Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe lập luận của các bên về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong cuộc điều trần trực tuyến tổ chức tại Washington (Mỹ). Đây là một phần trong quá trình đánh giá vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về vấn đề trên vào tháng 7/2024.
Nhận định về vấn đề này, ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như chính sách ngoại hối và sẵn sàng cho việc nâng hạng lên nền kinh tế thị trường”.
Ông James Borton, Nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins đánh giá, việc công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại và đầu tư với Mỹ. Đối với Mỹ, các doanh nghiệp nước này sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, góp phần mở rộng chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, giá nhập khẩu thấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện có thể cho phép các công ty Mỹ tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam.
“Bây giờ là lúc Bộ Thương mại Mỹ công nhận Việt Nam đã đạt được quy chế kinh tế thị trường. Quyết định này không chỉ thể hiện sự thiện chí giữa hai đối tác mà còn để Mỹ và Việt Nam có thể cùng nhau giải quyết tốt hơn các mối đe dọa về môi trường, kinh tế và an ninh mà cả hai quốc gia đều đang phải đối mặt”, ông James Borton nhận định.
Bộ Thương mại Mỹ hiện coi 12 nước là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.
Theo đó, hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Điển hình, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2024. Trong khi đó, với việc Mỹ công nhận Thái Lan là nền kinh tế thị trường, mức thuế Mỹ áp dụng đối với mặt hàng này của Thái Lan chỉ ở mức 5,34%.
Năm ngoái, Bộ Công Thương đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Các bản thông tin mà Việt Nam gửi đi có đầy đủ lập luận chứng minh nền kinh tế Việt Nam đáp ứng đầy đủ 6 yếu tố về công nhận nền kinh tế thị trường theo pháp luật Hoa Kỳ, bao gồm:
(i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;
(ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;
(iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;
(iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;
(v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả;
(vi) Các yếu tố khác.