Nguyên lý hoạt động
Theo ông Phan Văn Đồng, Phó chủ tịch Hội Thiên văn Việt Nam, mưa sao băng hầu như xuất hiện vào những thời điểm giống nhau trong một năm. Nguyên nhân là, do các hạt bụi vũ trụ phân bố theo quỹ đạo hình elip và quay quanh mặt trời theo chu kì nhất định. Nếu quỹ đạo của trái đất cắt ngang quỹ đạo của một đám bụi vũ trụ nào đó, thì ít nhất mỗi năm vào đúng thời điểm nhất định, trái đất sẽ một lần xuyên qua lớp bụi vũ trụ và xảy ra hiện tượng mưa sao băng trong thời gian đó. Khi sao chổi đi vào quỹ đạo của mặt trời, chúng nổ tung ra thành những chùm mảnh vụn lạnh và nhỏ phân tán xung quanh quỹ đạo của mặt trời. Nếu trái đất chuyển động xuyên qua chùm bụi này, thì chúng ta sẽ may mắn chứng kiến một trận mưa sao rực rỡ.
Còn theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam, mưa sao băng (hay còn gọi là sao đổi ngôi) là những mẩu thiên thạch nhỏ lang thang trong vũ trụ. Khi những mảnh thiên thạch nhỏ đó đến gần trái đất, lực hút của trái đất hấp dẫn chúng. Chúng ma sát rất mạnh vào các phân tử khí quyển với tốc độ có thể đến vài chục km/s, nên bị bốc cháy. Các phân tử khí quyển cũng bị lực ma sát làm cho các electron văng ra khỏi hạt nhân (còn gọi là ion hoá). Sự phát quang của các phân tử khí bị ion hoá gây nên vệt sáng kéo dài rơi xuống đất (người ta gọi là mưa sao băng).
Điều kiện để quan sát được mưa sao băng là thời tiết trong ngày xảy ra mưa sao băng phải đẹp, không bị mây che khuất. Điều quan trọng là, phải chọn được những địa điểm phù hợp, không có ánh đèn điện phát sáng, mặt đất càng tối thì khả năng quan sát mưa sao băng càng cao. Chính vì vậy, cách tốt nhất để quan sát hiện tượng này là, về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Với những nguyên lý trên thì vào rạng sáng ngày 29/7/2008, người dân vùng nông thôn của tỉnh Hà Tây và Hà Nam đã may mắn được chứng kiến 20 vệt sáng của mưa sao băng xuất hiện trong khoảng thời gian một tiếng.
Mưa sao băng không ảnh hưởng đến sức khoẻ
Cũng theo ông Phan Văn Đồng, trận mưa sao băng vào rạng sáng ngày 29/7, xuất hiện tại Việt Nam, cũng như tất cả các trận mưa sao băng xảy ra trên thế giới, đều là những hiện tượng tự nhiên bình thường, có tính lành, cho nên nó không gây bất cứ ảnh hưởng nào tới sức khỏe con người, cũng như ảnh hướng tới cây trồng, vật nuôi. Bởi theo thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có tới khoảng 10 trận mưa sao băng xuất hiện trên toàn thế giới. Trong sáng 29/7, thời điểm sao băng xuất hiện nhiều nhất có thể lên tới 40 vệt sao/giờ, còn trung bình là 20 vệt sao/giờ.
Theo các nhà thiên văn Việt Nam, trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm thường xảy ra vào ngày 14-18/11 (còn gọi là “mưa sao băng Sư Tử”). Một số trận mưa sao băng khác xuất hiện trong năm là ngày 1-4/5 (mưa sao băng Tiên Vương), ngày 19-23/4 (mưa sao băng Thiên Cầm), ngày 1-6/5 (mưa sao băng Bảo Bình), 9-11/10 (mưa sao băng Thiên Long), 18-23/10 (mưa sao băng Tráng Sĩ), 10-16/12 (mưa sao băng Song Tử)...