Sàn giao dịch Tmall của Alibaba bán 80.000 quả Sầu riêng Thái Lan chỉ trong vòng 60 giây đồng hồ, tương đương 200 tấn! Đó là kết quả của một hợp đồng trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ được ký kết giữa Chính phủ Thái Lan và công ty thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.
Theo đó, Sầu riêng Thái Lan sẽ được bán qua các kênh bán lẻ trực tuyến và truyền thống của Alibaba, bao gồm sàn thương mại điện tử Tmall, các siêu thị phi tiền mặt Hema cũng như chuỗi siêu thị 450 RT-Mart thuộc sở hữu của Sun Art Retail Group - được Alibaba đầu tư 2,9 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái.
Trước con mắt khá dè dặt của người Việt Nam khi Alibaba có ý định đầu tư vào Việt Nam, cựu Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan dưới thời bà Yingluck tỏ ra tiếc nuối “Alibaba đầu tư vào Thái Lan quá ít so với Malaysia”.
Dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận TMĐT ngày một trở thành xu hướng phân phối hàng hóa trên toàn cầu. TMĐT làm giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí tìm kiếm khách hàng, giảm chi phí bán hàng và giảm chi phí quảng cáo sản phẩm. Có thể nói gọn lại, TMĐT gộp hai khâu “quảng cáo” và “bán hàng” thành một.
Thông qua TMĐT, giá trị hàng hóa được nâng lên mà không làm phiền lòng khách hàng, thay vì mất công đến siêu thị, cửa hàng người ta vẫn có thể giao dịch ngay trong lúc làm việc hoặc đi du lịch.
Một tấm lá chuối, ở Việt Nam chỉ làm thức ăn cho gia súc, nhưng khi “lên” trang Amazon Nhật Bản, giá trị được đẩy lên hơn 20 USD (khoảng 500 nghìn VND). Trên Tmall, một đơn hàng 4,5 - 5kg sầu riêng Monthong có giá 199 Nhân dân tệ (32 USD) bao gồm thuế và phí vận chuyển, tương đương 700 nghìn tiền Việt!
Ở Đông Nam bộ nhiều nhà vườn trồng Sầu riêng Monthong, nhưng thông qua giao dịch truyền thống giá cao nhất cũng chỉ 50.000 đ/kg, một trái Sầu riêng Monthong ở Việt Nam có trọng lượng 5kg cũng chỉ 250 nghìn đồng.
Đó là cái lợi trước mắt từ việc ký hợp đồng với các nhà phân phối lớn thông qua TMĐT. Alibaba xuất phát từ một quốc gia rất gần với Việt Nam, nhưng người Thái luôn tỏ ra nhanh nhạy hơn.
Jack Ma đến Thái Lan, truyền thông nước này không đưa tin kiểu “những câu nói đầy cảm hứng của Jack Ma”, “nhận xét của Jack Ma về giới trẻ”… thay vào đó là một loạt những cuộc gặp gỡ với giới chức, những bản ký kết đầu tư được ghi lại cặn kẽ.
Trong buổi tiếp tỷ phú Jack Ma cách hồi tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Việt Nam rất mong muốn Alibaba giúp thiết lập một hệ sinh thái giúp nông dân, các tiểu thương vừa và nhỏ của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa ra thế giới”. Đây là mong muốn đúng vào chỗ cần đả thông thị trường TMĐT Việt Nam.
Đáp lại mong muốn của Thủ tướng, Jack Ma khẳng định: “Sẽ nghiên cứu, thảo luận về việc triển khai các ý kiến, đề nghị của Thủ tướng như thiết lập gian hàng Việt Nam trên ứng dụng thương mại điện tử của Alibaba, phát triển cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và cả người tiêu dùng Việt Nam...”
Còn với Thái Lan, Alibaba đã có những bước đi cụ thể, vào chiều sâu. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Prayut, ông Jack Ma tuyên bố muốn hỗ trợ Thái Lan phát triển TMĐT, giao thương hàng hóa và phát triển nhân lực.
Jack Ma đã ký kết bản ghi nhớ với các đại diện chính phủ Thái Lan nhằm thực hiện 4 dự án với nguồn tài trợ chính từ phía Alibaba. Trong đó, dự án thành lập trung tâm kỹ thuật số thông minh (Smart Digital Hub) được kỳ vọng trở thành trung tâm cơ sở hạ tầng số và kho vận nhằm hỗ trợ cho hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Thái Lan cũng như các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Trong khi làm ăn ở Thái Lan đã đi vào chiều sâu thì với Việt Nam mới chỉ là “kế hoạch”. Trong khi truyền thông nội địa chăm chỉ phân tích Việt Nam sẽ được gì mất gì khi Alibaba đến đầu tư thì các nước láng giếng đã nhanh chóng bắt tay với Jack Ma.
Để giải quyết khủng hoảng sản phẩm nông nghiệp, việc bắt tay với các công ty TMĐT cũng là hướng đi đúng đắn.