Một số vấn đề pháp lý về liên thông hòa giải với trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp thương mại theo pháp luật Việt Nam

Bài báo Một số vấn đề pháp lý về liên thông hòa giải với trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp thương mại theo pháp luật Việt Nam do TS. Phùng Trọng Quế (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung nghiên cứu về bản chất pháp lý của mô hình liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị cho pháp luật Việt Nam để hoàn thiện quy định về liên thông hòa giải - trọng tài nói riêng và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại nói chung, đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta.

Từ khóa: liên thông hòa giải - trọng tài, Med-Arb.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tranh chấp thương mại ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp, đòi hỏi các phương thức giải quyết tranh chấp phải hiệu quả, nhanh chóng và thân thiện với doanh nghiệp. Trước xu thế hiện nay, với sự quan tâm của việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, nước ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các điều khoản khuyến khích giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Đặc biệt, Công ước Singapore về hòa giải (đã ký năm 2019) mở ra cơ hội để Việt Nam thúc đẩy hòa giải trong tranh chấp thương mại quốc tế. Bên cạnh hòa giải và trọng tài thì mô hình kết hợp liên thông hòa giải - trọng tài (Arb-Med-Arb hoặc Med-Arb) xuất hiện như một giải pháp tối ưu, kết hợp các ưu điểm nổi bật của cả hai phương thức này.

2. Bản chất pháp lý của liên thông hòa giải với trọng tài trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

Hòa giải và trọng tài đều là các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến và mang tính chất ngoài tòa án (ADR). Đặc biệt trong xu thế phát triển toàn cầu của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thì trọng tài thương mại và đặc biệt là hòa giải thương mại cũng ngày càng đạt được nhiều bước tiến quan trọng[1], trở thành xu thế phát triển được các doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp của mình.

Hòa giải là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội, trong đó có giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại. Hòa giải thương mại là một quá trình giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của hòa giải viên trung lập, giúp các bên thương lượng và đạt được thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, bảo mật và không ràng buộc pháp lý, trừ khi có thỏa thuận được công nhận. Trong khi đó, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua một hội đồng trọng tài, với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý tương đương với bản án tòa án, được công nhận quốc tế theo Công ước New York 1958.

Tuy nhiên, trên thực tế ở một số quốc gia phát triển, trọng tài và hòa giải đều có những hạn chế cố hữu nhất định và một số đã đưa ra các giải pháp mang tính chất kết hợp để tạo nên một quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và phù hợp hơn với mong muốn, nguyện vọng của các bên với kỳ vọng kết hợp tính quyết định cuối cùng của trọng tài với tính linh hoạt của hòa giải nhằm đạt được hiệu quả và lợi ích tốt nhất của cả hai quy trình[2]. Những mô hình hòa giải - trọng tài (Med - Arb) hay trọng tài - hòa giải (Arb - Med) được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đã phần nào chứng minh về tính khả thi và hiệu quả của sự kết hợp này.

Liên thông hòa giải - trọng tài (Med-Arb) là một quy trình giải quyết tranh chấp kết hợp giữa hòa giải và trọng tài. Dạng phổ biến nhất của Med-Arb là “trung lập như nhau” trong đó các bên sử dụng một hòa giải viên/trọng tài viên kết hợp và chỉ tiến hành phân xử bằng trọng tài nếu họ không đạt được thỏa thuận hòa giải[3]. Như vậy, có thể thấy liên thông hòa giải - trọng tài thương mại không phải là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mới, mà đây là một cơ chế kết hợp giữa hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, bao gồm hòa giải và trọng tài, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính khả thi cao.

Cơ chế liên thông hòa giải - trọng tài bắt đầu bằng việc các bên tiến hành hòa giải nhằm tìm kiếm giải pháp thân thiện, giảm căng thẳng và duy trì mối quan hệ hợp tác. Nếu hòa giải không thành công, tranh chấp sẽ được chuyển sang giai đoạn trọng tài để giải quyết bằng một phán quyết ràng buộc pháp lý. Cơ chế liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại mang những đặc điểm nổi bật sau:

- Tính linh hoạt: cơ chế này tích hợp cả hòa giải và trọng tài, tận dụng ưu điểm của từng phương thức. Ban đầu, tranh chấp được giải quyết qua hòa giải để tìm kiếm giải pháp thân thiện; nếu không đạt được thỏa thuận, tranh chấp sẽ chuyển sang trọng tài để đưa ra phán quyết ràng buộc pháp lý.

- Tính cuối cùng hay hiệu quả: với mục đích kết hợp giữa phương thức hòa giải và trọng tài, tính “cuối cùng” của trọng tài được sử dụng như một “cây gậy” để thúc đẩy hành vi tốt trong hòa giải, trong khi tính “linh hoạt” của các cuộc thảo luận qua trung gian không chính thức thúc đẩy hiệu quả và tiết kiệm chi phí so với việc sử dụng trọng tài[4]. Nếu hòa giải không thành công, phán quyết của trọng tài sẽ mang tính ràng buộc pháp lý, được thực thi tương đương bản án tòa án và có giá trị quốc tế theo Công ước New York 1958. Bên cạnh đó, cơ chế liên thông hòa giải - trọng tài sẽ giúp các bên tranh chấp tối ưu chi phí và thời gian. So với việc thực hiện riêng rẽ từng phương thức, cơ chế liên thông giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí, bởi hòa giải có thể nhanh chóng giải quyết tranh chấp, tránh phải bước vào trọng tài nếu đạt được thỏa thuận.

3. Vai trò, ý nghĩa của liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại Liên thông hòa giải - trọng tài giúp tăng hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại

Việc cho phép liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại sẽ giúp các bên dễ dàng chuyển đổi từ hòa giải sang trọng tài (hoặc ngược lại) mà không phải khởi động một quy trình mới, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ đó, sẽ giúp rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các bên tranh chấp. Hơn nữa, cơ chế liên thông này sẽ có tác dụng khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận trước bởi liên thông hòa giải - trọng tài tạo động lực để các bên thử hòa giải trước và nếu thành công sẽ giảm tải áp lực cho các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính tố tụng. Còn nếu hòa giải không thành công, tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài một cách nhanh chóng.

Liên thông hòa giải - trọng tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thương mại quốc tế

Có thể nói, các phương thức giải quyết tranh chấp kết hợp, đặc biệt là các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như hòa giải, trọng tài là xu hướng toàn cầu. Hiện có nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế (như UNCITRAL) đã và đang thúc đẩy các cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt như hòa giải và trọng tài kết hợp, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh quốc tế. Cơ chế này phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, nơi các tranh chấp thương mại thường mang tính đa quốc gia, yêu cầu giải quyết nhanh chóng, bảo mật và có khả năng thi hành quốc tế.

Hơn nữa, việc có các quy định rõ ràng về liên thông hòa giải - trọng tài cũng sẽ góp phần tăng tính minh bạch và sự tin cậy vào hệ thống pháp luật, từ đó khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp sử dụng phương thức này, qua đó thúc đẩy đầu tư và thương mại.

Liên thông hòa giải - trọng tài giúp tăng thêm hiệu quả việc bảo vệ quyền lợi các bên trong hoạt động thương mại

Không thể phủ nhận việc có cơ chế liên thông giữa hòa giải thương mại với trọng tài thương mại sẽ hạn chế thực trạng các tranh chấp thương mại kéo dài. Bởi nếu không có cơ chế liên thông, các bên có thể mất thời gian và lãng phí tài nguyên trong giải quyết tranh chấp qua nhiều giai đoạn độc lập. Liên thông cho phép linh hoạt chuyển đổi mà không cần thiết lập lại toàn bộ quy trình. Hơn nữa, cơ chế này sẽ tăng tính đồng nhất của phán quyết trọng tài. Khi trọng tài được tiến hành ngay sau hòa giải, các nội dung đã đạt được thỏa thuận có thể được công nhận dễ dàng hơn trong phán quyết, tránh mâu thuẫn giữa các kết quả.

4. Các vấn đề pháp lý đặt ra đối với liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại và một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể về liên thông giữa hòa giải và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại. Để điều chỉnh hoạt động của trọng tài thương mại là Luật Trọng tài thương 2010, đạo luật này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung[5]. Còn đối với hòa giải thương mại, mới chỉ có Nghị định số 22/2027/NĐ-CP về hòa giải thương mại, chưa có đạo luật riêng biệt điều chỉnh về hoạt động này. Luật Trọng tài thương mại 2010, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm “Quy trình liên thông Hòa giải - Trọng tài”. Hiện nay, mới chỉ có một số trung tâm hòa giải thương mại và trung tâm trọng tài tại Việt Nam đã bước đầu triển khai cơ chế liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại. Các trung tâm như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) hay Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC là những đơn vị tiên phong trong áp dụng mô hình này. Cơ chế liên thông được triển khai nhằm kết hợp ưu điểm của cả hai phương thức, vừa khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận hòa giải, vừa đảm bảo quyền lợi thông qua trọng tài nếu hòa giải không thành công. VMC cung cấp gói dịch vụ Hòa giải - Trọng tài, cho phép các bên tranh chấp thực hiện hòa giải trước và nếu hòa giải không thành công, có thể chuyển trực tiếp sang trọng tài mà không cần khởi động quy trình mới[6].

Theo quan điểm cá nhân, tác giả ủng hộ việc quy định liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khi chưa có các quy định cụ thể, việc xây dựng các quy định pháp lý cần phải lưu ý các vấn đề sau:

Việc liên thông giữa hòa giải và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có thể mang lại một số ảnh hưởng đến tính bảo mật và tính khách quan của từng phương thức. Đây là hai nguyên tắc quan trọng đảm bảo tính hiệu quả và uy tín của hòa giải thương mại và trọng tài thương mại. Cụ thể:

i. Vấn đề bảo mật thông tin

Hòa giải thương mại thường được đánh giá cao về tính bảo mật, vì các thông tin trao đổi trong quá trình hòa giải không được tiết lộ hoặc sử dụng làm bằng chứng trong các quá trình khác (bao gồm cả trọng tài hoặc tòa án). Tính bảo mật của hòa giải khuyến khích sự thẳng thắn bằng cách thúc đẩy tự do bày tỏ nhu cầu, lợi ích và các phương án giải quyết[7]. Khi kết hợp với trọng tài trong cơ chế liên thông, có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin như:

Nếu hòa giải không thành công và tranh chấp chuyển sang trọng tài, các thông tin được tiết lộ trong quá trình hòa giải có thể vô tình được sử dụng làm cơ sở cho các lập luận trọng tài. Điều này có thể vi phạm nguyên tắc bảo mật của hòa giải. Hơn nữa, nếu trong quy trình đồng nhất, nếu cùng một cá nhân đóng vai trò là hòa giải viên và trọng tài viên, họ sẽ có quyền truy cập các thông tin mật từ quá trình hòa giải. Điều này tạo ra nguy cơ sử dụng các thông tin đó trong quá trình xét xử trọng tài, làm xói mòn nguyên tắc bảo mật của cả hai quy trình. Nói cách khác, khi các bên biết rằng hòa giải viên sau này có thể đảm nhận vai trò trọng tài, cả người bào chữa và các bên sẽ không thẳng thắn với hòa giải viên về những điểm yếu trong lập luận của họ hoặc đưa ra thông tin có thể gây bất lợi cho quan điểm của họ[8].

ii. Ảnh hưởng đến tính khách quan

Thứ nhất, vai trò là trung gian hòa giải/trọng tài trong Med-Arb làm tổn hại đến tính công bằng của hòa giải viên bằng cách gây khó khăn hơn cho bên trung lập trong việc hòa giải. Thứ hai, vai trò trung gian gây tổn hại tính vô tư của trọng tài vì thông tin thu được trong quá trình hòa giải có thể hàm ý tiêu cực về tính vô tư của bên trung lập trong việc đưa ra phán quyết trọng tài[9]. Sự liên thông giữa hòa giải - trọng tài cũng có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của trọng tài viên hoặc hòa giải viên, đặc biệt khi cùng một cá nhân tham gia vào cả hai vai trò. Một hòa giải viên, trong nỗ lực giúp các bên đạt được thỏa thuận, có thể biết được những quan điểm hoặc nhượng bộ không chính thức từ các bên. Khi cùng người này đóng vai trò trọng tài viên, tính khách quan có thể bị ảnh hưởng bởi các thông tin "ngoài lề" mà họ đã biết trong giai đoạn hòa giải - xung đột vai trò (Role Conflicts). Nói cách khác, một trọng tài viên từng đóng vai trò hòa giải viên có thể bị nghi ngờ về tính thiên vị nếu họ đã có xu hướng ủng hộ một bên trong quá trình hòa giải.

Một số khuyến nghị đối với pháp luật Việt Nam khi quy định về liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại:

Cần ban hành quy định pháp luật rõ ràng về liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về liên thông giữa hòa giải và trọng tài trong cùng một quy trình. Trong khi pháp luật một số quốc gia và Công ước Singapore về hòa giải (mà Việt Nam đã ký kết) mở ra cơ hội để thúc đẩy hòa giải trong thương mại quốc tế. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Singapore. Theo Luật Hòa giải Singapore (Singapore Mediation Act 2017) và Đạo luật Trọng tài (Arbitration Act), nước này áp dụng mô hình Arb-Med-Arb trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, thương mại quốc tế. Nếu các bên đồng ý tham gia hòa giải trong quá trình trọng tài, việc hòa giải được tổ chức bởi các trung tâm như SIMC (Singapore International Mediation Centre). Nếu hòa giải thành công, thỏa thuận hòa giải có thể được lập thành phán quyết trọng tài theo UNCITRAL Model Law, đảm bảo khả năng thi hành quốc tế theo Công ước New York 1958. Hay Nhật Bản khuyến khích sử dụng hòa giải trước hoặc song song với trọng tài. Các tổ chức như JCAA (Japan Commercial Arbitration Association) cung cấp quy tắc để liên kết hai phương thức này. Pháp luật Việt Nam cần quy định cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa hòa giải và trọng tài khi các bên có thỏa thuận cũng như việc công nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành công dưới dạng phán quyết trọng tài.

Quy định về liên thông hòa giải - trọng tài cần lưu ý việc tách biệt vai trò hòa giải viên và trọng tài viên.

Cần bổ sung các quy định về những trường hợp một người không được làm trọng tài viên gồm người từng làm hòa giải viên cho cùng vụ tranh chấp giữa chính các nguyên đơn/bị đơn đó. Nói cách khác, cần lưu ý quy định không để cùng một người đảm nhận cả hai vai trò hòa giải viên/trọng tài viên trong vụ việc liên thông. Điều này giúp ngăn ngừa việc thông tin từ hòa giải ảnh hưởng đến quyết định trọng tài. Chúng ta cũng có thể học tập pháp luật của một số quốc gia như Hong Kong đã phải có quy định không cho phép người từng là hòa giải viên tiếp tục tham gia tố tụng với vai trò là trọng tài viên trong những quy trình liên thông như Arb - Med - Arb[10]. Hoặc một số học giả đã nghiên cứu và chỉ ra một số cơ chế hỗ trợ cho quy trình Arb - Med - Arb có thể được tiến hành một cách hiệu quả mà không làm ảnh hưởng tới tính trung lập, khách quan của trọng tài viên như “Overlapping Med - Arb” (chuyên gia được các bên chỉ định làm trọng tài viên trong trường hợp quá trình hòa giải của họ thất bại sẽ được tham dự một số phiên họp giữa họ với hòa giải viên để quan sát, nắm bắt tình hình).

Quy định nâng cao vai trò của trọng tài viên/hòa giải viên

Bên cạnh việc lựa chọn hòa giải viên và trọng tài viên độc lập để đảm bảo các cá nhân được chọn có uy tín và khả năng duy trì tính khách quan, ngay cả khi quy trình Med-Arb được áp dụng thì việc nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên, trọng tài viên hết sức quan trọng. Đối với hòa giải viên, mặc dù Nghị định số 22/2027/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại nhưng chưa có quy định về thời gian đào tạo bắt buộc đối với hòa giải viên. Trong khi một số quốc gia có quy định cụ thể về thời gian đào tạo bắt buộc để trở thành hòa giải viên như Áo, Hoa Kỳ, Đức… Chẳng hạn ở Đức, các hòa giải viên phải đáp ứng các tiêu chí được quy định với chương trình đào tạo với thời lượng ít nhất 120 giờ và sau khi hoàn thành khóa học, hòa giải viên phải tiến hành một phiên hòa giải với tư cách hòa giải viên hoặc đồng hòa giải viên, đồng thời được cấp xác nhận của một người giám sát (thực hành hòa giải)[11].

5. Kết luận

Việc nghiên cứu và áp dụng mô hình liên thông hòa giải - trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại là một yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng để cải thiện khung pháp lý về giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án tại Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Đối với Việt Nam, cần thêm các nghiên cứu và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế để xây dựng khung pháp lý phù hợp, đảm bảo tính linh hoạt và minh bạch trong giải quyết tranh chấp thương mại nói chung, trong đó có liên thông hòa giải - trọng tài.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Minh Phương, (2018), Nâng cao hiệu quả việc sử dụng hòa giải thương mại, https://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-viec-su-dung-hoa-giai-thuong-mai-470509.html

2 Brian A. Pappas, 2015, Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution, (tạm dịch), part C.

3 Brian A. Pappas, 2015, Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution, (tạm dịch).

4 Brian A. Pappas, 2015, Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution, (tạm dịch).

5 Minh Hùng, 2024, sửa đổi luật trọng tài thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=85949

6 Trung tâm hòa giải thương mại Việt Nam, Quy trình liên thông Trọng tài - Hòa giải - Trọng tài, https://vmc.org.vn/quy-trinh-lien-thong-trong-tai-hoa-giai-trong-tai, xem 01/12/2024

7 Brian A. Pappas, 2015, Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution, (tạm dịch), part A, III

8 Brian A. Pappas, 2015, Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution, (tạm dịch), part A, III

9 Brian A. Pappas, 2015, Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution, (tạm dịch), part B, III

10 Trần Phương Anh, (2024), Quy trình liên thông trọng tài - hòa giải - trọng tài trong tố tụng trọng tài và đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Kỷ yếu tọa đàm luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài tại Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, 45-54.

11 Lê Hương Giang, 2018, Pháp luật về hòa giải thương mại của Cộng hòa Liên bang Đức và một số gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 07/2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2010). Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật số 54/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010.
  2. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2017). Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 về hòa giải thương mại.
  3. Lê Hương Giang, (2018). Pháp luật về hòa giải thương mại của Cộng hòa Liên bang Đức và một số gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 07/2018.
  4. Trần Phương Anh, (2024). Quy trình liên thông trọng tài - hòa giải - trọng tài trong tố tụng trọng tài và đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Kỷ yếu, Tọa đàm Luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài tại Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 31/5/2024, 45-54.
  5. Pappas, Brian, (2015). Med-Arb and the Legalization of Alternative Dispute Resolution. Harvard Negotiation Law Review, Vol. 20, No. 1, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=4102353
  6. Minh Hùng, (2024), Sửa đổi luật trọng tài thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, truy cập tại https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=85949
  7. Trung tâm Hòa giải thương mại Việt Nam (2024), Quy trình liên thông Trọng tài - Hòa giải - Trọng tài, truy cập tại https://vmc.org.vn/quy-trinh-lien-thong-trong-tai-hoa-giai-trong-tai
  8. Minh Phương, (2018), Nâng cao hiệu quả việc sử dụng hòa giải thương mại, truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-viec-su-dung-hoa-giai-thuong-mai-470509.html

Legal issues in the integration of mediation and commercial arbitration for dispute resolution under Vietnamese law

Ph.D Phung Trong Que

Lecturer, Faculty of Law, Hanoi Open University

Abstract:

This study examines the legal nature of the mediation-arbitration linkage model in resolving commercial disputes. It provides an analysis of the model's effectiveness and proposes recommendations for enhancing Vietnamese law, particularly regarding the mediation-arbitration linkage, to better align with the evolving demands of economic integration. The study emphasizes the importance of adapting these legal frameworks to the socio-economic conditions of Vietnam, aiming to improve the overall dispute resolution process in the context of global economic integration.

Keywords: mediation and arbitration, Med-Arb.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]

Tạp chí Công Thương