Trở ngại thứ nhất là Ban chỉ đạo chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCL) đã không tính đến tình trạng, một số mặt hàng chủ lực của Thành phố đang bị các đơn vị sản xuất ngoài tỉnh hay nước ngoài làm nhái thương hiệu, như dây cáp điện thương hiệu CADIVI bị Công ty Thượng Đình (Hà Nội) nhái thương hiệu cáp điện CADISUN hay mì sợi Vifon-Acecook bị Công ty Hoàn Thành (Bình Dương) nhái thương hiệu mì “Hoàn Hảo” cạnh tranh với mì “Hảo Hảo”. Thứ hai là việc hỗ trợ về đào tạo theo chỉ tiêu 300 chuyên viên cấp tiến sỹ, thạc sỹ về quản lý doanh nghiệp có hàng chủ lực, cũng gặp trở ngại là mọi thứ chuẩn bị rồi, nhưng các đơn vị phải tập trung năng lực sản xuất mùa vụ, nên không thể gửi người đi học (như trường hợp Công ty Kinh Đô, bận mùa vụ bánh Trung thu vừa qua). Thứ ba là SPCL dự kiến vào tháng 10/2003 sẽ phải triển lãm các mặt hàng công nghiệp chủ lực tiêu biểu mới được nâng cấp, nhưng tới giờ chót, đơn vị tổ chức triển lãm lại đổi kế hoạch nội dung đề tài khác !
Ngoại trừ các trục trặc đó, tiến trình xây dựng phát triển SPCL nói chung là trôi chảy và đạt hiệu quả rất đáng khích lệ. Trước tiên là tinh thần hưởng ứng của phía đơn vị sản xuất, trong đợt 1 đã có 6 thương hiệu hàng đầu đăng ký xin được đi vào qui trình nâng cấp đã được xét duyệt, đợt 2 có 11 thương hiệu đăng ký, đang được xét duyệt (xem danh mục cuối bài). Như vậy, qua 3 đợt đăng ký, đã có 28 đơn vị hàng đầu các ngành nghề đăng ký có thể vượt chỉ tiêu đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2005 sẽ có từ 60-100 đơn vị đăng ký tham gia. Cũng nên lưu ý, nói là sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhưng nhóm các sản phẩm hẹp cũng có thể đăng ký tham gia, miễn là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ban chỉ đạo SPCL gồm ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng ban, cùng 13 sở, ban ngành sẽ xét tuyển những đơn vị có mặt hàng chủ lực để bồi dưỡng, nâng cấp theo 5 tiêu chuẩn và 5 loại hình để hỗ trợ. 5 tiêu chuẩn là: Thiết kế sản phẩm có tính văn hóa truyền thống, hiện đại và tính thích nghi cao; chất lượng sản phẩm cao, thương hiệu tin cậy với khách hàng; chi phí sản xuất thấp, do sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, kết hợp công nghệ cao và giá lao động thấp; có năng lực sản xuất qui mô lớn, đáp ứng hợp đồng nhanh, chính xác và sau cùng là tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và Luật Lao động.
Sau khi được xét tuyển, các đơn vị được xét tuyển đợt 1 sẽ được hưởng 5 loại hình hỗ trợ. Cụ thể, với Vifon-Acecook đã được cho vay 6 tỷ đồng với lãi suất thấp, để nâng cấp thiết bị sản xuất, xây dựng hình ảnh thương hiệu và di dời nhà máy ra khu công nghiệp Vĩnh Lộc.
Với Công ty Kinh Đô, được hỗ trợ đào tạo nhân lực quản lý, xác lập công bố chất lượng 2 loại bánh cracker và cookies, đưa vào kết hoạch xúc tiến thương mại 6 tháng cuối năm 2003. Với Giấy Vĩnh Huê, Ban chỉ đạo chương trình SPCL vận động để đơn vị được UBND tỉnh Đắc Lắc đồng ý cho xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy ở xã Đắc Som và cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng kinh phí nghiên cứu chuyển đổi hệ thống đốt bằng dầu FO sang đốt bằng than đá, đồng thời nghiên cứu cải tiến sản xuất các mặt hàng như khăn, tã lót cho trẻ em và người già. Với hàng tiêu dùng và giầy Bình Tân, Chương trình SPCL hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng SA-8000, hỗ trợ đăng ký thành viên của Trung tâm kỹ thuật giầy SATRA và đăng ký tham gia 7 hội chợ quốc tế. Với Cáp điện CADIVI, Chương trình SPCL hỗ trợ mục tiêu tự động hóa sản xuất, bắt đầu từ lắp đặt máy bọc phi 90 mm và khâu cuộn tự động, hướng dẫn kế hoạch xúc tiến thương mại và xúc tiến bảo vệ thương hiệu CADIVI.
Ông Naimie Shoichi - Tổng giám đốc Công ty Vifon-Acecook - một chủ lực tiêu biểu của Chương trình cho biết: “Tôi cũng như đơn vị Vifon-Acecook rất phấn khởi. Sự hỗ trợ cụ thể của Chương trình đã giúp chúng tôi xác định lại chất lượng mì ăn liền và phở ăn liền, sẽ hoàn chỉnh vào cuối năm 2003, cũng như hướng dẫn đầu tư nâng cấp kỹ thuật để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO-9001-2000, ISO 14.001-1994 và HACCP. Nhưng quan trọng hơn cả là, nhờ Chương trình SPCL, thương hiệu mì “Hảo Hảo” của chúng tôi đã được bảo vệ, khi Công ty Hoàn Thành ở Bình Dương làm nhái. Có thể nói, sản phẩm và công nghệ mới của chúng tôi đã vô tình kích thích các hãng sản xuất nội địa phải nhanh chóng thay đổi và làm tốt hơn, mới có thể đứng được. Tôi hy vọng rằng, Chương trình SPCL sẽ kết nạp thêm nhiều đơn vị đăng ký, để cùng chúng tôi đưa ngành mì ăn liền tiến ra thương trường thế giới.