Là một tỉnh miền núi với địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống rải rác trên địa bàn nên Sơn La có những khó khăn trong việc phát triển ngành giáo dục đào tạo. Nhưng với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân Sơn La, được sự quan tâm của các cấp các ngành và với truyền thống hiếu học, trong những năm qua, ngành Giáo dục Sơn La đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương.
Mục tiêu của ngành Giáo dục - Đào tạo Sơn La trong giai đoạn 2006-2010 là tiếp tục mở rộng qui mô, phát triển và hoàn thiện hệ thống trường lớp, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- văn hoá xã hội của tỉnh; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp, ngành học; Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; triển khai phổ cập bậc trung học ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến trình xã hội hoá giáo dục.
Qui hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống trường lớp hiện có, để số trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu đến năm 2010, 100% số xã phường có trường mầm non. Qui hoạch và tăng cường các lớp ở cấp tiểu học tại các bản theo hướng lâu dài. Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng qui mô các trường THCS tại các xã đặc biệt khó khăn. Mở các trường THPT bán trú tại các địa điểm tái định cư Thuỷ điện Sơn La theo qui hoạch. Hoàn thiện 11 trường PTDT nội trú tỉnh và huyện để tuyển sinh, tạo nguồn cán bộ cho các xã đặc biệt khó khăn. Đến năm 2010 số học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 90-99%, 75-80% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT, tỷ lệ học sinh THPT đúng độ tuổi đạt 50%. Mở trường giáo dục khuyết tật của Tỉnh để thu hút 70% số trẻ khuyết tật được tham gia học tập văn hoá và học nghề, mở trường năng khiếu thể thao của tỉnh tạo nguồn cán bộ làm công tác phong trào tại các địa phương. Phối hợp với các trường THCS trong Tỉnh mở rộng qui mô đào tạo, huy động 10-15% học sinh tốt nghiệp THCS theo phân luồng vào học các ngành nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế văn hoá xã hội của Tỉnh. Trong đó ưu tiên đào tạo theo địa chỉ các nghề như y tế, nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng và sản xuất VLXD… đáp ứng nhu cầu nhân lực và công nhân cho các xã đặc biệt khó khăn, cho việc di chuyển dân cư phục vụ Thuỷ điện Sơn La. Thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất, phổ biến hướng dẫn KHKT tới người lao động. Phấn đấu đến năm 2010 lực lượng lao động qua đào tạo đạt 20-25%. Tiếp tục hoàn thiện các trung tâm GDTX, đến năm 2010 có 60% cán bộ xã phường đạt trình độ THPT trở lên và 100% cán bộ từ huyện đến tỉnh hoàn thiện các yêu cầu chuẩn hoá công chức về trình độ chuyên môn lý luận và quản lý nhà nước.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 20% vào năm 2010, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc được học chữ viết riêng của dân tộc mình. Hoàn thiện việc học ngoại ngữ, nhạc, hoạ, thể dục, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng…. ở các trường THCS, THPT, đảm bảo 100% số trường được học đầy đủ các môn học theo qui định; phấn đấu 50% học sinh THPT được học nghề và khuyến khích phát triển các nghề truyền thống của địa phương. Đẩy mạnh công tác tin học hoá trong các đơn vị giáo dục. Đến năm 2010, các trường THCS được kết nối mạng Internet.., chú trọng việc giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng và các công tác hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống lành mạnh cho học sinh.. Tập trung xây dựng và hoàn thiện trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp học, đến năm 2010 số học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 97,5%, THCS đạt 97%, THPT 97%.