TÓM TẮT: Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KTQP) là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, trong đó đoàn KTQP là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Thành công bước đầu và những hạn chế, trong hoạt động xây dựng khu KTQP 20 năm qua, đòi hỏi phải có sự đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển các khu KTQP nói chung, cơ chế chính sách đối với đoàn KTQP nói riêng một cách đồng bộ thống nhất nhằm phát huy vai trò của các đoàn KTQP trong điều kiện mới hiện nay. Bài viết nghiên cứu về một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của đoàn kinh tế - quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn chiến lược. Từ khóa: Kinh tế - xã hội, đoàn kinh tế - quốc phòng, chính sách, chiến lược. |
- Đặt vấn đề
Cơ chế, chính sách phát huy vai trò của đoàn kinh tế - quốc phòng (KTQP) trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) là tổng thể các quan điểm, nguyên tắc, biện pháp, chế độ, chính sách của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương các cấp tác động vào các đối tượng tham gia xây dựng khu KTQP (nòng cốt là đoàn KTQP) nhằm phát huy hiệu quả xây dựng khu KTQP nói chung, vai trò của đoàn KTQP trong phát triển KTXH nói riêng.
Qua 20 năm triển khai xây dựng các khu KTQP, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng với các cơ quan của Nhà nước; đặc biệt là những đóng góp trực tiếp rất quan trọng của các quân khu cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng đang công tác tại các đoàn KTQP, nhiệm vụ xây dựng khu KTQP do Đảng, Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, được Nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đời sống người dân tại các khu KTQP từng bước được cải thiện, các điểm dân cư tập trung được hình thành dọc tuyến biên giới đã góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nơi địa bàn chiến lược; kinh tế hàng hóa đang dần hình thành: đồng bào ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Quân đội. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển các khu KTQP nói chung, hoạt động của đoàn KTQP nói riêng cho thấy hệ thống cơ chế, chính sách đã bộc lộ những bất cập, còn có sự chồng chéo, thiếu sự thống nhất giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương với địa phương. Chính sự bất cập trên đã gây ra những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH của đoàn KTQP cũng như hạn chế tới quá trình xây dựng, phát triển các khu KTQP.
- Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của đoàn kinh tế - quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn chiến lược
Để phát huy vai trò của đoàn KTQP trong phát triển KTXH nói riêng, xây dựng các khu KTQP nói chung, đòi hỏi cần phải đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách từ Trung ương đến cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng các khu KTQP trong tình hình mới. Do tính chất đặc thù của khu KTQP, theo chúng tôi trong hoàn thiện cơ chế, chính sách cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phải đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh quy hoạch và xác định đúng mục tiêu đầu tư các dự án ở khu kinh tế - quốc phòng.
Đối với quy hoạch tổng thể, Chính phủ cần xác định được các chỉ tiêu cần thiết cho một khu KTQP, từ đó xác định được các đối tượng mở mới và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các khu KTQP. Chính phủ cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong hoạt động đầu tư vào khu KTQP.
Đối với Bộ, ngành liên quan, chủ trì và phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu để ban hành các văn bản pháp quy quản lý hoạt động đầu tư vào khu KTQP. Đối với các địa phương nơi triển khai các dự án, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng quy hoạch, lập dự án, triển khai đầu tư (đặc biệt trong việc di dân và ổn định dân cư, bàn giao và giải phóng mặt bằng) và xây dựng năng lực để tiếp nhận, quản lý các kết quả đầu tư khi được Quân đội bàn giao.
Đối với Bộ Quốc phòng, nghiên cứu và có kết luận thỏa đáng các vấn đề về tổ chức của các đoàn KTQP như quân số biên chế, tên gọi các cấp, nhất là cấp trung đoàn trong đoàn KTQP, cấp đội sản xuất, vấn đề chuyển sang hạch toán. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy chế, quy định liên quan đến xây dựng và hoạt động của khu KTQP, đoàn KTQP, phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn, nhất là những đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước. Qua đó, tạo hành lang pháp lý, môi trường, điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu KTQP.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu, tiến độ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng nói chung, hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng nói riêng.
Để phát huy hiệu quả KTXH cũng như vai trò của đoàn KTQP, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải bảo đảm vốn và cơ chế đầu tư hợp lý cho xây dựng khu KTQP. Để bảo đảm đủ vốn cho xây dựng khu KTQP, cần phải xây dựng một cơ chế đầu tư đặc thù với dự án, bố trí một kênh riêng cho nhu cầu vốn hằng năm theo kế hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, phải có cơ cấu đầu tư phù hợp với tiến độ thực hiện các mục tiêu dự án.
Mặt khác, cần tiến hành rà soát, phân loại các công trình, hạng mục công trình trong từng dự án; loại bỏ khỏi danh mục đầu tư các công trình hiệu quả thấp, các công trình không có khả năng đầu tư. Trong đầu tư, cần tập trung cho các công trình, hạng mục công trình trọng điểm, quan trọng, thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Ngoài vốn ngân sách nhà nước, căn cứ vào tình hình thực tế để nghiên cứu và xây dựng các chính sách phù hợp, nhằm thu hút vốn đầu tư của các tổ chức và doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án, công trình, hoặc đầu tư trực tiếp vào một số khu vực của khu KTQP, tạo tiền đề để các đoàn KTQP chuyển dần sang hạch toán. Đồng thời, tăng cường phối hợp với địa phương, các Bộ, ngành Trung ương để lồng ghép, sử dụng có hiệu quả vốn của dự án và vốn của các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Trước nhu cầu mở mới thêm các khu KTQP như hiện nay, cần phải rà soát, quy hoạch lại các khu KTQP để có sự điều chỉnh một cách hợp lý theo hướng ưu tiên các công trình đầu tư phục vụ trực tiếp đời sống của người dân và phù hợp với khả năng bảo đảm vốn đầu tư của Nhà nước.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa đoàn kinh tế - quốc phòng với các đơn vị quân đội và địa phương trong vùng dự án khu kinh tế - quốc phòng.
Quá trình tổ chức, quản lý, triển khai xây dựng, phát triển các khu KTQP đòi hỏi đoàn KTQP phải phối, kết hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương nhằm giải quyết nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, phối hợp thực hiện tốt việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Theo đó, chính sách phải thể hiện sự ưu tiên thỏa đáng cho cả đối tượng là người địa phương và các đối tượng là đồng bào mới lên lập nghiệp, sinh sống. Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích dồn điền, đổi thửa, hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí, tăng thu nhập. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách xây dựng nhà tái định cư cho các hộ gia đình thực hiện di dân từ địa phương khác đến và sửa chữa nhà, xóa nhà tạm cho đồng bào các dân tộc ở địa phương.
Các đơn vị quân đội, đặc biệt là các đoàn KTQP cần chủ động phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung, giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến vấn đề giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Thực hiện nguyên tắc, tất cả các vùng đất, khoảnh đất đều phải có chủ thực sự, giảm thiểu hiện tượng sang nhượng đất bất hợp pháp. Tổ chức khai hoang, phục hóa, rà phá bom, mìn để tạo thêm quỹ đất và lên kế hoạch trình địa phương thực hiện phương án, kế hoạch dãn dân, tách hộ hoặc giúp đỡ các hộ gia đình trở về nơi cũ làm ăn, lập nghiệp (những khu vực “trắng dân” từ sau chiến tranh biên giới 1979).
Thứ hai, phối kết hợp để hoàn thiện quy hoạch dân cư ở các khu KTQP.
Thực hiện quy hoạch dân cư cần có sự thống nhất giữa quá trình triển khai dự án xây dựng kết cấu hạ tầng với dự án di dân một cách chặt chẽ; phải xây dựng và chuẩn bị tốt mọi kết cấu hạ tầng KTXH thiết yếu ở các khu định cư, mới tiến hành đưa dân ra nơi ở mới. Cùng với đó, đoàn KTQP cần phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác khảo sát để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những hộ dân cần di dời cấp bách, các hộ gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu di dời; đồng thời, hướng dẫn các hộ dân hoàn chỉnh các hồ sơ đăng ký di dời, phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc ở quê cũ. Sau khi đón nhân dân đến định cư, các đơn vị cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất trên quê hương mới ổn định lâu dài.
Thứ ba, phối kết hợp với chính quyền địa phương sử dụng tốt nguồn nhân lực tại chỗ trong vùng dự án cho các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế và quốc phòng.
Đoàn KTQP kết hợp với địa phương trong việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển chọn lực lượng lao động là con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên những đối tượng đã tốt nghiệp phổ thông trung học, cao đẳng, đại học…vào làm việc tại các khu KTQP. Việc tuyển chọn nhân lực vào lao động, làm việc tại các khu KTQP có thể theo hai phương thức, hợp đồng dài hạn hoặc biên chế chính thức tùy theo tính chất, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ ở mỗi khu KTQP. Vấn đề đặt ra là đoàn KTQP phải chủ động phối kết hợp với chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ cốt cán về tổ chức quản lý sản xuất, cán bộ khoa học kỹ thuật... nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong từng dự án.
Bốn là, ban hành chính sách hợp lý, đối với các lực lượng tham gia xây dựng khu kinh tế - quốc phòng.
Tham gia xây dựng phát triển các khu KTQP có rất nhiều lực lượng như: đoàn KTQP, các đơn vị quân đội, nhân dân địa phương và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện. Mặc dù là lực lượng nòng cốt, tuy nhiên đoàn KTQP khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao nếu như không có sự phối hợp chung tay góp sức của các lực lượng trên địa bàn khu KTQP. Do vậy, đòi hỏi Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và địa phương phải có những chính sách đãi ngộ đối với những lực lượng này
Thứ nhất, chính sách cán bộ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các đơn vị quân đội tham gia xây dựng khu KTQP.
Trước hết, cần nghiên cứu bổ sung, đổi mới, điều chỉnh một số tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn, bổ nhiệm, điều động cán bộ, sĩ quan hoạt động ở các đoàn KTQP. Bảo đảm cho việc bố trí hợp lý các chức danh, cấp bậc quân hàm, độ tuổi và đặc biệt là năng lực trình độ và phẩm chất đội ngũ cán bộ cân đối hài hòa giữa sĩ quan chỉ huy tham mưu, kỹ thuật và chính trị, giữa sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng. Định kỳ hàng năm, cơ quan cán bộ cấp trên cần quan tâm phân bổ chỉ tiêu, đồng thời chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ cơ quan cán bộ của các đoàn KTQP xây dựng quy hoạch, lựa chọn nhân sự gửi đi đào tạo cán bộ các loại ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội. Đối tượng cử đi đào tạo cần có sự cân đối, hài hòa giữa cán bộ đương chức với cán bộ trẻ, cán bộ là nguồn kế cận; ưu tiên cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thuộc biên chế là người địa phương, đặc biệt là thanh niên các dân tộc thiểu số.
Thứ hai, chính sách đãi ngộ đối với các lực lượng quân đội tham gia xây dựng, phát triển các khu KTQP, đặc biệt là đoàn KTQP.
Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một cách hợp lý hơn hệ thống chức danh đội ngũ cán bộ, sĩ quan của đoàn KTQP để làm cơ sở cho việc quy định trần quân hàm, bảo đảm có sự ưu tiên nhất định trên cơ sở tính đặc thù của nhiệm vụ và điều kiện công tác của các đoàn KTQP. Cùng với đó, thực hiện các chính sách đãi ngộ khác như phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút và những khoản phụ cấp đặc biệt khác theo quy định, chế độ riêng của Nhà nước trong suốt thời gian thực hiện dự án, chế độ công tác phí; có chính sách cấp đất ở và đất canh tác để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên đoàn KTQP chuyển gia đình tới định cư lâu dài tại khu KTQP; thực hiện chính sách khen thưởng đối với các đơn vị quân đội nói chung, đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đoàn KTQP nói riêng
Thứ ba, chính sách đối với đồng bào các dân tộc và người lao động trên địa bàn.
Thực hiện tốt nhiệm vụ di dịch dân, dãn dân, tách hộ, ổn định dân cư trong đó chú trọng vấn đề bố trí đất ở, đất sản xuất, đồng thời, giao đất, giao rừng, khoán việc, tạo việc làm lâu dài cho người lao động của các đoàn KTQP. Từng bước xây dựng, mở rộng các khu công nghiệp - dịch vụ thu hút lao động tập trung, trên cơ sở đó, hình thành các thị trấn, thị tứ làm hạt nhân phát triển kinh tế hàng hóa của các vùng dân cư khu KTQP. Tạo hành lang pháp lý và chính sách cụ thể để tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình được vay vốn dưới nhiều hình thức, nhất là các nguồn vốn ưu đãi từ quỹ xoá đói giảm nghèo, nguồn vốn từ ngân hàng chính sách.
Thực hiện hiệu quả chương trình quân - dân y kết hợp, quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư về con người, trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh cho hệ thống các trạm xá, bệnh viện của các đoàn KTQP. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên về giáo dục, đào tạo con em các gia đình định cư ở các khu KTQP như đối với con em các dân tộc thiểu số. Bộ Quốc phòng ưu tiên cử tuyển con em họ đi đào tạo ở các trường trong và ngoài Quân đội về những lĩnh vực, ngành nghề phục vụ cho nhiệm vụ phát triển sản xuất tại địa bàn; hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các đơn vị thực hiện tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ nhằm nâng cao dân trí và đem lại lợi ích thiết thân cho người lao động.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế và cơ chế hoạt động của các đoàn KTQP, phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
Điều chỉnh biên chế, tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chủ đầu tư dự án khu KTQP, theo hướng giảm trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan, tăng cường quân số cho các đon vị, các đội sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ là người dân tộc ở địa phương, trí thức trẻ tình nguyện. Cần tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ đoàn KTQP theo hướng: vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có năng lực chuyên môn về các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lí đầu tư, quản lí tài chính; có cán bộ nông, lâm nghiệp và cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đi đôi với kiện toàn tổ chức, biên chế, cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của các đoàn KTQP cho phù hợp với tình hình phát triển mới. Định hướng các đoàn KTQP tập trung vào nhiệm vụ chính trị trung tâm: làm tốt công tác nắm địa bàn; phối hợp giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho người dân, thường xuyên chú trọng công tác dân vận, lấy việc ổn định tình hình chính trị và hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đoàn KTQP; phân rõ chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền theo đúng quy định. Xây dựng phương án loại bỏ chức năng sản xuất, kinh doanh trong hoạt động của đoàn KTQP; hoạt động tổ chức sản xuất của đoàn KTQP chỉ nhằm mục đích phát huy vai trò "bà đỡ" cho người dân và tố chức kinh tế của địa phương.
- Kết luận
Xây dựng các khu KTQP đã thể hiện một tư duy mới trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, gắn bó chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển của tình hình thế giới và nhiệm vụ cách mạng giai đoạn hiện nay. Thành công bước đầu và những hạn chế, khó khăn trong hoạt động xây dựng khu KTQP, đòi hỏi phải có sự đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách xây dựng, phát triển các khu KTQP nói chung, cơ chế chính sách đối với đoàn KTQP nói riêng một cách đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, tháo gỡ những vướng mắc nhằm phát huy vai trò của các đoàn KTQP trong điều kiện mới hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trần Thái Bình (2017), Quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KTXH với tăng cường QPAN trên các địa bàn chiến lược, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 11.
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2011), Nghị quyết số 80/NQ-CP về Chương trình giảm nghèo bền vững, Hà Nội.
- Lương Văn Mạnh (2014), “Định hướng xây dựng các khu Kinh tế - Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025”, Tạp chí Kinh tế Quốc phòng, số 1, tr.9-11.
- Võ Hồng Thắng, (2017) “Góp phần ổn định chính trị, tạo thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược” Tạp chí Kinh tế Quốc phòng, số 2.
SOLUTIONS TO IMPROVE THE MECHANISMS AND POLICIES TO PROMOTE THE ROLE OF ECONOMIC - DEFENSE GROUPS IN THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF STRATEGIC AREAS HO NAM TRAN Political Academy - Ministry of Defense ABSTRACT: Establishing economic - defense zones is a suitable policy of the Party and State in doing both economic and national defense tasks in strategic areas. The economic - defense groups play the most important role in executing these tasks. Initial success and limitations in the establishment of economic - defense zones in the last 20 years requires the reform and improvement of the system of mechanisms and policies to develop the economic - defense zones in general and the mechanism and policies for economic – defense groups in particular in order to promote the role of economic - defense groups in the context of new development conditions. The article studies some solutions to improve the mechanisms and policies to promote the role of economic - defense groups in the socio -economic development of strategic areas. Keywords: Socio-economy, economic - defense groups, policy, strategy. |