1. Mục tiêu chung
Trong mục tiêu phát triển, phấn đấu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và dịch vụ với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đến năm 2010 đạt 13,6%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 13,5%/năm; giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 16-17%; kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ tăng hơn 10 lần từ 150 triệu USD năm 2010 lên 1.500 triệu USD năm 2020. 

Phú Yên sẽ tăng nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn để tạo bước phát triển đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh như: điện tử, lọc dầu, hóa dầu, đóng tàu, chế biến nông thủy sản, sản xuất điện-nước. Trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án Nhà máy lọc dầu công suất 4 triệu tấn/năm và các nhà máy hóa dầu. 

Chương trình phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020 của tỉnh nhắm tới mục tiêu: Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh; Tập trung đầu tư áp dụng công nghệ cao vào các ngành chế biến thực phẩm và nông lâm sản, năng lượng hóa chất, cơ khí, điện tử - tin học và khai thác, chế biến khoáng sản.

Ngoài ra, chương trình cũng bao gồm mục tiêu tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng 42% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cũng là một trong những điểm trọng tâm của chương trình này.
Khu kinh tế Nam Phú Yên có khu đô thị Nam Tuy Hòa, khu công nghiệp lọc, hóa dầu và một số khu công nghiệp tập trung khác gắn liền cảng biển Vũng Rô, cảng biển Hòa Tâm và sân bay Tuy Hòa sẽ được đầu tư phát triển.
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Phú Yên đến năm 2010, mỗi huyện, thành phố có một cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng. Trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2010, đã có 8 cụm công nghiệp được UBND tỉnh cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: Hòa An (Phú Hòa), Tam Giang (Tuy An), thị trấn Sông Cầu (nay là TX Sông Cầu), thị trấn La Hai (Đồng Xuân), thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh), Ba Bản (Sơn Hòa), Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) và cụm công nghiệp tại TP Tuy Hòa. Mỗi cụm công nghiệp rộng từ 5-7ha, được quy hoạch chủ yếu ở địa bàn nông thôn nhằm phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn nên quy hoạch trên diện tích đất nông nghiệp là chính. 

2- Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu:
2.1) Công nghiệp chế biến thủy, súc sản và thịt gia súc, gia cầm: 

Tiếp tục gọi vốn đầu tư các nhà máy chế biến thủy hải sản và thịt gia súc, gia cầm (bao gồm đông lạnh và đóng hộp) với thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến nhằm khai thác, chế biến có hiệu quả nguồn nguyên liệu của Tỉnh tạo ra những sản phẩm đa dạng, chất lượng cao để phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Đồng thời khuyến khích phát triển ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu thuỷ sản và gia súc, gia cầm. 

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề thủ công về chế biến thủy, súc sản khô tẩm sấy; từng bước xây dựng, hình thành các làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu. 

Từng bước phát triển nghề chế biến nước mắm truyền thống trên cơ sở nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Phát triển các làng nghề sản xuất nước mắm ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu. 

2.2) Công nghiệp chế biến mía đường:
Phát triển các vùng mía nguyên liệu trên cơ sở tăng năng suất và chất lượng mía nguyên liệu theo hướng gắn với từng nhà máy đường hiện có và tiếp tục đầu tư chiều sâu, mở rộng công suất phù hợp với sự phát triển của vùng nguyên liệu nhằm tăng hiệu suất thu hồi, nâng cao sản lượng, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm đường. 

Đầu tư các cơ sở sản xuất cồn, rượu, bánh kẹo, phân vi sinh... gắn với công nghiệp mía đường theo quy mô hợp lý, chất lượng tốt để phục vụ nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. 

2.3) Công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát:
Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nước khoáng, công xuất 15 triệu lít/năm gắn với mỏ nước khoáng nóng. 

Tạo điều kiện thuận lợi để sớm triển khai đầu tư Nhà máy sản xuất sôđa, công suất 200.000 tấn/năm
Khuyến khích phát triển sản xuất nước uống tinh khiết, nước khoáng thiên nhiên, nước giải khát từ nước ép trái cây tươi đi đôi với phát triển trồng cây ăn quả, nước sữa từ các loại đậu... 

Từng bước nâng công suất Nhà máy Bia Liên doanh Sài Gòn - Phú Yên lên 50 triệu lít/năm
Tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy sản xuất nước giải khát tăng lực Rhino phát huy tối đa năng lực sản xuất hiện có và từng bước đầu tư nâng công suất, đa dạng hóa các sản phẩm của nhà máy. 

2.4) Công nghiệp chế biến gỗ - mây - tre - lá:
Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất bột giấy công suất 480.000 tấn bột giấy/năm và 350.000 tấn giấy/năm. 

Từng bước đầu tư chiều sâu, mở rộng năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu theo hướng tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, có trang trí bề mặt đẹp, mẫu mã đa dạng và luôn đổi mới phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng mây tre lá thủ công mỹ nghệ xuất khẩu phát triển mạnh, giải quyết được nhiều chỗ làm việc cho lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn.... Hỗ trợ và khuyến khích cho các doanh nghiệp sớm ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tiến đến trực tiếp tham gia xuất khẩu và làm hạt nhân vững chắc cho sự hình thành phát triển các làng nghề mây tre lá thủ công mỹ nghệ ở khu vực nông thôn thuộc huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân. 

Củng cố và phát triển các làng nghề dệt chiếu truyền thống trên địa bàn huyện Tuy An và Đông Hòa. 

2.5) Công nghiệp chế biến dừa, điều và một số sản phẩm nông sản khác:
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa trên cơ sở đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ phù hợp để đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa như: dầu dừa, thạch dừa, bánh tráng dừa, chỉ xơ dừa, than hoạt tính, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa, vỏ dừa... nhằm khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu dừa tại địa phương, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người lao động. 

Đầu tư chiều sâu các cơ sở chế biến nhân hạt điều xuất khẩu hiện có để sản xuất được các sản phẩm tinh nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. 

Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nông sản; đậu, ngô, khoai,...Đồng thời gọi vốn đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến bột dinh dưỡng từ ngũ cốc với công suất từ 3.000 - 5.000 tấn/năm. 

Khuyến khích du nhập hoặc nhân rộng một số nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm nông sản được sản xuất tại địa phương như: chế biến nấm, cà, ớt ...; sấy khô các loại quả: mít, xoài, chuối...; sản xuất bột dinh dưỡng từ ngũ cốc, chế biến cà phê bột, cà phê tan... với quy mô phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương và giải quyết được nhiều lao động nhất là ở khu vực nông thôn. 

2.6) Công nghiệp dệt, may, thêu; giày, dép da và các loại sản phẩm từ da, giả da; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch: 

Tập trung đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và nâng công suất các cơ sở may công nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển dần hình thức may gia công sang may hoàn chỉnh. 

TTiếp tục gọi vốn đầu tư xây dựng cơ sở dệt bao gồm cả dệt vải, dệt thun...với công suất 10 triệu mét vải/năm. 

Củng cố và phát triển nghề thêu, ren xuất khẩu ở khu vực thành phố Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa. 

Khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm từ da, giả da như: giày dép, túi sách, cặp học sinh... kêu gọi đầu tư Xí nghiệp sản xuất giày dép từ chất liệu da, giả da hoặc vải với công suất ban đầu 1 triệu đôi/năm để phục vụ cho nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. 

Khuyến khích đầu tư phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương gắn với các cụm du lịch theo quy hoạch của tỉnh. 

2.7) Công nghiệp cơ khí:
Tập trung củng cố lực lượng sản xuất cơ khí hiện có, thực hiện phân công và hợp tác hợp lý. Khuyến khích đổi mới thiết bị công nghệ, tạo thêm năng lực sản xuất cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ gia công, sửa chữa máy móc thiết bị nông - lâm - ngư nghiệp - thuỷ lợi - giao thông vận tải; sản xuất máy móc công cụ nhỏ; sản xuất các chi tiết, phụ tùng thay thế; tăng cường công nghiệp cơ khí sửa chữa các loại máy móc thiết bị chuyên dùng... nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian đến. Khuyến khích phát triển ngành cơ khí phụ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy Việt Nam. 

2.8) Công nghiệp hóa dầu:
Tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy lọc dầu công suất 1,5 - 3 triệu tấn/năm.
Từng bước đầu tư mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm trong lĩnh vực hóa dầu để tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế. Trong đó chủ yếu là sản xuất ra sợi tổng hợp cung ứng nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp dệt nhằm thay thế hàng nhập khẩu tiến đến sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh trong lĩnh vực may mặc góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất của toàn tỉnh. 

2.9) Công nghiệp khai thác khoáng sản và SXVLXD: 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất đá ốp lát nhằm khai thác, chế biến hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên của tỉnh. 

Tích cực gọi vốn đầu tư khai thác, chế biến vàng ở khu vực huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa; đầu tư sản xuất nhà máy Gạch ceramit với công suất 2 triệu viên/năm. 

Trên cơ sở Quy hoạch phân vùng khai thác khoáng sản Diatomit khuyến khích các cơ sở đầu tư sản xuất các sản phẩm từ Diatomit như: gạch bảo ôn, vật liệu nhẹ, chất cải tạo môi trường cho nuôi trồng thủy sản ... Đầu tư Nhà máy sản xuất bột trợ lọc công suất 2.500 tấn/năm, với công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu. 

Tạo điều kiện cho Nhà máy Xi măng và Nhà máy gạch Tuynen phát huy hết năng lực sản xuất hiện có, từng bước đầu tư nâng công suất để áp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng trong tỉnh và khu vực. 

Khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng không nung, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, sản xuất gạch Geramit chất lượng cao. 

Chú trọng đẩy mạnh khai thác chế biến các loại khoáng sản có giá trị kinh tế như: Sắt, nhôm, vàng,.. 

2.10) Công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, EAKrôngH'năng, Đá Đen và các nhà máy sản xuất điện bằng sức gió với tổng công suất 365 MW. 

Tích cực gọi vốn đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, năng lượng mới và năng lượng mặt trời để phục vụ điện sinh hoạt cho những vùng không thề kéo điện lưới đến. 

Hoàn thành việc đầu tư mới và nâng công suất nhà máy nước trên địa bàn tỉnh với tổng công suất trên 42.000m3/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất sinh hoạt. 

Khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh hệ thống và phân phối nước, các trạm cung cấp nước với quy mô phù hợp từ các nhà máy đến các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm, điểm công nghiệp và một số cụm dân cư lân cận. 

3. Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao 

a) Ngành chế biến thực phẩm, nông lâm sản: 

- Công nghiệp sản xuất đường: Sử dụng công nghệ thu hồi đường từ nguyên liệu mía cây sử dụng dung môi nhiệt khuyếch tán, công nghệ SAT, công nghệ Cti, công nghệ tẩy màu bằng phương pháp ion. 

- Công nghiệp sản xuất tinh bột sắn: Áp dụng dây chuyền công nghệ chế biến tinh bột sắn hiện đại để thu hồi triệt để lượng tinh bột, công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất. 

- Chế biến thủy hải sản: Quá trình sơ chế và chế biến, bảo quản sản phẩm áp dụng công nghệ đông lạnh, công nghệ chế biến đồ hộp, công nghệ cấp đông, công nghệ sấy, công nghệ bảo quản bằng phóng xạ, bằng sóng siêu âm, chú trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học trong chế biến và bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương. 

- Sản xuất đồ uống: Áp dụng công nghệ sử dụng men khô trong quá trình lên men, công nghệ lên men bia ngắn ngày; công nghệ bảo quản bia nồng độ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, làm lạnh bằng nước đá động và thu hồi hơi từ nồi nấu hoa, công nghệ lọc vô trùng; công nghệ nấu nguyên liệu trong sản xuất rượu bằng phun hơi; công nghệ chưng cất tinh luyện chân không và đa áp suất; công nghệ thanh trùng nhiệt độ cao sản xuất các loại bia, rượu, nước giải khát có chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại nhập; sử dụng công nghệ súc rửa, chiết rót, đóng nắp chai tự động trong phòng vô trùng trong sản xuất nước uống. 

- Chế biến rau quả: Sử dụng công nghệ bảo quản theo phương pháp sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sử dụng máy ozon ly tâm loại trừ vi khuẩn và các loại thuốc trừ sâu trong bảo quản, chế biến rau quả sạch. 

b) Ngành năng lượng: 

- Sản xuất điện năng:
+ Đối với nhà máy thủy điện: ứng dụng công nghệ cao để khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước ở các hồ chứa, xây dựng hệ thống quan trắc và quản lý hồ chứa, quản lý đập để vận hành hiệu quả và an toàn. Xây dựng các đập thủy điện trên cơ sở áp dụng một cách hợp lý các công nghệ vật liệu và thi công mới trên thế giới. Ứng dụng thiết bị thủy điện có công nghệ cao, đồng bộ, có hiệu suất và độ tin cậy cao trong xây dựng mới và thay thế các tổ máy cũ; lắp đặt các hệ thống điều khiển tự động hiện đại; 

+ Đối với năng lượng tái tạo: ứng dụng công nghệ cao cho các nguồn phát điện sinh khối, năng lượng gió, biogas, xăng dầu sinh học, sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất để cấp điện cho nhà máy,… với các dạng phục vụ cho các hộ gia đình, các cụm dân cư và có công suất lớn để bổ sung năng lượng quốc gia. 

- Phân phối điện năng: phát triển hệ thống phân phối điện có độ tin cậy cao; thực hiện phương thức vận hành, khai thác hiệu quả để tiến đến đạt chuẩn hóa điện n-1; có khả năng cung cấp điện linh hoạt và có khả năng tự khôi phục trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. 

c) Ngành hóa chất:
- Áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong các nhà máy lọc dầu và nhà máy hóa dầu; 

- Áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực hóa dược đạt trình độ tiên tiến, hiện đại để sản xuất và cung cấp nguyên liệu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng, trị bệnh của nhân dân và tiến đến xuất khẩu; 

- Áp dụng công nghệ tiên tiến vào các nhà máy sản xuất phân bón NPK, phân hữu cơ vi sinh. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm gốc sinh học gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng các hoạt chất thế hệ mới, các dung môi ít gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với những quy định của khu vực và quốc tế; 

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu hồi quặng Fluorit trong các bãi thải. 

d) Ngành cơ khí: 

- Tập trung củng cố lực lượng sản xuất cơ khí hiện có, khuyến khích các cơ sở đẩy nhanh đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng thêm năng lực sản xuất cần thiết nhằm sửa chữa máy móc, thiết bị nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải; sản xuất công cụ lao động, thiết bị phụ tùng thay thế; sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, lắp ráp ô tô, máy móc cơ giới phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải; 

- Nâng cao năng lực chế tạo và ứng dụng rộng rãi các phần mềm thiết kế (CAD/CAM, Pro-Engineer) thiết kế trên máy vi tính kết hợp các máy, thiết bị điều khiển theo chương trình số ở phần lớn các khâu, công đoạn chế tạo các chi tiết có độ phức tạp và chính xác cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Tham gia chế tạo được các sản phẩm thay thế trong dây chuyền thiết bị sản xuất đường, sắn, dược, thiết bị sấy và bảo quản nông sản, thiết bị chế biến lương thực thực phẩm, phân bón, thiết bị trong đóng tàu, thiết bị điện,… có chất lượng cao, có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, có giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và ngoài tỉnh. 

đ) Ngành điện tử - tin học: 

- Cần đẩy nhanh thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa hình thức đầu tư và chú trọng đến công nghệ cao. Không nhất thiết phải sản xuất được những sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng mà cần thiết phải có những bộ phận sản phẩm hoặc linh kiện, chi tiết có chất lượng cao theo yêu cầu chung để tham gia vào thị trường khu vực và thế giới; 

- Khuyến khích đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp sản phẩm điện tử gia dụng; nhà máy sản xuất máy tính cá nhân và thiết bị ngoại vi, thiết bị viễn thông, thiết bị quang điện tử, thiết bị đo lượng, điều khiển tự động,…; 

- Công nghệ cao được áp dụng trong ngành công nghiệp phần cứng phải có chọn lọc, đi tắt đón đầu; 

- Ưu tiên sử dụng công nghệ nguồn mở, dịch vụ thiết kế và tích hợp hệ thống ứng dụng web thế hệ mới, công nghệ điện toán đám mây, ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý; 

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nội dung số. 

e) Ngành khai thác và chế biến khoáng sản: 

- Áp dụng công nghệ khai thác đá ốplát bằng máy cưa dây kim cương, công nghệ tự động hóa trong quá trình cưa, mài bóng sản phẩm đá ốplát. 

- Áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng không nung, phấn đấu sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 đến 25% vào năm 2015 và đạt 30 đến 40% vào năm 2020; 

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, hệ thống điều khiển tự động trong quá trình luyện kim (từ nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm hoàn chỉnh) để sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn như: Fero Titan, Fero Wonfram, Fero Molipden; 

- Áp dụng các công nghệ tiên tiến để thu hồi triệt để vàng trong quặng có hàm lượng thấp,… sử dụng công nghệ tự động hóa trong dây chuyền luyện, đúc vàng. Phấn đấu đưa vào hoạt động trước năm 2013 nhà máy sản xuất vàng 99,99.

  • Tags: