trụ sở ở thủ đô Canberra mà chọn Sidney cũng vì mong muốn giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước vươn ra thị trường thế giới nói chung và thị trường Úc nói riêng. Tuy chúng tôi chỉ có 3 người, nhưng cũng đã làm hết sức có thể để giới thiệu, làm cầu nối... giữa các doanh nghiệp với nhau, sau đó họ làm gì mình đâu được biết, vì các doanh nghiệp sau khi “xong việc” đâu có thông báo với mình. May mắn lắm có doanh nghiệp gửi lời cám ơn.

 TCCN: Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vào thị trường Úc?

 Nguyễn Bảo: Thật ra mà nói vào thị trường Úc không khó vì Úc là đối tác quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam. “Làm ăn” với thế giới có luật, có lệ nên không khó, hơn thế nữa chúng ta đã gia nhập WTO. Đây là một thuận lợi lớn, nhưng có biết nắm bắt cơ hội hay không lại là chuyện của các doanh nghiệp.

 Hiện nay, các Tập đoàn Dầu khí, Than và Khoáng sản, Điện lực có quan hệ chặt chẽ với Úc. Đối với Việt Nam thì Úc là đối tác xếp hàng thứ 8 về hợp tác kinh tế. Việt Nam xuất sang Úc chủ yếu là dầu thô và nhập về gỗ của Úc. 

 Vừa qua đã có hiệp định ASEAN – NewZiland - Úc, do vậy nhiều mặt hàng sẽ giảm thuế. Đối với thị trường Úc thì vấn đề không phải là các doanh nghiệp ta cạnh tranh với ta, mà là chúng ta phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tôi vào những siêu thị cực lớn ở Úc rộng cả 10.000 m2, tìm mãi, tìm mãi mới thấy một tấm thảm chùi chân của Việt Nam, trong khi đó hàng Trung Quốc tràn lan. Vì sao thì ai cũng rõ, hàng của họ chất lượng hơn, giá rẻ hơn...

 Nói thế, không phải doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội đưa hàng vào Úc, ngược lại không thiếu những cơ hội. Nhưng chúng ta phải biết cách làm: Như phải tìm hiểu xem thị trường thiếu gì mà chúng ta đáp ứng được. Tôi tin là doanh nghiệp chúng ta làm được điều đó. Nếu các doanh nghiệp không đi tìm hiểu thị trường mà cứ có gì mang đi chào hàng thì khó thành công và tình trạng hàng Trung Quốc tràn lan trong khi hàng Việt Nam tìm mãi mới thấy, sẽ tiếp diễn.

 Một vấn đề nữa hết sức quan trọng là thông tin về thị trường, luật pháp, thuế quan, thủ tục... các doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên (không tự lo được thì nhờ các công ty luật), nếu không sẽ lạc hậu. 

 Xin cám ơn ông và chúc ông một nhiệm kỳ thành công tốt đẹp.

  • Tags: